Sẽ ban hành chính sách ưu đãi mới để vận động viên yên tâm thi đấu

NDO - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới để tạo điều kiện cho vận động viên yên tâm thi đấu và được phát triển nghề theo đúng nguyện vọng cá nhân, bao gồm các chính sách về tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhà ở và đào tạo nghề sau thi đấu.
0:00 / 0:00
0:00

Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đưa ra khi đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chiều 5/6, về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Ưu đãi cho vận động viên giã từ sự nghiệp

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết, đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm công việc gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao, kinh doanh.

Sẽ ban hành chính sách ưu đãi mới để vận động viên yên tâm thi đấu ảnh 1

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, cần bảo đảm việc học tập văn hóa, chính trị cho vận động viên, ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm cho vận động viên thành công. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để bảo đảm tương lai cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, thời gian qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thể thao, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vận động viên thành tích cao. Trong đó, có chính sách ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng trong thi đấu, góp phần động viên họ.

Bộ trưởng thừa nhận, việc giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là trình độ đào tạo, nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu. Nghề nghiệp chuyển đổi cũng chưa thích hợp với các vận động viên. Vì vậy, không phải tất cả đều được làm công tác huấn luyện tại các đơn vị sự nghiệp.

Bộ trưởng cho rằng cần đổi mới hướng tiếp cận, giúp các vận động viên có việc làm bằng nhiều cách khác nhau. Theo đó, Bộ đang đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới để tạo điều kiện cho vận động viên yên tâm thi đấu và được phát triển nghề theo đúng nguyện vọng cá nhân. Các chính sách bao gồm: tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhà ở và đào tạo nghề sau thi đấu.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gene để tuyển chọn vận động viên

Quan tâm đến chính sách ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho biết, ngày 22/2/2019 Quyết định số 223/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được ban hành.

Sẽ ban hành chính sách ưu đãi mới để vận động viên yên tâm thi đấu ảnh 2

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang). (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Nội dung đề án đã xác định rõ các mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong báo cáo của Bộ trưởng chuẩn bị cho nội dung chất vấn hôm nay chưa có đánh giá rõ về nội dung này.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tham mưu xây dựng được những cơ chế, chính sách gì và tình hình kết quả thực hiện ra sao? Đặc biệt là các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng?”, đại biểu Tuấn nói.

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ đã chủ động tập trung phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao. Trong đó nhóm việc thứ nhất là đề xuất ban hành chế độ chính sách liên quan lĩnh vực này. Hiện tại, các huấn luyện viên, vận động viên nói chung, trong đó có huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao đều được thụ hưởng 7 nhóm chính sách Đảng và Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua.

Cụ thể là chế độ về tiền lương, tiền công, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền thưởng bằng hiện vật khi đạt thành tích cao, chế độ dinh dưỡng đặc thù, chế độ về trang thiết bị luyện tập, học tập văn hóa, ưu đãi học nghề, giải quyết việc làm… Ngoài ra, các địa phương còn có chế độ riêng khen thưởng khi các vận động viên của địa phương mình đạt thành tích cao.

Sẽ ban hành chính sách ưu đãi mới để vận động viên yên tâm thi đấu ảnh 3

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Để cụ thể hóa hơn nữa, Bộ đã xây dựng các quy định về công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng, chỉ tiêu, tiêu chí tuyển chọn, kế hoạch đào tạo và ban hành các giáo trình. Hiện nay, căn cứ vào việc tiếp cận thể thao thành tích cao theo các bộ môn của Asiad và Olympic, căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như dự báo khả năng, Bộ đã chọn ra 15 bộ môn và tập trung cho công tác huấn luyện đào tạo, trong đó có tập huấn ở nước ngoài.

Bộ trưởng cho rằng chính sách đã tương đối đầy đủ. Để nâng cao chất lượng vận động viên, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ tập trung cho nghiên cứu khoa học thể thao, phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài. “Chúng ta phải ứng dụng công nghệ gene, phân tích gene để tuyển chọn vận động viên có tiềm năng và đưa vào đào tạo ở các cấp tuổi khác nhau”, ông Hùng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu cho Chính phủ để ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao, trong đó có thể thao thành tích cao và các vấn đề liên quan đến chế độ cho huấn luyện viên, vận động viên.

Tiêu cực trong thể thao là nhức nhối của ngành

Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhắc lại sự việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Sự việc này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh thể thao thành tích cao trong mắt công chúng và xấu đi hình ảnh thầy trò tình nghĩa.

Sẽ ban hành chính sách ưu đãi mới để vận động viên yên tâm thi đấu ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình). (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Theo đại biểu, đây cũng là mặt trái của thể thao thành tích cao và phơi bày chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, công tác quản lý chưa hiệu quả. Do đó, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp căn cơ.

Thừa nhận tiêu cực trong thể thao “là nhức nhối” của ngành, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay hai vụ việc liên quan đến tiền ăn của đội bóng bàn và tiền của đội thể dục dụng cụ chỉ là “cá biệt”. Khi phát hiện ra, Bộ đã kiên quyết xử lý với phương châm không có ngoại lệ, làm nghiêm và thực tế là đã kỷ luật hành chính, công khai thông tin. Đơn vị cũng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xem xét dấu hiệu vi phạm, điều tra, xử lý nghiêm nếu có.

“Chúng tôi không dung túng, bao che cho ai cả”, ông Hùng nói và thừa nhận hai vụ việc trên Bộ đã chậm nắm bắt vấn đề. Theo ông, ban đầu mục đích của các đội là góp quỹ để hỗ trợ, bồi dưỡng nhau khi khó khăn. “Nếu quản lý chặt, không để huấn luyện viên lạm dụng thì có lẽ đã không có tiêu cực xảy ra”.

Bộ trưởng cho biết Bộ đã hoàn chỉnh quy định quản lý đội tuyển từ huấn luyện đến quản lý; tăng cường kiểm tra về chế độ chính sách, bảo đảm công khai minh bạch.