Hiện nay, dự án đã hoàn thành toàn bộ phần thân cống trụ tháp van, âu thuyền, nhà điều hành, mang cống và kè phía đông, đường vận hành và tường kè dài 450m; chế tạo, lắp đặt cửa van cống và cửa âu thuyền phía sông; khe cửa âu thuyền, cấp nước; xy lanh thủy lực cửa cống và thùng dầu, ống thủy lực đã lắp đặt đưa vào vận hành; đang thi công lắp đặt cửa van âu thuyền và cửa cấp nước (dự kiến hoàn thành ngày 15/7/2024), xy lanh thủy lực âu thuyền đã tập kết tại xưởng chuẩn bị vận hành công trình để lắp đặt.
Chiều 9/7, rất nhiều máy móc, trang thiết bị và kỹ sư, người lao động được huy động tối đa, khẩn trương tổ chức thi công các hạng mục còn lại như: bến neo, hạng mục phụ trợ, chiếu sáng, cảnh quan. Cùng với vượt tiến độ thì chất lượng công trình cũng được đơn vị thi công rất xem trọng và bảo đảm thực hiện đúng như thiết kế đề ra.
Công nhân đang thi công trên công trường. |
Do quy mô cống lớn, có cửa chính 40m và âu thuyền rộng 12m và vị trí xây cống có đặc điểm địa chất, thủy triều, dòng chảy phức tạp nên công tác lãnh đạo, điều hành, giám sát thi công được chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 quản lý chặt chẽ từng hạng mục, từng giai đoạn tiến độ.
Cống âu Nguyễn Tấn Thành có tổng mức đầu tư là hơn 518 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị hơn 407 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào ngày 11/11/2022. Thời gian hoàn thành là 24 tháng.
Dự án đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng. |
Dự án được đầu tư với mục tiêu tăng cường khả năng trữ nước ngọt, chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho vùng, với diện tích khoảng 12.580ha của tỉnh Tiền Giang; tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt trong khu vực, phục vụ cho khoảng 800.000 dân của tỉnh Tiền Giang và Long An.
Cùng với 6 cống ngăn mặn tại các đầu kênh ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 vừa hoàn thành, cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ tạo nên hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt, ngăn triều cường khép kín, bảo vệ sản xuất và dân sinh cho nhân dân.
Đây là cống ngăn mặn, trữ ngọt lớn thứ 2 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ sau cống Cái Lớn-Cái Bé.
Cống âu Nguyễn Tấn Thành lớn thứ 2 ở đồng bằng sông Cửu Long để ngăn mặn, trữ ngọt. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành (Tiền Giang) Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, cống âu Nguyễn Tấn Thành sau khi hoàn thành sẽ tiết kiệm 100 tỷ đồng/năm cho địa phương, trong đó, mỗi năm xâm nhập mặn, địa phương phải đắp đập tạm 20 tỷ đồng và hỗ trợ thiệt hại cho người dân khoảng 80 tỷ đồng. Cống âu Nguyễn Tấn Thành vận hành, huyện Châu Thành và các địa phương lân cận không còn bị mặn xâm nhập, điều tiết được nguồn nước bên trong nội đồng.