Ngày 21/10, ông Cao Trần Quốc Trí, quản lý Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt cho biết, đơn vị đang khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở bãi chứa rác thải do mưa lớn.
Tại hiện trường, lượng rác thải hơn 40 tấn từ đồi cao sạt xuống, che lấp hoàn toàn dòng chảy phía thung lũng.
Theo đại diện Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt, đây là lượng rác thải cũ đã chôn lấp trái phép trước đây, bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Theo yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhà máy đang triển khai đưa lượng rác đã chôn lấp lên để xử lý theo quy trình, trả lại hiện trạng ban đầu thì xảy ra sự cố sạt lở, do mưa lớn trong những ngày qua.
Một số hộ dân sinh sống tại thôn Xuân Trường 1, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt phản ánh, những ngày qua, khu vực canh tác cà-phê của người dân khu vực giáp ranh với nhà máy này bị lượng rác lớn từ trên đồi tràn xuống, làm ách tắc dòng suối và ảnh hưởng vườn canh tác cà-phê.
Nhận thông tin, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra hiện trường và đề nghị nhà máy đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố môi trường, đồng thời làm việc với các gia đình bị ảnh hưởng để có phương án bồi thường thiệt hại.
Trước mắt, nhà máy tiến hành giăng lưới thép để khắc phục sự cố, ngăn rác chảy theo dòng suối phát tán ra khu vực sản xuất phía dưới; khi thời tiết thuận lợi, sẽ huy động máy móc đưa rác lên đồi để xử lý, tránh gây ô nhiễm. Nhà máy sẽ làm việc với người dân, chính quyền địa phương để rà soát, thỏa thuận và tiến hành bồi thường thiệt hại.
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung TP Đà Lạt do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư, đóng tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt). Hiện mỗi ngày, nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt xử lý khoảng 250 tấn rác thải của TP Đà Lạt và một phần của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).
Trước đó, ngày 7/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã có buổi kiểm tra thực tế tại dự án nhà máy trên và yêu cầu đơn vị chủ đầu tư quản lý, vận hành nhà máy bảo đảm xử lý hết khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận; không để các tồn đọng tại nhà máy gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên tổ chức vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường khu vực nhà máy… Về lâu dài, cần đầu tư thay đổi công nghệ mới, hiện đại để xử lý rác, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Đà Lạt và vùng phụ cận.