Những ông “bố nuôi” mang quân hàm xanh

Lai Châu có 265,165km đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lai Châu còn là những người "cha đỡ đầu” cho trẻ em yếu thế ở bản làng vùng biên viễn.
0:00 / 0:00
0:00
Những người "cha đỡ đầu" của Đồn Biên phòng Pa Ủ dạy các con học bài.
Những người "cha đỡ đầu" của Đồn Biên phòng Pa Ủ dạy các con học bài.

Những đứa con nuôi La Hủ, Hà Nhì

Mỗi khi có dịp quây quần cùng anh em chiến sĩ, Thiếu tá Cao Văn Quý - Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu - chia sẻ những kỷ niệm thời cắm cơ sở. Năm 2019, anh là Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè. Khi ấy Đồn Biên Phòng Thu Lũm nhận nuôi 3 em nhỏ người Hà Nhì có hoàn cảnh khó khăn gồm: Thàng Xí Xá, Sừng Phí Giá và Lò Xú Tư.

Trong những đứa con nuôi, thì Thàng Xí Xá, ở bản Còn Khà có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Năm 11 tuổi khi Xá đang theo học lớp 6, thì mẹ qua đời vì bệnh hiểm nghèo, rồi bố đi lấy vợ, nhà đông em. Còn Sừng Phí Giá và Lò Xú Tư đều ở bản Nó Na, các em cũng thuộc gia đình nghèo, đông anh em. Việc học của các em có nguy cơ đứt quãng bởi sự khó khăn trong hoàn cảnh gia đình.

Trước những khó khăn trên, Đồn Biên phòng Thu Lũm đã phối hợp với nhà trường và chính quyền địa phương để đón các em về nuôi ở đồn. Nhờ đó mà những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thu Lũm có thêm những “chiến sĩ nhí” sinh hoạt trong mái nhà chung.

Bốn năm được ăn học, sinh hoạt trong mái nhà biên phòng, Xá, Giá, Tư càng thấm những tình cảm các cha nuôi dành cho. Còn nhớ những ngày đầu các em bỡ ngỡ, rụt rè. Nhưng rồi qua rèn luyện trong môi trường quân đội, những đứa con nuôi người Hà Nhì đã tự lập hơn, biết tham gia vào các hoạt động tăng gia, sản xuất, cùng ăn cùng ở, cùng rèn luyện sinh hoạt với anh em cán bộ chiến sĩ của đồn sau những giờ lên lớp.

Những ông “bố nuôi” mang quân hàm xanh ảnh 2

Biểu dương các cháu con nuôi có thành tích học tập tốt trong các dịp lễ tết để động viên tinh thần các em.

Trung tá Khoàng Ló Giá - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thu Lũm, một trong những ông “bố nuôi’ luôn gần gũi hằng ngày với các em nhất - chia sẻ: “Phần lớn những người lính biên phòng thường xa gia đình, khi ngôi nhà quân đội có thêm những đứa con nuôi, thì bao tình cảm của anh em chiến sĩ nơi biên giới cũng dành cả cho các con. Sau giờ ở trường về, các con cùng tham gia vào các hoạt động tập thể, lao động tăng gia sản xuất, thể dục thể thao. Buổi tối, anh em chiến sĩ thay nhau kèm cặp các con học bài, tình cảm ấy thật khó phai!”.

Thành quả ban đầu dành cho những ông bố nuôi ở Đồn Biên phòng Thu Lũm là năm học này cả ba đứa con nuôi Xá, Giá, Tư đều đỗ vào hệ cấp ba của các Trường trung học phổ thông của huyện Mường Tè và Trường phổ thông Dân tộc Nội trú Ka Lăng.

Tại Đồn Biên phòng Pa Ủ, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, có một căn phòng khá đặc biệt. Các cán bộ, chiến sĩ ở đây quen gọi là “phòng con nuôi”. Phía cửa sổ căn phòng là góc học tập với đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Cậu học trò người La Hủ, Vàng Lò Hừ, sinh năm 2010, bản Xà Hồ, xã Pa Ủ, gương mặt hiền lành và rất lễ phép khi gặp khách lạ.

Những ông “bố nuôi” mang quân hàm xanh ảnh 3

Con nuôi của đồn biên phòng, việc làm thiết thực giúp các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Được biết , đây là năm thứ tư, Hừ về ở với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ. Hừ là một trong 19 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được Đồn Biên phòng Pa Ủ đỡ đầu, tiếp sức trong hành trình đến trường.

Hừ mồ côi bố mẹ, ở với ông bà đã già. Con đường đến trường của Hừ tưởng như đã khép lại khi em học lớp 6, ông bà ngày một đau yếu.

Năm 2020, trong những đợt về bản nắm tình hình, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng thuộc Đội Vận động quần chúng đã thấu được hoàn cảnh của Hừ. Các anh về đề xuất với lãnh đạo đồn và quyết định nhận Vàng Lò Hừ làm con nuôi của Đồn Biên phòng Pa Ủ.

Cũng như Vàng Lò Hừ, em Vàng Cà Hừ, sinh năm 2010 ở bản Mu Chi cùng xã Pa Ủ, là một cậu học trò nghèo, sinh ra trong gia đình có 6 anh em, bố mẹ Hừ ốm đau ở viện nhiều hơn ở nhà. Cà Hừ được Đồn Biên phòng nhận nuôi, giúp đỡ để tiếp tục giấc mơ đến trường.

Kể từ ngày về với đồn biên phòng, Cà Hừ không những không còn bữa no bữa đói, không phải đi rừng, có nhiều thời gian chuyên tâm vào việc học hành. Hơn thế nữa em còn được sống trong tình yêu thương của những người lính biên phòng.

“Lửa ấm” nhen rộng toàn quân

Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ với nhiệm vụ bảo vệ 9,272km đường biên giới, quản lý 3 mốc chính 83/2; 84 và 85 (2); đơn vị cũng phụ trách địa bàn 3 xã biên giới gồm: Sin Suối Hồ, Nậm Xe, Bản Lang của huyện Phong Thổ.

Những năm qua, ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện tốt công tác biên phòng, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ là một trong những đơn vị đi đầu trong việc giúp đỡ các em nhỏ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiếp nối ước mơ đến trường.

Từ cái tên khai sơ gần gũi “Con nuôi của đồn biên phòng”, từ việc làm thiết thực sau này trở thành một phong trào lớn, như dự án như “Chương trình “Nâng bước em đến trường”; Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”. Những ngọn “lửa ấm” này không chỉ nhân rộng trong các đồn biên phòng mà còn lan tỏa trong toàn quân.

Trong những đứa “con nuôi” của Bộ đội Biên phòng Sin Suối Hồ, thì Lý A Hòa, bản Thèn Thầu, xã Bản Lang, có hoàn cảnh khá đặc biệt. Sinh năm 2006, lên 5 tuổi bố Hòa mất vì bệnh nặng, để lại người mẹ bị tàn tật, câm điếc, không có khả năng lao động, tưởng chừng cánh cổng trường học khép lại với em từ đây.

Bắt đầu từ năm 2015 đến 2024, bằng nguồn tiền hỗ trợ từ lương của các chiến sĩ biên phòng, không phụ công của những “bố nuôi”, Hoà nỗ lực vượt khó và vươn lên để có thành tích tốt trong học tập.

Những ông “bố nuôi” mang quân hàm xanh ảnh 4

Lý A Hòa cậu con nuôi của Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ được cán bộ đồn đưa về nhập học tại Trường Sĩ quan Pháo binh.

Năm 2024, Lý A Hòa đã trúng tuyển vào trường Sĩ quan Pháo binh đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Tin vui ấy không chỉ đến riêng với gia đình Hòa, bà con người Dao xã Bản Lang mà hạnh phúc đó là niềm hân hoan, là quả ngọt bao tháng ngày vun xới, chăm chút từ những trái tim nồng hậu của những ông “bố nuôi” biên phòng.

Hòa tâm sự: “Em không bao giờ quên công ơn của các “bố nuôi” đã cưu mang, hỗ trợ gia đình em, nhờ có các mái ấm biên phòng em mới tiếp tục đến trường và ước mơ ấy đã thành hiện thực, em nhớ như in ngày tựu trường, đích thân các bố đã đưa em tới trường nhập học”.

Đại úy Nguyễn Hữu Thọ - Phó Chính trị viên Đồn Sin Suối Hồ - cho biết: Hiện nay, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đang nhận đỡ đầu cho 4 cháu trong Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Theo đó, hằng tháng từ tiền lương của những chiến sĩ biên phòng các em được hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng theo năm học và 30 cháu là các con em vùng dân tộc thiểu số của các xã: Sin Suối Hồ, Nậm Xe và Bản Lang với số tiền mỗi năm các em được hỗ trợ là 7.400.000 đồng/9 tháng học.

Đại tá Lê Công Thành - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu - cho biết: Chương trình “Nâng bước em tới trường” được Bộ đội Biên phòng Lai Châu triển khai từ năm 2010 đến nay đã tạo cơ hội 230 em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới Lai Châu vươn lên trong học tập.

Theo đó, ngoài một số em được đón về nuôi tại các đồn thì những em khác được các đồn đỡ đầu, mỗi tháng, mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng (hỗ trợ trong 9 tháng của năm học). Khoản tiền không nhiều, nhưng là nguồn động viên kịp thời, tiếp thêm động lực để học sinh nghèo vững bước trong học tập, xây dựng tương lai.