Trong không khí sôi nổi của lễ hội, sự hội tụ của 10 dân tộc anh em như Si La, Cống, Mảng, La Hủ, Hà Nhì, Mông, Thái,… đã làm nên bữa tiệc của sắc màu dân tộc độc đáo, riêng biệt. Trong đó là sự góp mặt của những dân tộc đặc biệt của Việt Nam, họ chỉ sinh sống duy nhất ở Lai Châu như: Dân tộc La Hủ, Mảng; hay sự góp mặt của những dân tộc đặc biệt ít người như: Cống, Si La; hoặc những dân tộc chỉ có ở vùng Tây bắc là người Hà Nhì hoa,… Sự góp mặt của họ càng làm cho sắc màu văn hoá độc đáo của Mường Tè được hội tụ và lan tỏa.
Sắc màu hội tụ miền biên viễn
Anh Phạm Văn Hùng, du khách đến từ thành phố Lai Châu phấn khởi bên những màn trình diễn dân ca, dân vũ của cộng đồng các dân tộc anh em huyện Mường Tè, chia sẻ: Tôi biết đến lễ hội đường phố và lễ hội ẩm thực của Mường Tè từ nhiều năm qua hệ thống truyền thông và mạng xã hội.
Xem trên mạng đã thấy cuốn hút lắm rồi, năm nay là lần đầu tôi được trực tiếp tham dự, quả thật rất độc đáo, nhiều cảm xúc và khó diễn tả. Mỗi dân tộc một sắc màu trang phục, một làn điệu dân ca dân vũ riêng, tôi thật sự bị choáng ngợp trước sự sặc sỡ của sắc màu và sự phong phú của văn hóa truyền thống của bà con nơi đây.
Sự hội tụ của 10 dân tộc anh em như Si La, Cống, Mảng, La Hủ, Hà Nhì, Mông, Thái… đã làm nên bữa tiệc của sắc màu dân tộc độc đáo, riêng biệt. |
Với sự tham gia của 16 đoàn diễn viên đại diện cho các xã, các tổ chức và các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Tè; ngoài trang phục truyền thống của chính dân tộc mình thì đạo cụ chính làm nên thành công của bữa tiệc văn hóa dân tộc đặc sắc trên đường phố là trống, chiêng, các nhạc cụ dân gian và cả những vật dụng, công cụ lao động thường ngày của bà con.
Không chỉ trang phục, ngay cả những vật dụng, công cụ lao động thường ngày của bà con cũng thành đạo cụ biểu diễn. |
Trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên không chuyên là những người con vùng đất đại ngàn Tây Bắc, là những người hằng ngày bận rộn, chân lấm tay bùn; họ đến từ khắp các bản làng vùng cao của huyện Mường Tè, vừa hát múa, vừa tái hiện những nghi thức lễ hội, trò chơi dân gian của dân tộc mình một cách say sưa.
Màn biểu diễn múa xòe của người Hà Nhì hoa. |
Không khí lễ hội càng trở nên sôi động khi các đoàn diễn diễu đi qua các tuyến phố của huyện Mường Tè. Các màn biểu diễn được đông đảo người dân, du khách đón nhận hưởng ứng và hòa theo.
Chiếc nón đặc trưng của đồng bào La Hủ, vật dụng sử dụng hàng ngày được bà con cách điệu thành đạo cụ biểu diễn. |
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết: Lễ hội đường phố là một hoạt động được huyện tổ chức thường niên, nhằm duy trì và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện. Thông qua hoạt động diễn diễu đường phố, chúng tôi muốn giới thiệu, quảng bá hình ảnh đa sắc màu về bản sắc văn hóa và phong tục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện tới du khách trong và ngoài tỉnh, trong nước và cả quốc tế.
Lễ hội là điểm gặp gỡ và thăng hoa của sắc màu, niềm tin khẳng định những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. |
Đây không chỉ là điểm gặp gỡ và thăng hoa của sắc màu, niềm tin, hạnh phúc; trên hết là sự khẳng định những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống của đồng bào nhân dân các dân tộc huyện chúng tôi. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc sắc riêng, đây chính là tài nguyên quý để Mường Tè bảo tồn, khai thác để phát triển du lịch.
Mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc sắc riêng, đây chính là tài nguyên quý để Mường Tè bảo tồn, khai thác trong phát triển du lịch. |
Ngoài ra thông qua lễ hội người tham gia và du khách cũng có thể khám phá những nét đẹp văn hóa, di sản đặc trưng của vùng đất, con người Mường Tè nói riêng và Lai Châu nói chung; tôn vinh giá trị văn hóa, con người và vùng đất tươi đẹp, bình yên nơi biên giới Mường Tè - ông Khánh cho biết thêm.
Thông qua lễ hội du khách có thể khám phá những nét đẹp văn hóa, di sản đặc trưng của vùng đất, con người Mường Tè. |
Mường Tè là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu, trên địa bàn huyện có 10 dân tộc cùng chung sống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, huyện Mường Tè là mảnh đất có truyền thống cách mạng.
Đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè luôn phát huy truyền thống của quê hương, đoàn kết vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thông qua lễ hội giúp nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội. |
Lễ hội không chỉ giúp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ; qua đó nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Lai Châu về "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Một số hình ảnh tại lễ hội đường phố huyện Mường Tè năm 2024.
Màn biểu diễn của đồng bào dân tộc Hà Nhì hoa - dân tộc chỉ sinh sống ở hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên. |
Màn biểu diễn của đồng bào dân tộc Hà Nhì hoa - dân tộc chỉ sinh sống ở hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên. |
Màn trình diễn của đồng bào dân tộc Mảng - dân tộc duy nhất chỉ có ở Lai Châu. |
Đặc trưng trang phục sặc sỡ của đồng bào dân tộc La Hủ - dân tộc duy nhất chỉ có ở Lai Châu. |
|
Màn biểu diễn của các cô gái Thái trắng. |
Màn biểu diễn chiêng của chàng trai người Hà Nhì hoa. |
Cô gái Hà Nhì hoa đẹp rạng rỡ trong sắc màu truyền thống. |
Vẻ đẹp thuần khiết của cô gái người dân tộc Thái trắng. |