Sáu con sư tử bị đầu độc chết trong vườn quốc gia Uganda

NDO -

Ngày 20-3, một quan chức bảo tồn cho biết, sáu con sư tử được tìm thấy đã chết và xác bị cắt xẻo trong vụ nghi bị đầu độc tại một trong những công viên quốc gia nổi tiếng nhất của Uganda.

Sáu con sư tử vừa bị đầu độc đều là loài sư tử leo cây của châu Phi. ABC News.
Sáu con sư tử vừa bị đầu độc đều là loài sư tử leo cây của châu Phi. ABC News.

Lũ kền kền rỉa xác cũng bị chết đã cung cấp manh mối về vụ đầu độc này.

Trong một tuyên bố, Cơ quan Động vật hoang dã Uganda (UWA) cho biết, xác những con mèo lớn đã được tìm thấy vào tối 19-3 trong Công viên Quốc gia Queen Elizabeth. "Hầu hết các bộ phận cơ thể của chúng bị lấy đi", tuyên bố cho biết.

UWA cho biết họ rất đau buồn trước vụ việc rùng rợn này và "không thể loại trừ đây là nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã".

Phát hiện này có thể tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch vốn là nguồn thu ngoại tệ hàng đầu cho Uganda. Du lịch thiên nhiên mang đến nguồn thu 1,6 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên sư tử bị giết tại công viên quốc gia nổi tiếng nhất đất nước. Vào năm 2018, một đàn sư tử gồm 11 con, trong đó có 8 sư tử con, được phát hiện đã chết, nguyên nhân được cho là đã bị đầu độc. 

Sau đó, sự nghi ngờ đổ dồn lên những người nông dân. Họ phủ nhận mình liên quan đến vụ đầu độc, nhưng cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc động vật hoang dã giết chết gia súc và làm hỏng mùa màng của họ.

Sáu con sư tử bị đầu độc chết trong vườn quốc gia Uganda -0
Một con sư tử đực thư giãn trên cành cây trong Công viên quốc gia Queen Elizabeth ở Uganda. Ảnh: CFP.

Vào tháng 5-2010, năm con sư tử đã bị giết trong một vụ việc tương tự.

Một bài báo năm 2013 về số lượng sư tử đang suy giảm ở nước này cho biết, số lượng sư tử đã giảm mạnh trong phần đầu thế kỷ, chủ yếu là do bị nông dân đầu độc để trả đũa việc gia súc bị ăn thịt.

Để khuyến khích nông dân sống gần các khu bảo tồn và công viên bảo vệ các loài động vật hoang dã đang ngày càng dễ bị tổn thương, chính quyền Uganda chia cho nông dân 20% tiền thu được từ bán vé vào cổng tại các vườn quốc gia.

UWA cho biết, kế hoạch chia sẻ doanh thu giúp tăng cường sinh kế của cộng đồng địa phương và giúp duy trì các khu bảo tồn.

Loài sư tử dễ bị tổn thương

Sáu con sư tử bị đầu độc chết trong vườn quốc gia Uganda -0
 Một con sư tử đực trên cành cây trong Công viên quốc gia Queen Elizabeth ở Uganda. Ảnh: CFP

Theo các nhóm bảo tồn động vật hoang dã, nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, những kẻ săn trộm và những kẻ đi săn chiến lợi phẩm đang góp phần vào sự biến mất của sư tử trên lục địa châu Phi. Việc mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và hành làng pháp luật lỏng lẻo về buôn bán hợp pháp là những nguyên nhân dẫn đến số lượng sư tử giảm sút.

Đến nay, còn khoảng 20.000 con sư tử vẫn còn sống trong tự nhiên của châu Phi; trong khi đó, một thế kỷ trước châu lục này có 200.000 con sư tử.

Sư tử hiện được liệt kê là loài "dễ bị tổn thương" trong "danh sách đỏ" các loài bị đe dọa tuyệt chủng do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) biên soạn.

Công viên quốc gia Queen Elizabeth tự hào có các đồng cỏ, hồ miệng núi lửa và rừng rậm, đồng thời là nơi sinh sống của khoảng 600 loài chim và 95 loài động vật có vú, bao gồm voi, tê giác và báo. Đây cũng là một khu bảo tồn sư tử, và những con mèo lớn là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất.

Công viên này nổi tiếng là nơi có số lượng sư tử leo cây nhiều nhất, và du khách có thể phát hiện toàn bộ đàn sư tử trên cây. Những con sư tử bị xẻo thịt mới bị phát hiện lần này được cho là có đặc điểm leo cây đặc biệt này.

Theo tổ chức phi lợi nhuận WildAid, năm 2017, một cuộc điều tra số lượng sư tử của Uganda đếm được 493 con. Gần một nửa trong số này sống trong Công viên Quốc gia Queen Elizabeth.

Một nhóm điều tra đang cùng với các nhà bảo tồn và cảnh sát tiến hành điều tra cuộc tấn công tàn bạo mới nhất này đối với động vật hoang dã của châu Phi.