Mưa lũ tại các tỉnh Đông Bắc Bộ:

Sạt lở đất ở Tuyên Quang khiến một người chết, hai người bị thương

NDO -

Sáng 24/5, tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, mưa to đã làm sạt lở đất, đá làm vùi lấp một ngôi nhà tại thôn Tháng Mười, xã Yên Lâm khiến anh Lâm Đình Hiệp (37 tuổi) là chủ nhà tử vong.

Hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến một người tử vong tại thôn Tháng Mười, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến một người tử vong tại thôn Tháng Mười, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, chính quyền huyện Hàm Yên đã có mặt tại hiện trường và huy động 50 cán bộ quân đội, công an huyện cùng người dân trên địa bàn tổ chức tìm kiếm, đến hơn 10 giờ sáng đã tìm thấy thi thể nạn nhân.

Trước đó, tại thôn An Lạc, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn cũng xảy ra sạt lở đất đã vùi lấp căn nhà của gia đình chị Lý Thị Hòa (sinh năm 1992), khiến chị Hòa và con gái mới 2,5 tháng tuổi bị thương, hiện đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, do ảnh hưởng của mưa to kéo dài đã làm đất, đá sạt lở gây ách tắc nhiều tuyến giao thông trong tỉnh; gần 1.000ha lúa và hoa màu bị ngập nước; 19 con gia súc và 560 con gia cầm bị chết.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh Đông Bắc Bộ -0
Nhiều khu vực bị sạt lở đất vùi lấp nhà và tài sản của người dân. 

Trước tình hình mưa lũ và thiệt hại trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; theo dõi diễn biến của thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời người dân chủ động các biện pháp phòng tránh lũ, sạt lở đất; rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thường xảy ra ngập úng, triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở sẵn sàng các phương án ứng phó, chủ động di chuyển người dân đến nơi an toàn; triển khai kiểm tra, rà soát các công trình giao thông, thủy lợi, nhất là các công trình đang thi công để bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; bố trí lực lượng thường trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý mọi tình huống có thể xảy ra.

Đài khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để dự báo, thông báo kịp thời thông tin về thời tiết, mưa lũ tới các địa phương biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống có hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối tài sản và tính mạng của người dân.

* Từ ngày 22/5 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa to liên tục trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 30 đến 90mm. Mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hai nặng về tài sản của nhà nước và nhân dân.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh Đông Bắc Bộ -0
 Nhiều điểm trên địa bàn thành phố Hà Giang bị ngập úng.

Tính đến 12 giờ ngày 24/5, trên địa bàn tỉnh đã có 42 nhà dân bị đất đá sạt lở vào nhà, trong đó có một nhà bị sập hoàn toàn.

Về nông nghiệp, mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng ngập úng hoa màu, cây ăn quả, ao cá, chuồng trại chăn nuôi ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, thành phố Hà Giang. Theo thống kê, có hơn 230ha lúa, ngô, lạc, cam bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn với khối lượng đất đá sạt lở lên đến gần 4.000m3. Có 3 cầu tạm và hàng chục công trình thủy lợi, điểm trường bị ảnh hưởng do mưa lớn. Ước tổng thiệt hại do mưa lớn là hơn 6 tỷ đồng.

Hà Giang có 42 nhà bị đất đá sạt lở do mưa lớn kéo dài -0
 Mực nước sông Lô tại thành phố Hà Giang dâng cao.

Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình thiên tai, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống người dân.

Đối với các gia đình bị thiệt hại về nhà ở, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Huy động lực lượng khắc phục tình trạng sạt lở trên các tuyến đường, bảo đảm giao thông cho người dân. Chính quyền các xã cũng đã huy động người dân hỗ trợ các gia đình có hoa màu đến kỳ thu hoạch bị ngập úng thu hoạch chạy lũ, đồng thời khơi thông hệ thống kênh mương thoát lũ.

Hà Giang có 42 nhà bị đất đá sạt lở do mưa lớn kéo dài -0
Người dân xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên hỗ trợ các gia đình bị sạt lở đất vào nhà khắc phục hậu quả. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn xảy ra mưa to, đến rất to. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện chế độ trực, đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng, chống thiên tai đó là: Tăng cường cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất ở các khu vực trọng yếu giúp người dân chủ động phòng, chống; đối với khu vực có nguy cơ cao vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn.

* Sau 2 ngày mưa lớn, đã có nhiều thiệt hại đối với sản xuất, hạ tầng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Một số nơi có lượng mưa trên 200mm, đã xuất hiện lũ tại một số sông, suối và úng ngập các vùng trũng thấp.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh Đông Bắc Bộ -0
Tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương cử lực lượng thường trực tại các đoạn đường bị ngập nước để bảo đảm an toàn cho người dân. 

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên cho biết, toàn tỉnh có 439ha lúa, ngô, rau màu bị ngập; gần 1ha ao nuôi cá bị vỡ bờ, ngập, tràn; 10 nhà dân bị ngập úng, sạt lở ta-luy, sập mái. Một số tuyến đường trên địa bàn các huyện Đại Từ, Định Hóa, thành phố Sông Công và Thái Nguyên bị sạt lở; ngập nước.

Mực nước tại một số hồ chứa cao hơn ngưỡng tràn; hồ Núi Cốc có dung lượng 175 triệu m3, do nước lũ trên sông Công đổ về quá lớn, cơ quan quản lý tiến hành xả lũ từ chiều 23/5 với lưu lượng 300m3/giây.

Sáng 24/5, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra xả lũ hồ Núi Cốc, chỉ đạo các địa phương hạ lưu thường xuyên theo dõi lưu lượng xả tràn để có biện pháp ứng phó nhằm không để thiệt hại về người và tài sản.

Trưa 24/5, Phó chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Văn Bắc cho biết: Mưa to và rất to kéo dài trên địa bàn tỉnh tiếp tục gây thiệt hại đối với sản xuất, diện tích lúa, hoa màu ngập úng, hạ tầng giao thông, thủy lợi bị sạt lở tăng nhanh. Tỉnh đang nỗ lực chỉ đạo các lực lượng khắc phục.

Đến trưa 24/5, toàn tỉnh có 1.220 ha lúa, ngô, rau màu bị ngập úng, lũ quét làm giảm năng suất, trong đó thiệt hại nặng nhất là ở huyện Đại Từ và thành phố Phổ Yên; hơn 40 điểm trên các tuyến đường giao thông bị ngập, chia cắt, sạt lở; ba cột điện bị đổ; một trạm bơm bị ngập; 29 nhà dân có nguy cơ sạt lở, sập mái, ngập úng có nguy cơ phải di dời.

Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại tại Thái Nguyên -0
 Gia đình anh Dương Văn Lâm ở tổ 9, thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ được dân quân và công an giải cứu vì bị lũ cô lập.

Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, sáng 24/5, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đi kiểm tra một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, hồ chứa lớn và chỉ đạo xả lũ hồ Núi Cốc. Nước lũ trên sông Công đổ về hồ Núi Cốc lưu lượng rất lớn, nước hồ tăng nhanh. Để bảo đảm an toàn, đơn vị quản lý hồ Núi Cốc đã xả lũ với lưu lượng 400m3/giây, tăng 100m3/giây so với ngày 23/5, lực lượng thường trực có thể xả với lưu lượng 600m3/giây nếu lũ trên hồ vẫn tăng cao.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các huyện, thành phố yêu cầu chính quyền cơ sở thực hiện phương châm bốn tại chỗ, khẩn trương huy động phương tiện khắc phục sạt lở trên các tuyến đường để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân; cử lực lượng túc trực tại các ngầm tràn, điểm giao thông bị úng ngập nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.                           

* Mưa kéo dài liên tục 2 ngày qua đã gây nhiều thiệt hại tại tỉnh Bắc Kạn, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng. 

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại Thái Nguyên -0
Sạt lở trên đèo Ba Bồ gây tắc đường từ xã Ngọc Phái đi Yên Thượng (Chợ Đồn). (Ảnh: THU HIỀN) 

Từ ngày 23 đến sáng 24/5, các khu vực trong tỉnh Bắc Kạn có mưa, mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to. Lượng mưa đo được phổ biến từ 30 đến 55 mm, những nơi có mưa to là Chợ Mới, Ba Bể và Chợ Đồn với lượng mưa từ 55 đến 129 mm. 

Mưa to kéo dài khiến đất ngấm no nước nên nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn Bắc Kạn đã bị sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ. Cụ thể, đường giao thông thôn Nà Làng xã Yên Hân, huyện Chợ Mới sạt lở 1 điểm khoảng 10 m3; đường giao thông xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn sạt lở khoảng 100 m3.

Trong sáng nay (24/5), thêm nhiều tuyến giao thông tiếp tục bị sạt lở, hiện đang được thống kê, xác định khối lượng. Trong đó, nặng nhất là điểm sạt lở trên đường 254, đoạn qua xã Quảng Bạch, đường Bình Trung đi Đông Viên (Chợ Đồn).

Giám đốc Ban Quản lý bảo trì công trình đường bộ Bắc Kạn Nghiêm Văn Thép cho biết, 2 vị trí sạt lở nặng nhất trên tuyến 254 là tại đoạn qua thôn Bó Pja và trên đèo Khau Thăm. Đây là những vị trí thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa thời gian qua. Trong sáng nay, Ban đã chỉ đạo, huy động máy móc khẩn trương hót, dọn đất, đá sạt lở ra đường; thống kê chi tiết khối lượng sạt lở. Hiện tại, điểm tắc cục bộ tại Bó Pja đã thông đường.   

Mưa lũ đã gây ra một số thiệt hại về tài sản, lúa và hoa màu. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, có 6ha hoa màu bị ngập tại các xã Khang Ninh và Chu Hương (Ba Bể); 30m kênh mương sạt lở tại xã Thanh Thịnh huyện Chợ Mới. Tại “rốn lũ” Nam Cường (Chợ Đồn), nước lũ đã ngập trắng gần 100ha lúa, hoa màu của người dân. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Cường La Tiến Phóng cho biết, nước lũ dâng nhanh nên đến 6 giờ sáng 24/5, gần 100ha ngô và lúa của người dân đã ngập úng. Toàn bộ các diện tích này nguy cơ cao sẽ mất trắng. Xã đang chỉ đạo cán bộ phối hợp cùng các thôn thống kê chi tiết thiệt hại để lên phương án hỗ trợ cho nhân dân.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Kạn, trong thời gian tới, trên địa bàn Bắc Kạn sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ được nâng lên mức độ 1 ở tất cả các huyện, thành phố. Ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục thống kê thiệt hại.

* Do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Trung Bộ kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000m, các khu vực tỉnh Yên Bái 4 ngày qua có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 70-100mm, một số nơi cao hơn như: Yên Thế 224,4mm; Yên Bình 194,2mm; Đồng Tâm 142,8mm…

Đến 11 giờ ngày 24/5, toàn tỉnh đã có 17 nhà bị thiệt hại và ảnh hưởng, trong đó 8 nhà phải di dời người và tài sản do sạt lở đất, 9 nhà bị ảnh hưởng sạt ta-luy dương. Hơn 58ha lúa và hoa màu bị ngập úng; một công trình trường học bị sạt lở ta-luy dương, làm hư hỏng 20m tường rào.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh Đông Bắc Bộ -0
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Yên Bái, Đỗ Nhân Nghĩa kiểm tra điểm sạt lở tại Km16+600 trên đường tỉnh 166. 

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Yên Bái, Đỗ Nhân Nghĩa cho biết: Hiện, đường tỉnh 170 (đường Yên Thế-Vĩnh Kiên) và ngầm Phúc An Km60+500, tại thời điểm báo cáo đang ngập sâu 50cm, hiện tại tắc đường. Tại xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên) có 5/14 ngầm tràn bị ngập cao, các phương tiện không đi lại được, chúng tôi đang đưa lực lượng ứng trực, cảnh báo không cho người dân tham gia giao thông tại các khu vực trên .

Tại thành phố Yên Bái: Có 4 điểm sạt lở taluy dương với khối lượng 103m khối đất đá, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Ước tính thiệt hại khoảng 330 triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được thông báo đối với hộ gia đình có nguy bị sạt lở, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương nhanh chóng kiểm tra mức độ ảnh hưởng, huy động lực lượng giúp đỡ các hộ gia đình di dời tài sản đến nơi an toàn. Đối với điểm ngập lụt các đơn vị quản lý giao thông cùng với chính quyền địa phương lập rào chắn và cảnh giới bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm tính mạng cho người dân.

* Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, từ thời điểm 7 giờ ngày 21/5 đến 7 giờ ngày 24/5, trên địa bàn thời tiết âm u, có mưa và mưa to. Lượng mưa đo được cao nhất tại huyện Tam Đảo lên tới 809mm. 

Mực nước sông Hồng, sông Lô lên cao, một số trạm bơm trên địa bàn tỉnh phải tăng công suất để thoát nước. Đến sáng ngày 24/5, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 4.962ha bị ngập úng, trong đó diện tích lúa bị ngập là 4.033ha. Một số hồ, đập gặp sự cố nhỏ, như hồ Bãi Mé xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch bị sạt trượt mái đập; hồ Dộc Chuối xã Đại Đình nước tràn qua đỉnh đập, phải phá tràn bên để tiêu nước trong hồ. Chính quyền địa phương cũng quyết định phá 10m kênh chính Liễn Sơn, vị trí cạnh cống Phàn Thạch, xã Đồng Tĩnh để tiêu úng diện tích lúa bị ngập úng của nhân dân đang đến thời kỳ thu hoạch. 

Sạt lở đất ở Tuyên Quang khiến một người chết, hai người bị thương -0

Lực lượng công an thành phố Vĩnh Yên giúp đỡ người dân trong mưa lũ. 

Nhiều tuyến đường tại thành phố Vĩnh Yên bị ngập sâu, đến 15 giờ chiều ngày 24/5 xe cộ vẫn không thể lưu thông. Tuyến đường lên thị trấn Tam Đảo xảy ra hiện tượng sạt lở tại km 14 và km 21 Nhiều xã trên địa bàn huyện Tam Đảo bị ngập sâu, đặc biệt là các thị trấn Đại Đình, Hợp Châu, các xã Minh Quang, Hồ Sơn...

Tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng trực tại các điểm ngập úng, phân làn hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông. 100% quân số thuộc lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ra quân làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông và tổ chức phân luồng, hướng dẫn phương tiện di chuyển tránh các điểm ngập úng sâu. Các lực lượng công an, quân đội phối hợp các lực lượng chức năng tại địa phương huy động lực lượng, phương tiện chủ động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc ra công văn yêu cầu các đơn vị linh hoạt trong việc tổ chức dạy học trong điều kiện thời tiết mưa lớn kéo dài, gây ngập úng tại các trường. Cho học sinh nghỉ học nếu quãng đường học sinh đến trường không đảm bảo an toàn. Trong những ngày mưa lớn, giáo viên chủ nhiệm cần thông tin kịp thời, đầy đủ cho phụ huynh học sinh qua nhóm Zalo, tin nhắn… 

Kiểm tra các điểm úng ngập tại thành phố Vĩnh Yên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đề nghị các huyện, thành phố rà soát tất cả các điểm ngập úng để đánh giá, so sánh, đánh dấu mốc ngập úng để tham gia đóng góp vào quy hoạch tỉnh. Đồng chí yêu cầu, các sở, ngành, địa phương khi triển khai dự án phải liên thông, đấu nối với nhau bảo đảm tiêu thoát nước…

Kiểm tra tại ngầm tràn Tân Tiến, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo bị ngập sâu trong nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện; lắp đặt cảnh báo nguy hiểm; chủ động khơi thông dòng chảy để nước rút nhanh.

Nhờ chủ động ứng phó với mưa lũ, đến nay Vĩnh Phúc chưa ghi nhận thiệt hại về người.

* Theo số liệu báo cáo nhanh từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam về tình hình mưa kéo dài gây úng trong vài ngày qua trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, từ 19 giờ ngày 23/5 đến 7 giờ ngày 24/5 có mưa rất to, lượng mưa đo được tại thành phố Phủ Lý 181mm, tại phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) 117mm, tại thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng) 99mm. 

Mưa lớn kéo dài vào sáng sớm 24/5 đã làm nhiều tuyến đường tại thành phố Phủ Lý, khu đô thị, khu công nghiệp bị ngập nước; một số diện tích lúa thuộc vùng trũng huyện Thanh Liêm bị sâu nước.

Để kịp bơm tiêu úng bảo vệ cho các diện tích lúa xuân đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, toàn tỉnh có 63 máy bơm các loại đang được vận hành tiêu úng, các trạm bơm lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã vận hành hết công suất để bảo đảm tiêu úng như: Nham Tràng, Hoành Uyển, Triệu Xá, Đinh Xá, Kim Thanh...

Hanam2405-1653385407432.jpg
Mưa lớn kéo dài từ 19 giờ ngày 23/5 đến 7 giờ ngày 24/5 gây ngập một số tuyến đường của thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Sáng 24/5, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đã đi kiểm tra tình hình mưa úng trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các địa phương và ngành chức năng chủ động biện pháp ứng phó, phân công người ứng trực, theo dõi tại các vị trí có nguy cơ ngập úng để kịp thời khắc phục, xử lý.

Đặc biệt tại các Khu công nghiệp Đồng Văn I và II, sau khi kiểm tra thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh khẩn trương có các biện pháp thoát nước, không để các doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị đình trệ hoạt động do mưa ngập, có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động kịp thời.