Biến thể gene nguy cơ cao này nằm trong vùng nhiễm sắc thể cũng liên quan đến việc tăng gấp đôi nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 dưới 60 tuổi.
Các phát hiện vừa được công bố trên tạp chí Nature Genetics ngày 5/11. Theo đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford cho biết, khoảng 60% những người có tổ tiên Nam Á mang phiên bản gene nguy cơ cao, đồng thời phát hiện này có thể giải thích phần nào số lượng người chết tăng cao ở một số cộng đồng người Anh và Ấn Độ do sự tàn phá của Covid-19 gây ra.
Các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ gia tăng đến từ gene điều chỉnh hoạt động của các gene khác, bao gồm một gene mang tên LZTFL1 liên quan đến phản ứng của tế bào phổi với virus.
Kết quả là, biến thể gene có thể ức chế phản ứng thích hợp với virus giữa các tế bào lót đường thở và phổi.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, LZTFL1 không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể để chống lại nhiễm trùng.
Giáo sư James Davies, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, phát hiện "cho thấy cách mà phổi phản ứng với nhiễm trùng là rất quan trọng. Điều này rất quan trọng vì hầu hết các phương pháp điều trị đều tập trung vào việc thay đổi cách hệ thống miễn dịch phản ứng với virus".
Trong một tuyên bố, Tiến sĩ Raghib Ali, Đại học Cambridge, cố vấn về Covid-19 và sắc tộc cho Văn phòng Nội các Anh cho biết, ngay cả sau khi tính đến tỷ lệ cao hơn của các yếu tố rủi ro Covid-19, như làm việc trong các công việc đối mặt với công chúng và nhà ở tại các khu vực đông dân cư, "vẫn có một sự chênh lệch quá cao về nguy cơ (tử vong do Covid-19) không giải thích được ở người Nam Á".
Ông nói thêm, nghiên cứu mới này cho thấy "điều này có thể là do họ có nhiều khả năng mang gene này hơn, làm tăng nguy cơ tử vong khi bị nhiễm virus".
Tiến sĩ Simon Biddie, một chuyên gia chăm sóc đặc biệt tại Đại học Edinburgh cho biết, mặc dù nghiên cứu "cung cấp bằng chứng thuyết phục để đề xuất vai trò của gene LZFTL1" trong phổi của bệnh nhân bị Covid-19 nặng, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận những phát hiện này.