Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn
Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về vốn. Trong tổng số gần 93 nghìn tỷ đồng đầu tư vào 136 dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian qua, chỉ có chưa đến 6,2% số vốn đầu tư vào nông - lâm nghiệp. Trong khi mức hỗ trợ từ Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn thấp và chậm, thì cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chưa có nên hoạt động đầu tư của các đơn vị này gặp nhiều trở ngại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng chia sẻ: Các doanh nghiệp ở Lai Châu còn gặp những khó khăn mang tính đặc thù của một tỉnh miền núi nghèo, xa các trung tâm lớn, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí thấp và nền hành chính công chưa thật sự thông thoáng… Đầu tư cho nông nghiệp ở miền núi mang tính rủi ro cao, cho nên nhiều doanh nghiệp vẫn không thật sự mặn mà...
Công ty cổ phần phát triển chè Tam Đường được đánh giá là đơn vị thành công trong đầu tư tại tỉnh Lai Châu, với vùng nguyên liệu gần 1.000 ha và khoảng 1.700 hộ nông dân tham gia liên kết phát triển. Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu, và có sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Đài Loan (Trung Quốc), CHLB Đức… nhưng việc đầu tư của Công ty cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ quá xa, chi phí lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận. Trong khi đó, trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất hàng hóa của người dân vùng nguyên liệu còn hạn chế. Đáng chú ý là việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho đầu tư vào nông nghiệp rất khó.
Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Thị Loan cho biết: Ngoài những hỗ trợ theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ra, Công ty mong muốn được tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên không có chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Để được vay vốn, Công ty phải cầm cố, thế chấp tài sản. Do đó, hiện tại, chè Tam Đường đang phải huy động cả các nguồn vốn bên ngoài với lãi suất khá cao. Số tiền này lại phải mang cho người trồng chè vay trong ba năm không lãi để họ sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho Công ty, cho nên ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận. Bà Loan mong muốn Nhà nước ban hành chính sách cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng khi đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Khánh Hòa đang đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tại Lai Châu cũng khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho nông nghiệp. Giám đốc Nguyễn Khánh Hòa cho biết, Công ty Khánh Hòa chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào trong vay vốn. Để có vốn đầu tư, bà Hòa đã phải bán nhà, cầm cố toàn bộ tài sản để vay vốn ngân hàng. Mặc dù đơn vị được tỉnh Lai Châu tạo điều kiện rất nhiều về thủ tục đất đai, thậm chí, tỉnh còn có văn bản chỉ đạo tạo điều kiện để đơn vị làm việc với ngân hàng nhằm vay vốn ưu đãi nhưng đều bị ngân hàng từ chối. Bà Hòa cho biết đang dự định thành lập hợp tác xã, để cung cấp nguyên liệu, xây dựng lò mổ hiện đại để chế biến thịt thương phẩm sạch phân phối cho thị trường trong tỉnh. Tuy nhiên, do không thể tiếp cận vốn ưu đãi nên những dự định đầu tư của đơn vị này chưa thể triển khai.
Tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp
Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư. Ngoài các quy định chung tại Luật Đầu tư và Nghị định 210/2013/NĐ-CP, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, trong đó đáng chú ý là các chính sách dành cho đầu tư vào nông - lâm nghiệp. Khi các doanh nghiệp vào đầu tư, tỉnh Lai Châu và chính quyền các cấp sẽ đứng ra làm trung gian, cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân để giải quyết vướng mắc. Đơn cử như việc vận động người dân tham gia liên kết, góp đất tạo vùng sản xuất nguyên liệu.
Tỉnh cũng đã có nhiều ưu tiên, hỗ trợ trực tiếp cho người dân về vốn, giống, về hạ tầng giao thông vùng nguyên liệu... khi bà con tham gia liên kết sản xuất; thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp để lắng nghe và tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Hiện tỉnh Lai Châu cũng đã và đang đẩy mạnh việc thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, từ đó tạo ra hệ thống vệ tinh cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến khi doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng khẳng định: Nếu đối chiếu với các chính sách ưu đãi Trung ương đang thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 210/2013/NĐ-CP thì hầu hết các chính sách hỗ trợ của tỉnh đều cao hơn hẳn. Thậm chí, tỉnh Lai Châu cam kết nếu bất cứ ở tỉnh nào có cơ chế tốt nhất cho doanh nghiệp, Lai Châu sẽ sẵn sàng áp dụng cơ chế đó.
Cũng theo đồng chí Lê Trọng Quảng, trong thời gian tới Lai Châu sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách thủ tục hành chính, coi đây là khâu đột phá, trong đó, trọng tâm là rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp theo hướng “hành chính phục vụ”. Đồng thời mở rộng liên kết, hợp tác đào tạo, tạo nguồn lao động có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu lao động của doanh nghiệp và nhà đầu tư trong giai đoạn mới. Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phát triển vùng sản xuất, tỉnh sẽ rà soát, hoàn thiện các chính sách về thu hút đầu tư.
Lai Châu cam kết sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả bền vững trên địa bàn.