Sáng tạo từ “đối thoại” với tranh khắc gỗ Nhật Bản

Những tác phẩm nghệ thuật sử dụng chất liệu truyền thống của Việt Nam như: Lụa, giấy dó, gốm… và những hoạ tiết tranh cổ được sáng tác từ cảm hứng của tranh khắc gỗ Nhật Bản. Điều đó đem đến sự mới lạ mà thân quen của các tác phẩm được sáng tạo từ truyền thống.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan khám phá các tác phẩm tại triển lãm.
Khách tham quan khám phá các tác phẩm tại triển lãm.

Ngày 23/1, tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” và Quỹ Japan Foundation tổ chức khai mạc triển lãm “Đối thoại với dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”.

Tranh khắc gỗ là loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của “đất nước mặt trời mọc”, có tên gọi hay còn được gọi dưới cái tên Phù thế hội (Những bức tranh của thế giới phù du hư ảo).

Dòng tranh này ra đời từ khoảng thế kỷ 17, được đánh giá cao về giá trị mỹ học, được phổ biến rộng rãi và trở thành một biểu tượng của hội họa “xứ Phù Tang” với nhiều tên tuổi xuất chúng. Thậm chí, dòng tranh này còn có ảnh hưởng lớn đến nhiều danh họa phương Tây.

Tham gia triển lãm có 34 tác giả là các họa sĩ trẻ từng và hiện đang theo học tại Khoa Hội họa của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam với 38 tác phẩm tạo hình phản ánh những nét đặc sắc về văn hóa, cuộc sống của người Việt.

Tất cả các tác phẩm đều được sáng tác trên nguồn cảm hứng học hỏi nghiên cứu từ những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e kết hợp với các giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam như: Lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang...

Sự kết hợp này đem đến những tác phẩm vừa quen vừa mới lạ được thể hiện qua góc nhìn đương đại từ những sáng tạo cá nhân của các họa sĩ.

Điển hình như bức tranh “Đám cưới chuột” của dòng tranh Đông Hồ được “tái hiện” lại theo một phong cách mới, dưới sự ảnh hưởng của bức tranh “Đám cưới cáo” của Nhật Bản, hay bức kể về câu chuyện Hoàng thái hậu Ỷ Lan được sáng tác theo phong cách tranh “mỹ nhân họa” của dòng tranh Phù thế hội…

Sáng tạo từ “đối thoại” với tranh khắc gỗ Nhật Bản ảnh 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn - giám tuyển của Triển lãm cho biết: ““Đối thoại với dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” là kết quả những nỗ lực của các họa sĩ trẻ trong hành trình thúc đẩy thực hành nghệ thuật, lấy cảm hứng từ các giá trị văn hoá mỹ thuật truyền thống của Việt Nam cũng như của các nền văn hóa khác.

Hoạt động thực hành “sáng tạo truyền thống” cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay nói chung và họa sĩ trẻ nói riêng tiếp tục học hỏi, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống để từ đó có thêm động lực và cảm hứng nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nghệ thuật”.

Để có được các tác phẩm giới thiệu tại triển lãm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng các họa sĩ trẻ đã làm việc liên tục trong thời gian khoảng 5 tháng tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và một số địa điểm khác.

Đây cũng là hoạt động tiếp nối của dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” (thực hiện và ra mắt năm 2020) - dự án dùng chất liệu hội hoạ truyền thống của Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó... “đối thoại” với tranh Hàng Trống để từ đó sáng tạo ra những truyền thống mới. Từ nền tảng đó, dự án muốn đi xa hơn, tạo ra sự đối thoại “xuyên quốc gia”, trong đó có tranh khắc gỗ Nhật Bản.

Thông qua triển lãm, ban tổ chức mong muốn quảng bá nét đẹp, sự độc đáo của các chất liệu mỹ thuật cổ truyền Việt Nam đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế; đồng thời cũng là dịp để giới thiệu tới công chúng sản phẩm văn hóa được kết tinh từ quá trình khám phá các giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và thế giới.