Lần đầu đảm nhiệm vai trò của một thuyết minh viên trong chương trình ra mắt đặc biệt tại địa bàn mình công tác, Phó Chủ tịch UBND phường 22 (quận Bình Thạnh) Nguyễn Thị Thanh Hằng cảm thấy rất xúc động.
Mới đây, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được địa phương này ra mắt tại điểm sinh hoạt định kỳ của người dân thuộc khu phố 5. Diện tích nhỏ gọn nhưng trưng bày khoa học, không gian cung cấp lượng lớn sách và tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Thanh Hằng cho biết, các đầu sách, tài liệu ở đây đều được chọn lọc rất kỹ càng, bố trí hợp lý và sẽ có thêm nhiều hoạt động kết nối, lan tỏa đến người dân.
Gần 500 cuốn sách từ nguồn xã hội hóa được sắp xếp đẹp mắt theo nhiều chủ đề như: Thực hiện Di chúc của Bác Hồ; Chủ tịch Hồ Chí Minh-Ngày này năm xưa; sách về cuộc đời, sự nghiệp và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Nguồn sách đa dạng cùng với tư liệu cần thiết tạo ra không gian trang nghiêm, ấm cúng, nơi cán bộ, người dân cùng đến tìm hiểu về Bác và tổ chức các chương trình sinh hoạt phù hợp gắn với phát triển đời sống văn hóa địa phương.
Ðiểm nhấn của không gian này là hai mô hình sách "Bến Nhà Rồng" và "Bác Hồ và hoa sen" được trình bày đẹp mắt, sáng tạo. "Trước kia, đây là điểm sinh hoạt văn hóa, họp định kỳ, giờ bổ sung thêm không gian này, chúng tôi thấy rất phấn khởi. Chúng tôi cũng có thêm nhiều tài liệu tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời của Bác Hồ và những bài học ý nghĩa mà Người để lại. Chúng tôi đã phân công người phụ trách và tổ chức cho người dân đến tìm hiểu, mượn sách đọc nếu có nhu cầu. Tiếp đó là các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm tận dụng tối đa giá trị không gian. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm thêm hình ảnh, tư liệu sao cho không gian văn hóa này ngày càng phong phú, thân thiện, thu hút người dân tìm đến", ông Lê Ðức Hòa, Bí thư Ðảng bộ bộ phận, Trưởng Khu phố 5, phường 22, quận Bình Thạnh, cho hay.
Ðến nay, phường 28, quận Bình Thạnh đã ra mắt 10 điểm không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Không chỉ bố trí sách, tài liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các cơ sở hành chính, hệ thống trường học, UBND phường 28 còn mở rộng mô hình ý nghĩa này tại cơ sở tôn giáo (chùa Long Ðức) và doanh nghiệp (Làng du lịch Cá Gô Ðồng) nhằm đa dạng hóa mô hình, tăng thêm hoạt động kết nối. Tại mỗi điểm sẽ bố trí các chương trình phù hợp gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, Ðảng ủy phường 7, quận Bình Thạnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh và Bảo tàng trực tuyến về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gần hơn với người dân. Ði vào hoạt động hơn hai tháng nay, điểm sáng văn hóa này đã thu hút hàng ngàn cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân tham quan, tìm hiểu, học tập. Phường 7 còn vận động 2.300 hộ dân tại 49 Tổ dân phố thực hiện "Treo ảnh Bác Hồ" tại nơi trang nghiêm trong nhà nhằm thể hiện lòng tôn kính và ghi nhớ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chi bộ Trường trung học cơ sở Lê Văn Tám ở quận Bình Thạnh cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng không gian văn hóa tại khu vực tượng đài anh Lê Văn Tám và góc văn hóa Hồ Chí Minh trong phòng truyền thống nhà trường gắn với các hoạt động giáo dục truyền thống. Nhà trường chủ động xây dựng thư viện thông minh với nguồn tư liệu về Bác, xây dựng môi trường học đường văn minh, lồng ghép nhiều chương trình, hoạt động nhằm lan tỏa các bài học của Bác đến từng cá nhân.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận Bình Thạnh Võ Hoàng Phú, năm 2022, Bình Thạnh chọn năm đơn vị làm điểm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, thêm nhiều không gian đã được ra mắt bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng phường, từng khu phố, tổ dân phố, tạo được sự lan tỏa lớn, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Từ nay đến hết năm 2025, việc triển khai, nâng cao chất lượng hoạt động các không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được tổ chức linh hoạt, đi vào thực tiễn.
"Chúng tôi sẽ đa dạng hóa các hoạt động và kêu gọi tất cả mô hình xã hội tham gia. Hiện nay, không gian văn hóa Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung tại các cơ quan hành chính, những điểm sáng văn hóa hay nhà văn hóa; thời gian tới, sẽ mở rộng đến các doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo. Bước đầu là ra mắt không gian ở góc nào đó, từ đó sẽ có những sinh hoạt hằng tháng, hằng quý gắn với đời sống người dân. Việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc cũng sẽ được thực hiện để từng nơi nỗ lực duy trì các hoạt động", ông Võ Hoàng Phú cho biết thêm.