Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư công nghiệp vào Than Uyên

Than Uyên là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, có hạ tầng giao thông thuận tiện, nguồn lao động dồi dào, tài nguyên phong phú; lại tiếp giáp với các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, cho nên có lợi thế rất lớn để thu hút đầu tư công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ đầu tư kiểm tra tiến độ thi công dự án mở rộng các tuyến giao thông nội thị.
Chủ đầu tư kiểm tra tiến độ thi công dự án mở rộng các tuyến giao thông nội thị.

Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng thị trấn Than Uyên và vùng phụ cận đến năm 2035, định hướng phát triển bền vững cho giai đoạn tiếp theo, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Bắc và có đặc thù riêng; trong đó xác định tập trung phát triển dịch vụ, du lịch, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh Lai Châu, với mục tiêu trên Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã phê duyệt và giao huyện Than Uyên thực hiện Dự án Hạ tầng đô thị thị trấn Than Uyên với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023 hết năm 2026.

Theo đó huyện Than Uyên đã đầu tư nâng cấp và mở mới các tuyến giao thông song hành với tuyến Quốc lộ 32 chạy dọc trung tâm huyện. Mục tiêu là nhằm tăng cường mật độ giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 32, đồng thời giải quyết tình trạng giao thông độc đạo của huyện hiện nay.

Thị trấn Than Uyên được mở rộng hướng phát triển về 2 phía đông và tây Quốc lộ 32; tạo sự cân đối về đô thị, tạo quỹ đất phát triển nhà ở đô thị tại các khu vực mới, thuận lợi cho phát triển đô thị sang khu vực mới nhằm hình thành tiền đề cho sự phát triển khu vực mới. Trung tâm hành chính hiện trạng sẽ được chuyển đổi thành khu vực phát triển đô thị hỗn hợp.

Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư công nghiệp vào Than Uyên ảnh 2

Thị trấn Than Uyên được mở rộng hướng phát triển về 2 phía đông và tây của Quốc lộ 32.

Dự án đầu tư Hệ thống đường nội thị với 4 tuyến đường trục rải thảm mặt đường bê-tông nhựa với tổng chiều dài 3,10km; Hệ thống kênh thoát nước, có tổng chiều dài tuyến kênh, kè khoảng 2.338m.

Hiện, tuyến số 2 đoạn nâng cấp, chiều dài cả đoạn là 690m đã thi công xong cống thoát nước ngang, rãnh thoát nước dọc đường; đang thi công phần bê-tông mặt đường mở rộng, lắp đặt bó vỉa; phần mặt nâng cấp rải lớp bê-tông nhựa, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Đoạn mở mới dài 1,2km đang triển khai đào đắp nền đường. Tuyến số 3 chiều dài 221m, đang triển khai công tác đào vét hữu cơ và đắp nền đường. Riêng đối với tuyến kênh, khối lượng đã thực hiện được khoảng 1km.

Theo ông Trần Đức Long - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Than Uyên, Dự án Hạ tầng đô thị thị trấn Than Uyên năm nay được phân bổ hơn 45 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại đã giải ngân nguồn vốn hơn 43 tỷ đồng, đạt khoảng 95% kế hoạch.

Ban Quản lý dự án chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung nhân, vật lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục; đồng thời cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát tại hiện trường đôn đốc tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình và gỡ khó cho doanh nghiệp nhằm hoàn thành tiến độ theo đúng kế hoạch.

Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư công nghiệp vào Than Uyên ảnh 3

Nâng cấp các tuyến đường nhánh nối tuyến nội thị với các tuyến đường mới nhằm nhằm giảm tải cho tuyến Quốc lộ 32 chạy qua trung tâm huyện.

Đây là Dự án rất quan trọng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của huyện, nhất là thu hút đầu tư công nghiệp vào Than Uyên.

Một dự án cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp tại huyện cửa ngõ này là Cụm công nghiệp Than Uyên. Cụm công nghiệp này được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu thành lập vào cuối năm 2021 đặt tại xã Phúc Than với quy mô diện tích 50ha, với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, dự án thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2025.

Hiện tại, dự án này đang được triển khai xây dựng các hạng mục như: trục đường vào cụm công nghiệp, các trục đường dẫn, đường nội bộ cùng hệ thống vỉa hè, hệ thống thoát nước, cấp điện; đường kết nối các khu dân cư, cây xanh, hệ thống hào kỹ thuật...

Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư công nghiệp vào Than Uyên ảnh 4

Mặt bằng cụm công nghiệp Than Uyên đang được triển khai thi công, đây sẽ là điểm nhấn về hạ tầng nhằm thu hút công nghiệp cho địa phương.

Ông Nguyễn Quang Khoa - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lai Châu, cho biết, mặc dù dự án triển khai thực hiện gặp rất nhiều bất lợi về thời tiết do mùa mưa kéo dài. Những với sự đôn đốc của Chủ đầu tư và sự nỗ lực của các đơn vị thi công, đến nay khối lượng thi công hoàn thành đã đạt 75% giá trị hợp đồng, tiến độ giải ngân vốn đạt hơn 70% kế hoạch vốn đã giao.

Hiện tại còn một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trong đó có vị trí liên quan đến công tác bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định. Để bảo đảm tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án, Ban Quản lý dự án đang kiến nghị huyện Than Uyên phối hợp với chủ đầu tư trong việc bố trí tái định cư cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng; sớm phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phạm vi còn lại để dự án bảo đảm tiến độ đề ra.

Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư công nghiệp vào Than Uyên ảnh 5

Tuyến đường vào của cụm công nghiệp Than Uyên dần được hoàn thiện.

Việc đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư công nghiệp đã được Than Uyên thực hiện đồng bộ những năm qua. Quy hoạch phát triển chung đã được phê duyệt từ huyện xuống xã; hạ tầng giao thông phát triển ô-tô đến được gần như 100% các bản, kết hợp các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ đi qua huyện được đầu tư nâng cấp; hạ tầng thiết yếu khác được đầu tư đồng bộ; huyện đã thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả và đang tiến gần huyện nông thôn mới vào cuối năm 2025 tới.

Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên khẳng định, những năm qua huyện đã thực hiện đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát huy các lợi thế sẵn có của địa phương. Thời gian tới huyện sẽ tập trung thu hút đầu tư công nghiệp trong đó ưu tiên các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản; chế biến thức ăn chăn nuôi; tiểu thủ công nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng; các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Những ngành công nghiệp này sẽ giúp chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; giúp huyện tăng trưởng kinh tế cao, bền vững và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Cũng theo ông Thăng, hiện đã có các doanh nghiệp quan tâm vào khảo sát lập dự án đầu tư nhà máy chế biến chè công nghệ cao, chế biến viên nén xuất khẩu từ gỗ và một số sản phẩm nông nghiệp khác như quế, mắc ca…