Nông dân tích cực, chủ động chuyển đổi 998 ha sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao như: chuối, chè, quế, mắc ca, sa nhân, nghệ... Diện tích ao nuôi trồng thủy sản đạt hơn 949 ha, đạt 104% kế hoạch. Các đơn vị tăng cường trồng rừng mới, quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng đúng định mức, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ lên 49,29%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn tỉnh đạt bình quân 13,43 tiêu chí/xã; tỷ lệ số xã đạt chuẩn 19 tiêu chí là 30%; số xã đạt 19 tiêu chí là 29 xã; không còn xã dưới năm tiêu chí…
Thời gian tới, tỉnh Lai Châu xác định tập trung đầu tư thâm canh, chăm sóc diện tích chè đã trồng và cho thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, sản lượng chè búp tươi; phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh ở từng vùng. Các địa phương phối hợp các phòng, ban liên quan sử dụng các nguồn vốn lồng ghép để phát triển đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) và gia cầm. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Đẩy mạnh tiến trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; tạo dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
* Tỉnh Long An có nhiều công trình, dự án đầu tư công sau khi hoàn thành đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình, dự án hoàn thành chậm tiến độ, phát sinh chi phí đầu tư. Chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và công tác thẩm định, phê duyệt đối với một số công trình, dự án đầu tư công còn thấp...
Để tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư công, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Tỉnh ủy Long An yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong tỉnh quán triệt thực hiện các giải pháp trong công tác đầu tư công. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quản lý chặt chẽ công tác đầu tư công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và các chủ đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát toàn diện từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đến kết thúc đầu tư, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Các sở, ngành, địa phương chú trọng tính công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu phát triển và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Các cơ quan theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công theo hợp đồng đã ký kết; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đầu tư; kiên quyết xử lý các vi phạm, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, chủ đầu tư các công trình, dự án xảy ra sai phạm, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát cộng đồng đối với công trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước.