Chia sẻ bí quyết vaccine Covid-19 trong đại dịch: Mong đợi của nước nghèo

NDO -

Nhiều nhà máy sản xuất vaccine tại các nước đang phát triển, cũng như chính phủ của họ đã yêu cầu các hãng dược phẩm lớn nắm giữ bản quyền vaccine Covid-19 chia sẻ bí quyết kỹ thuật để họ có thể sản xuất vaccine giá rẻ hơn phục vụ cho những nước nghèo kiềm chế đại dịch, nhưng đến nay chưa có hãng dược phẩm nào đồng ý.

Nhân viên làm việc bên trong nhà máy sản xuất vaccine Incepta ở ngoại ô Dhaka, Bangladesh. Ảnh AP.
Nhân viên làm việc bên trong nhà máy sản xuất vaccine Incepta ở ngoại ô Dhaka, Bangladesh. Ảnh AP.

Khi bí quyết vaccine Covid-19 thuộc về ba hãng dược phẩm lớn

Tại một khu công nghiệp ở ngoại ô thành phố lớn nhất Bangladesh có một nhà máy sản xuất vaccine được trang bị những thiết bị mới sáng bóng nhập khẩu từ Đức, hành lang được khử trùng, những căn phòng khép kín, nhưng chỉ đang hoạt động với một phần tư công suất.

Đây là một trong ba nhà máy ở ba lục địa mà chủ sở hữu cho phóng viên AP biết, chỉ cần có bản thiết kế và bí quyết kỹ thuật, họ có thể bắt đầu sản xuất hàng trăm triệu vaccine Covid-19 trong thời gian ngắn.

Nhưng bí quyết đó đang thuộc về các công ty dược phẩm lớn sản xuất ba loại vaccine đầu tiên được các nước bao gồm Anh, Liên minh châu Âu và Mỹ ủy quyền, là Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Tất cả các nhà máy vẫn đang chờ phản hồi từ các hãng dược phẩm này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chính phủ nhiều nước trên khắp châu Phi và Đông Nam Á, cùng các tổ chức viện trợ đang kêu gọi các công ty dược phẩm chia sẻ thông tin về bằng sáng chế của họ rộng rãi hơn để đáp ứng sự thiếu hụt vaccine, nhằm ngăn ngừa đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu.

Để phát triển chế phẩm vaccine với tốc độ chưa từng có, các công ty dược phẩm đã lấy tiền của người đóng thuế từ Mỹ, các nước châu Âu nhằm nghiên cứu vaccine. Và giờ đây họ cho biết đang đàm phán hợp đồng và thỏa thuận cấp phép độc quyền với các nhà sản xuất theo từng trường hợp, vì họ cần bảo vệ tài sản trí tuệ và bảo đảm an toàn.

Các chuyên gia bình luận rằng, cách tiếp cận chắp vá này là quá chậm vào thời điểm cấp bách để ngăn chặn virus trước khi nó biến đổi thành các dạng thậm chí còn nguy hiểm hơn. WHO đang kêu gọi các nhà sản xuất vaccine chia sẻ bí quyết của họ để “tăng đáng kể nguồn cung toàn cầu”.

Các nhà máy vẫn chờ đợi để được sản xuất vaccine Covid-19

Chia sẻ bí quyết vaccine Covid-19 trong đại dịch: Mong đợi của nước nghèo -0
Nhân viên sản xuất thực hiện kiểm tra các lọ vaccine bên trong nhà máy Incepta ở Bangladesh. Ảnh: AP. 

Ông Abdul Muktadir, chủ sở hữu nhà máy Incepta từng sản xuất vaccine ngừa viêm gan, cúm, viêm màng não, bệnh dại, uốn ván và sởi ở Bangladesh, cho biết: “Nếu điều đó có thể được thực hiện trong một sớm một chiều, mọi châu lục sẽ có hàng chục công ty có thể sản xuất những loại vaccine này”.

Trên toàn thế giới, nguồn cung cấp vaccine ngừa Covid-19 đang ít hơn rất nhiều so với nhu cầu, và số lượng vaccine hạn chế sẽ được chuyển đến các nước giàu. Theo WHO, tính đến tuần trước, gần 80% vaccine đã được sử dụng ở 10 quốc gia. Hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với dân số 2,5 tỷ người đã không nhận được một mũi tiêm nào.

Cách tiếp cận theo từng thỏa thuận cũng có nghĩa là một số quốc gia nghèo hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho cùng một loại vaccine so với các quốc gia giàu có hơn. Theo các nghiên cứu và tài liệu công khai, Nam Phi, Mexico, Brazil và Uganda phài trả số tiền khác nhau cho mỗi liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca và số tiền đó nhiều hơn các nước thuộc Liên minh châu Âu. AstraZeneca giải thích, giá vaccine sẽ khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như chi phí sản xuất, nơi thực hiện tiêm chủng và số lượng quốc gia đặt hàng.

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của UNAIDS cho biết: “Những gì chúng ta thấy ngày nay là một cuộc hỗn loạn, tiếp cận theo kiểu “khôn sống mống chết”, nơi những người có tiền trong túi, chìa những bàn tay thô bạo giành giật lấy những gì đang có và để mặc những người khác chết”.

Tại Nam Phi, quê hương của biến thể Covid-19 đáng lo ngại nhất thế giới, nhà máy Biovac cho biết, trong nhiều tuần qua họ đang đàm phán với một nhà sản xuất giấu tên và vẫn không có được hợp đồng. Và ở Đan Mạch, nhà máy Bắc Âu ở Bavaria có năng lực dự phòng và khả năng sản xuất hơn 200 triệu liều nhưng cũng đang chờ tin từ nhà sản xuất vaccine Covid-19 để được cấp phép.

Hai giải pháp đưa ra đều bế tắc

Chia sẻ bí quyết vaccine Covid-19 trong đại dịch: Mong đợi của nước nghèo -0
Nhà máy sản xuất vaccine ở Bangladesh được trang bị thiết bị từ Đức nhưng chỉ hoạt động bằng một phần tư công suất. Ảnh: AP.

Chính phủ và các chuyên gia y tế đưa ra hai giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu vaccine: Giải pháp thứ nhất, do WHO hỗ trợ, là một nhóm bằng sáng chế được mô hình hóa dựa trên một nền tảng được thiết lập tương tự như các phương pháp điều trị HIV, lao và viêm gan để chia sẻ tự nguyện công nghệ, sở hữu trí tuệ và dữ liệu. Nhưng hiện không có một công ty nào đề nghị chia sẻ dữ liệu của mình, hoặc chuyển giao công nghệ cần thiết.

Giải pháp còn lại là đề xuất đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ trong thời kỳ đại dịch, đã bị Mỹ và châu Âu vốn là chủ của các công ty chịu trách nhiệm tạo ra vaccine Covid-19 ngăn chặn trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Giải pháp này nhận được sự ủng hộ của ít nhất 119 quốc gia trong số 164 quốc gia thành viên của WTO và Liên minh châu Phi, nhưng bị các nhà sản xuất vaccine phản đối gay gắt.

Các công ty dược phẩm cho biết, thay vì dỡ bỏ các hạn chế về quyền sở hữu trí tuệ, các nước giàu chỉ nên cung cấp nhiều vaccine hơn cho các nước nghèo hơn thông qua COVAX, sáng kiến ​​công-tư mà WHO đã tạo ra để phân phối vaccine công bằng. WHO và các đối tác đã giao những liều vaccine đầu tiên vào tuần trước với số lượng rất hạn chế.

Nhưng các nước giàu không sẵn sàng từ bỏ những gì họ có. Bà Ursula Von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã sử dụng cụm từ “lợi ích chung toàn cầu” để mô tả vaccine. Thậm chí, Liên minh châu Âu còn áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với vaccine, cho phép các quốc gia có quyền ngăn chặn việc tiêm vaccine ngoài biên giới của nước mình trong một số trường hợp.

Vào ngày đầu tiên làm Tổng giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, người Nigeria cho biết, đã đến lúc chú ý đến nhu cầu tiêm chủng của người nghèo trên thế giới.

Bà nói với các thành viên của tổ chức: “Chúng ta phải tập trung làm việc với các công ty dược để mở và cấp giấy phép cho các địa điểm sản xuất khả thi hơn ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Điều này cần sớm triển khai để chúng ta có thể được sống an toàn".

Mô hình lâu đời trong ngành dược phẩm là các công ty đầu tư một lượng tiền lớn và nghiên cứu để đổi lấy quyền thu lợi nhuận từ thuốc và vaccine. Tại một diễn đàn trong ngành vào tháng 5 năm ngoái, Giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla, đã mô tả ý tưởng chia sẻ quyền SHTT rộng rãi là “vô nghĩa” và thậm chí là “nguy hiểm”. Ông Pascal Soriot, Giám đốc của AstraZeneca cho biết, nếu quyền sở hữu trí tuệ không được bảo vệ, "không có động lực cho bất kỳ ai đổi mới".

Còn ông Thomas Cueni, Tổng giám đốc của Liên đoàn các nhà sản xuất dược phẩm quốc tế, gọi ý tưởng dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế là “một tín hiệu rất xấu cho tương lai. Bạn báo hiệu rằng nếu bạn có đại dịch, bằng sáng chế của bạn chẳng có giá trị gì cả”.

Những người ủng hộ chia sẻ bản quyền vaccine lập luận rằng, không giống như hầu hết các loại thuốc, người nộp thuế đã trả hàng tỷ đồng để phát triển vaccine hiện là “hàng hóa công cộng toàn cầu” và nó nên được sử dụng để chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong lịch sử.

Ông Mustaqeem De Gama, một nhà ngoại giao Nam Phi, người đã tham gia sâu vào các cuộc thảo luận của WTO, cho biết: “Mọi người đang chết dần vì chúng ta không thể thống nhất về quyền sở hữu trí tuệ theo đúng nghĩa đen”.

Tiến sĩ Paul Fehlner, Giám đốc pháp lý của công ty công nghệ sinh học Axcella, người ủng hộ hội đồng tổ chức bằng sáng chế của WHO, cho biết, các chính phủ đã đổ hàng tỷ USD vào việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị, vì thế nên đòi hỏi nhiều hơn từ các công ty mà họ đã cấp vốn ngay từ đầu.

 “Đây là tình trạng lấy tiền của người đóng thuế mà không bị coi là hành vi lừa đảo”, ông lên án.

Chia sẻ bí quyết vaccine Covid-19 trong đại dịch: Mong đợi của nước nghèo -0
Chỉ cần được chia sẻ bí quyết, hàng chục nhà máy khắp các châu lục đều có thể sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: AP. 

Đặt lên bàn tất cả các lựa chọn

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về đại dịch Covid-19 ở Mỹ cho biết, tất cả các lựa chọn cần phải được đặt lên bàn, bao gồm tăng viện trợ, nâng cao năng lực sản xuất ở các nước đang phát triển và làm việc với các công ty dược phẩm để nới lỏng bằng sáng chế của họ.

Tiến sĩ Fauci nói: “Các quốc gia giàu có, bao gồm cả chúng tôi, phải có trách nhiệm đạo đức khi bùng phát dịch bệnh toàn cầu như thế này. Chúng ta phải tiêm chủng cho toàn thế giới, không chỉ riêng đất nước của chúng ta".

Thật khó để biết chính xác có thể sản xuất thêm bao nhiêu vaccine trên toàn thế giới nếu các hạn chế về sở hữu trí tuệ được dỡ bỏ, vì năng lực sản xuất dự phòng của các nhà máy chưa được chia sẻ công khai. Nhưng ông Suhaib Siddiqi, cựu Giám đốc hóa học tại Moderna cho biết, với bản thiết kế và tư vấn kỹ thuật, một nhà máy hiện đại sẽ có thể sản xuất vaccine Covid-19 trong ít nhất ba đến bốn tháng.

“Theo tôi, vaccine thuộc về công chúng. Bất kỳ công ty nào có kinh nghiệm tổng hợp các phân tử đều có thể làm được", ông Siddiqi nói.

Trở lại Bangladesh, nhà máy Incepta đã cố gắng đạt được những gì họ cần để sản xuất thêm vaccine theo hai cách, bằng cách cung cấp dây chuyền sản xuất cho Moderna và liên hệ với một đối tác của WHO. Moderna đã không trả lời yêu cầu của nhà máy ở Bangladesh, nhưng Giám đốc điều hành Stéphane Bancel nói với các nhà lập pháp châu Âu rằng, công ty đang bận rộn với việc mở rộng sản xuất ở châu Âu.

Ông nói: “Việc chuyển giao công nghệ nhiều hơn ngay bây giờ thực sự có thể khiến việc sản xuất và tăng sản lượng vaccine trong những tháng tới gặp rủi ro lớn. Chúng tôi rất sẵn lòng làm điều đó trong tương lai khi các dự án hiện tại của chúng tôi đi vào hoạt động”.

Cuộc đua vaccine Covid-19