Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối

Ðược coi là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu, chợ đầu mối đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thực phẩm cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, thời gian qua, do công tác quản lý về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, và an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ đầu mối còn nhiều bất cập, gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Ðoàn kiểm tra liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: QUỲNH DUNG
Ðoàn kiểm tra liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: QUỲNH DUNG

Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 454 chợ các loại, gồm 15 chợ hạng 1; 65 chợ hạng 2; 311 chợ hạng 3; 63 chợ chưa phân hạng. Có hai chợ đầu mối (chợ đầu mối phía nam, chợ đầu mối Minh Khai); bốn chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán). Các chợ trên đang cung cấp khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, qua công tác kiểm tra thực tế việc bảo đảm vệ sinh ATTP ở các chợ đầu mối cho thấy, lượng hàng hóa bán ở các chợ tương đối lớn, nhưng phần lớn sản phẩm đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, mà tiểu thương chỉ ghi chép sổ sách lượng hàng hóa nhập về bán.

Chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội), mỗi ngày mua, bán, trung chuyển hàng trăm tấn gia cầm các loại. Gia cầm từ khắp các nơi được các tư thương thu gom đem đến chợ, sau đó bán lại cho các tư thương khác để đem về bán ở các chợ trên địa bàn Hà Nội, Hà Nam,… Với quy mô lớn như vậy, nhưng tại chợ đầu mối gia cầm này, có rất nhiều hộ buôn bán theo kiểu tự phát, không đăng ký kinh doanh cũng không qua kiểm dịch gia cầm. Có những ngày cao điểm, số lượng gia cầm tăng cao, ngoài các ki-ốt trong chợ, số lượng lớn gà, vịt được bày bán la liệt bên ngoài cổng chợ, lấp hết các khoảng trống, gần như không còn lối đi vào. Những ngày mưa gió, do không được xử lý kịp thời, phân gà vịt, lông gia cầm… theo nước lênh láng trên nền chợ, bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.

Tương tự, tại chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), hằng ngày, trung bình có 700 hộ kinh doanh tại chợ. Qua kiểm tra, sản phẩm động vật của các hộ kinh doanh tại chợ đều được mua từ các nơi khác mang về bán, nhất là sản phẩm đã qua chế biến đều không có tem nhãn sản phẩm. Các hộ kinh doanh không cung cấp được hóa đơn, hợp đồng... để chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Tại khu vực kinh doanh rau, củ, quả, phần lớn bày bán trên bạt hoặc vỏ bao bì, thúng, mẹt để trên sàn chợ, không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh ATTP. Bà Nguyễn Thị Hồng, một chủ kinh doanh mặt hàng rau cho biết, mỗi ngày bán được từ 200 đến 300 mớ rau, nhưng do tiền thuê cửa hàng trong chợ cao, cho nên đã chuyển ra bày bán ngay ở vỉa hè để giảm chi phí.

Chợ đầu mối phía nam (chợ Ðền Lừ), quận Hoàng Mai là một trong những đầu mối cung cấp nông, lâm, thủy sản lớn cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy phần lớn thực phẩm (chủ yếu mặt hàng rau, củ, quả tươi sống) đã được kiểm soát, song do công tác quản lý còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng các mặt hàng không rõ nguồn gốc vẫn được tuồn vào trong chợ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh rau an toàn tại Hà Nội cho rằng, hiện nay việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau, củ, quả tại các chợ đầu mối gần như bỏ ngỏ. Rau an toàn đang bị đánh đồng với sản phẩm không an toàn khiến việc tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm càng trở nên khó khăn. Các cơ quan, ban, ngành chưa thật sự phát huy hết vai trò của mình trong công tác quản lý chất lượng ATTP tại các chợ đầu mối. Ðây chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm hay tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả bị phát hiện trên địa bàn Hà Nội thời gian qua.

Ðể quản lý chất lượng sản phẩm và bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, cùng với việc thực hiện quy định trong Thông tư số 24/2014/TT-BNNPTNT ngày 19-8-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện bảo đảm ATTP đối với chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản, các ngành chức năng cần phối hợp với ban quản lý chợ đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các hộ ký cam kết kinh doanh những mặt hàng bảo đảm vệ sinh ATTP; xây dựng biểu mẫu sổ sách nguồn gốc hàng hóa và kiểm tra việc ghi chép của các hộ kinh doanh trong chợ; yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh ký cam kết bán hàng rõ nguồn gốc xuất xứ. Về lâu dài, cần xây dựng quy hoạch hướng phát triển chợ đầu mối đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa, bảo đảm ATTP; phê duyệt chương trình kiểm tra nhanh chất lượng ATTP tại chợ đầu mối, để từng bước đưa các hộ kinh doanh đi vào nền nếp, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ðể giải quyết vấn đề ATTP chợ đầu mối, cần tăng cường phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với các chuỗi bán lẻ lớn; bảo đảm cân đối cung cầu, có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh ATTP theo chuỗi. Ðồng thời, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá thành và giá bán các sản phẩm nông sản.

Nguyễn Tuấn Hải

Chuyên gia kinh tế Bộ Công thương

Ban quản lý chợ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và nhắc nhở các hộ, cơ sở kinh doanh, người đến mua sản phẩm tại chợ trong việc tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP; phối hợp cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát ATTP tại chợ.

(Trích Ðiều 15, Thông tư số 24/2014/TT-BNNPTNT về điều kiện bảo đảm ATTP đối với chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản)