Năm 2022, nhận thấy phương thức canh tác và trồng lúa, ngô tại các thửa ruộng cao không đem lại hiệu quả, gia đình chị Lò Thị Quynh ở bản Nà Dân, xã Mường Kim đã mạnh dạn chuyển sang trồng dưa chuột. Sau một năm thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình chị Quynh tiếp tục thuê đất để phát triển diện tích trồng dưa chuột lên gần 1ha.
Chị Quynh tâm sự, lúc mới làm chị cũng lo lắm vì chưa quen cách trồng và chăm sóc dưa. Những được chính quyền xã vận động và cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình cũng mạnh dạn làm. Hiệu quả kinh tế mà cây dưa đem lại cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, trồng ngô.
Dưa chuột là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Mường Kim. |
Sau vụ đầu tiên thấy có hiệu quả, gia đình chị Quynh quyết định thuê thêm chân ruộng 1 vụ của bà con trong bản để mở rộng diện tích. Hiện tại diện tích trồng dưa chuột của gia đình chị Quynh đạt gần 1ha. Theo tính toán mỗi năm thu hoạch 2 đến 4 vụ tùy chân ruộng, với sản lượng bình quân năm khoảng 16-18 tấn/1ha. Với giá bán bình quân hơn 8.000 đồng/kg, thương lái đến ký cam kết và thu mua tận nơi nên rất yên tâm. "Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu được gần 1 tỷ đồng", chị Quynh cho biết.
Xã Mường Kim được xem là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Từ việc chuyển đổi giống cây trồng đến nắm bắt tốt nhu cầu thị trường; liên kết ổn định với đội ngũ thương lái để thu mua nông sản cho bà con... Hình thành các tổ hợp tác chuyên canh các loại cây trồng như: tổ hợp tác trồng dưa chuột hơn 10ha với 12 hộ tham gia, trồng bí xanh 3ha/vụ với 15 hộ tham gia, khoai tây vụ đông trên 22ha với 23 hộ tham gia...
Người dân thu bí xanh bán cho thương lái đưa về xuôi tiêu thụ. |
Ông Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết, trước đây khi cán bộ xã tuyên truyền để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng như dưa, bí xanh, khoai tây thì nhiều hộ không muốn làm. Bây giờ, kể cả không có hỗ trợ của nhà nước thì người dân vẫn thi nhau làm và đem lại hiệu quả rất cao. Ngoài dưa chuột, bí xanh, khoai tây vụ đông, hiện xã cũng là vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung lớn của huyện với diện tích hơn 300ha; diện tích cây chè có liên kết bao tiêu của doanh nghiệp gần 350ha; hơn 450 lồng cá của các tổ hợp tác trên lòng hồ thủy điện...
Cũng theo ông Thắng, thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện đạt gần 50 triệu đồng/ người/năm. Mức thu nhập này đã tăng gần gấp đôi so với 3 năm về trước và cao hơn mức thu nhập bình quân của toàn huyện. Hiện xã đang chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích dưa chuột, bí xanh và khoai để tiếp tục tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho bà con. Ngoài ra xã cũng đang liên kết với Viện Nông nghiệp Việt Nam trồng thí điểm 5ha cây hạt chia, đây cũng là một hướng đi nhằm giúp bà con tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập.
Khoai tây vụ đông giúp người dân xã Mường Kim nâng cao thu nhập. |
Để nâng cao thu nhập cho người dân từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, những năm qua Than Uyên đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển hạ tầng vùng sản xuất. Tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dũng Long cho biết: "Đơn vị đang thực hiện bao tiêu đầu ra đối với sản phẩm lúa Séng Cù, nếp Tan Pỏm. Chúng tôi liên kết vùng nguyên liệu với bà con; trong đó nhà nước hỗ trợ giống, phân bón; bà con bỏ công còn đơn vị bảo đảm khâu thu mua, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Giá cả thì theo thỏa thuận đã được ký kết trước đó với bà con theo các cam kết về quy trình sản xuất hữu cơ.
Cơ sở chế biến gạo, bao tiêu toàn bộ đầu ra cho người dân với mức giá ổn định đã được kí kết trước đó. |
Hiện chúng tôi có 4 sản phẩm Ocop đạt 3 đến 4 sao từ các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Ngoài ra chúng tôi cũng có các gian hàng để quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của bà con tại trung tâm huyện và ở thành phố Lai Châu và một số địa phương dưới xuôi. Nhờ vậy nên bà con rất yên tâm sản xuất và đồng hành cùng đơn vị".
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết về “phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung”, huyện Than Uyên đã có 1.550ha lúa hàng hóa tập trung, sản lượng đạt hơn 8.450 tấn. Lợi nhuận thu được sau khi trừ tất cả chi phí (gồm giống, vật tư nông nghiệp, công lao động) đạt khoảng 40 triệu đồng/ha, cao hơn các giống lúa khác khoảng 20 triệu đồng mỗi ha.
Sản phẩm gạo sén cù của Than Uyên đã được chứng nhận OCOP và có đầu ra khá ổn định. |
Bên cạnh đó huyện cũng có gần 2.000ha chè, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt hơn 8.000 tấn. Toàn huyện có 435ha cây ăn quả, sản lượng quả tươi hằng năm đạt khoảng 2.500 tấn... Ngoài ra hiện tại huyện Than Uyên có gần 50 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 20 con trở lên; 25 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 100 con trở lên, hơn 1.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng nuôi trồng hằng năm đạt hơn 600 tấn…
Lai Châu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
Ông Nguyễn Văn Thăng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết về sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung thực sự đã thực sự giúp người dân nâng cao thu nhập, giúp huyện giảm nghèo nhanh và bền vững. Để bảo đảm nâng cao mức thu nhập cho người dân làm cơ sở để huyện đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2025; thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt nhận thức sâu sắc về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Chỉ đạo chính quyền các cấp rà soát lại và đề xuất thêm những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện làm sao cho tốt hơn nữa về vấn đề này.