Cuộc chiến thầm lặng ở nơi chiến trường xưa

Sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Việt Nam trên đất bạn

NDO - Để khắc phục khó khăn trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia, Đội K51 đã luôn chú trọng công tác vận động quần chúng, giúp nhân dân nước bạn trong sản xuất đời sống… thể hiện hình ảnh đẹp của Bộ đội Việt Nam. Qua đó tiếp tục củng cố, phát triển tình hữu nghị đoàn kết giữa hai dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Thắp hương cho những hài cốt liệt sĩ đã quy tập.
Thắp hương cho những hài cốt liệt sĩ đã quy tập.

Vượt rào cản về ngôn ngữ, văn hóa để làm dân vận

Tỉnh Mondulkiri (Campuchia) có 15 dân tộc, với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Họ không chỉ nói tiếng Khmer mà nói nhiều ngôn ngữ khác như Mnông, Jẻ Triêng... Thời gian đầu, cả phía ta và phía bạn đều gặp rất nhiều khó khăn bởi bất đồng ngôn ngữ. Cán bộ, chiến sĩ Đội K51 năm nào cũng tổ chức cho anh em học tiếng Khmer, đến nay, đa số anh em trong đội đều có thể giao tiếp cơ bản. Trong các hành trình tìm mộ liệt sĩ trên đất bạn, Đội đưa ra phương châm: “Người ta không biết thì mình dạy, mình không biết thì phải học”. Những cán bộ, chiến sĩ giao tiếp tốt được giao nhiệm vụ tiếp cận gần gũi với bạn, vừa dạy cho họ biết tiếng Việt, vừa tranh thủ học thêm, qua đó trao đổi tâm tư, tình cảm, hướng dẫn họ cách khai thác, tìm thông tin về mộ liệt sĩ để cung cấp cho ta.

Về vấn đề tâm linh, người dân nước bạn rất chú trọng thờ thần sông, thần núi, thần rừng, thần cây, thần nước… và thờ cúng rất long trọng. Nhưng với những người đã khuất, họ có tục bỏ mả. Nghĩa là sau khi chôn cất, người chết sẽ được chia của, được đốt pháo mừng để đi qua một kiếp sống khác, hoặc hỏa thiêu gửi vào các chùa là xong. Đa số người dân Campuchia rất ái ngại khi được nhắc đến chuyện mồ mả, người chết. Đây cũng chính là một trở ngại lớn của Đội trong quá trình tìm kiếm thông tin về mộ liệt sĩ.

Hiểu rõ về văn hóa, phong tục tập quán của bạn, cán bộ, chiến sĩ Đội K51 xác định trước hết phải làm tốt công tác dân vận. Ban chỉ huy Đội quán triệt cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối không vi phạm kỷ luật Quân đội, không tham cho dù là một cây kim, sợi chỉ của người dân nước bạn, phát huy cao độ phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, đúng tinh thần “Đi dân nhớ, ở dân thương”.

Qua cửa khẩu, sau khi ổn định chỗ ở, cán bộ, chiến sĩ Đội K51 lại chia nhau xuống phum, sóc thăm hỏi chính quyền, người dân địa phương và các đơn vị kết nghĩa. Hành trình tìm và quy tập hài cốt liệt sĩ không như người ta tưởng là có sẵn, cứ đến, đào và đưa về… Anh em phải đi từng ngõ, gõ từng nhà và câu nói vui là “gặp ai cũng hỏi, gặp ai cũng chào” để có những thông tin dù là nhỏ nhất.

Từng đội viên trong quá trình tiếp xúc với người dân địa phương, ngoài công việc còn gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, tìm hiểu đời sống của bà con. Những gia đình có người ốm đau, ta tổ chức cõng, khiêng cáng đến bệnh viện, hoặc cắt cử bác sĩ đến tận nơi chữa trị. Nhà dân có việc thu hoạch lúa, làm nương rẫy, ta cắt cử anh em đến thu hoạch, làm giúp. Rồi ta tổ chức các đợt thăm khám bệnh, phát thuốc trên toàn tỉnh Mondunkiri.

Ngoài ra, Đội K51 luôn có chế độ chính sách bảo đảm thu nhập xứng đáng cho người đi dẫn đường (có trường hợp người dân còn yêu cầu ít nhất từ 2 đến 3 người cùng đi). Có những người dân biết địa điểm nơi có mộ liệt sĩ, nhưng vì lý do bận công việc không dẫn đi được, Đội K51 cắt cử anh em đến tận nơi giúp làm xong công việc để họ có thời gian giúp ta. Có những người già đau yếu đi không được, anh em trong đội thay nhau khiêng đi, cõng về.

Trái ngọt của tình hữu nghị

Từ việc ăn, ở, giao tiếp hằng ngày đến những việc làm chân thành, ý nghĩa của cán bộ chiến sĩ, Đội K51 đã dần cảm hóa và được nhân dân ở các huyện, thành phố nơi đội công tác coi như anh em, những người thân trong gia đình.

Sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Việt Nam trên đất bạn ảnh 1
Di vật của liệt sĩ.

Cùng với việc hỗ trợ công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ của Đội được thuận lợi hơn, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương phía bạn còn đáp lại bằng các hành động thiết thực. Họ tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa, sự hy sinh của bộ đội ta trong quá trình chiến đấu vì nghĩa vụ Quốc tế, đặc biệt trong giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot-Khmer Đỏ. Các cơ sở thu thập thông tin tại các phum, sóc được thành lập; khi có thông tin, từ lãnh đạo cho tới chiến sĩ của Đội đều được người dân địa phương bạn nhiệt tình cung cấp.

Thiếu tá, phân đội trưởng Vũ Hồng Hiến đã có gần 5 năm tham gia cùng Đội K51. Anh kể, khoảng tháng 11/2018, anh bước chân vào đội và là mùa đầu tiên tham gia cùng đội qua bên kia biên giới, giáp Bù Đốp, Bù Đăng (Bình Phước). Trong một chuyến công tác, anh vào thăm một gia đình người dân Campuchia ở huyện Kesama, giới thiệu mình ở trong đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Thế là chủ nhà cho biết trong quá trình làm vườn đã vô tình đào trúng hài cốt liệt sĩ Việt Nam. May mắn, với lòng yêu thương Bộ đội Việt Nam, ông đã thu lượm nguyên bộ hài cốt gói trong tấm tăng võng và đem cất giữ. Anh Hiến đã tiếp nhận bộ hài cốt một cách hết sức tình cờ, và bài học dân vận khi mới vào nghề của anh trở thành bài học không thể nào quên.

Cũng có những lần thất bại vì thông tin không chính xác. Người dân nước bạn nhặt được một mảnh nhôm, trong đó có đục tên tuổi liệt sĩ, quê quán, năm sinh, năm mất đưa đến báo cho đội, anh em vô cùng vui mừng. Nhưng sau mấy ngày đào, xẻ rừng tìm kiếm vẫn không có kết quả. Thông tin trên miếng nhôm là chính xác, nhưng người đầu tiên thấy và lấy nó ra khỏi vị trí rồi vứt ở nơi khác, người sau lượm cung cấp vị trí sai là nguyên nhân; các đợt tìm kiếm thất bại như vậy rất phổ biến.

Rồi có thông tin ở Đăk Dam, huyện Ô Răng, người dân phát hiện nhiều phiến đá có dấu khắc giống chữ viết, họ nghi đó là mộ liệt sĩ. Anh em khiêng nước uống, tăng bạt, dụng cụ cá nhân, lương thực trèo đèo lội suối tìm vào đến nơi rừng sâu, núi thẳm. Dưới những lớp đá dựng, anh em phát hiện rất nhiều chiêng, ché, vòng đồng đeo tay… hóa ra là mộ cổ từ thời Angkor. Anh em lại phải làm lễ trang trọng thắp nhang xin lỗi và chôn cất trở lạị. Dù thất bại nhưng anh em ghi nhận sự nhiệt tâm của người dân bạn trong việc cung cấp cho Đội những thông tin về mộ liệt sĩ.