Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Để cán bộ gần dân, trọng dân, vì dân

Làm việc sát quần chúng, hòa mình với quần chúng để nghe được những điều quần chúng nói, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nỗi bức xúc của quần chúng là vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Đảng, là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói và luôn gương mẫu thực hành trong quá trình làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn góp sức xây dựng công trình nông thôn mới cho xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. (Ảnh: THÙY DƯƠNG)
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn góp sức xây dựng công trình nông thôn mới cho xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. (Ảnh: THÙY DƯƠNG)

Học và làm theo Bác, thời gian qua, bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong việc đưa cán bộ gần dân, hiểu dân, vì dân hơn.

Đưa lãnh đạo gần dân

Từ tháng 9/2024, lịch công tác của đồng chí Hà Sỹ Thắng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn có thêm nội dung hoàn toàn mới là việc đến xã Vân Tùng (Ngân Sơn) để nắm tình hình, hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc phát triển kinh tế-xã hội.

Phần việc mới này xuất phát từ việc Tỉnh ủy Bắc Kạn phân công đồng chí phụ trách xã Vân Tùng, thực hiện theo Quy định 1390-QĐ/TU ngày 29/8/2024 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn.

Theo đồng chí Hà Sỹ Thắng, việc theo dõi thực hiện thông qua dự các cuộc họp của Đảng ủy xã, trực tiếp đến nhiều thôn, bản trong xã để nắm tình hình, tư vấn cho xã. Ngược lại, đến với cơ sở cũng là hòa mình vào thực tế để tích lũy kinh nghiệm, học từ thực tiễn để phục vụ hiệu quả cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Trước đó, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách, theo dõi các huyện; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt chi bộ cơ sở nhưng đây là lần đầu tiên, Bắc Kạn phân công 108 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành phụ trách, theo dõi toàn bộ 108 xã, phường, thị trấn.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phương Viên (Chợ Đồn) Ma Ngọc Tuyền, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách mà cấp xã lúng túng trong thực hiện. Tuy nhiên, việc trao đổi qua văn bản nhiều khi không thể hiệu quả bằng việc được cán bộ cấp tỉnh giải đáp, hướng dẫn, giúp đỡ theo cách “cầm tay, chỉ việc”. Mặt khác, cán bộ là lãnh đạo cấp sở, ngành với chuyên môn sâu cũng giúp khơi mở, giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực sở, ngành đó quản lý.

Để cán bộ gần dân, trọng dân, vì dân ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn góp sức xây dựng công trình nông thôn mới cho xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. (Ảnh: THÙY DƯƠNG)

“Chúng tôi đánh giá rất cao việc phân công cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh phụ trách, theo dõi xã. Việc cán bộ tỉnh thường xuyên dự họp, nắm tình hình cũng giúp cán bộ xã triển khai công việc kỷ luật, quy củ hơn”, Bí thư Đảng ủy xã Phương Viên Ma Ngọc Tuyền nói thêm.

Hiệu quả trong thực hiện Quy định 1390 là ở chỗ không chỉ phân công đơn thuần, chung chung mà quy định cụ thể những nội dung các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện. Quy định với 4 chương, 11 điều trong đó quy định rõ: Đối tượng, phạm vi áp dụng; Mục đích, yêu cầu, nguyên tắc; Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo dõi địa bàn. Quy định rõ mối quan hệ công tác với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách đảng bộ; với tập thể lãnh đạo cơ quan nơi công tác; với cấp ủy địa phương... Thời gian phân công theo dõi địa bàn xã theo nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.

Ở chiều ngược lại, đây là cơ hội để cán bộ lãnh đạo tỉnh tiếp cận thực tế, tích lũy kinh nghiệm, từ đó nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Cán bộ theo dõi địa bàn cũng được trao quyền tham gia ý kiến, đề xuất trực tiếp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những vấn đề phát sinh, khó khăn tại cơ sở. Điều này giúp nâng cao tính linh hoạt, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, “rút ngắn” khoảng cách từ cơ sở tới Tỉnh ủy, đồng thời còn là kênh thông tin để Tỉnh ủy giám sát sự trung thực trong thực hiện nhiệm vụ của cấp huyện.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Đồn Ma Thị Na, việc 20 xã trên địa bàn đều có cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh phụ trách, theo dõi là rất thuận lợi cho triển khai phát triển kinh tế-xã hội. Không chỉ giúp đỡ, hướng dẫn, đôn đốc mà các đồng chí này còn là “cánh tay nối dài” của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với cơ sở. Cùng với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy theo dõi và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện dự sinh hoạt thì chắc chắn hiệu quả công việc sẽ nâng lên.

Để cán bộ vì dân

Trong khi Quy định 1390 chỉ có phạm vi đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý thì việc phân công các sở, ngành giúp đỡ xã khó khăn xây dựng nông thôn mới đã huy động được toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan cấp tỉnh đến với nhân dân. Cách làm sáng tạo này đã được Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo thực hiện từ năm 2015. Từ hiệu quả, Tỉnh ủy Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo thực hiện giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Tỉnh ủy phân công 53 sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ 6 xã phấn đấu về đích và 47 xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.

Thời gian này, đường quê tại Thôn 1A Nà Loạn và Thôn 2 Khau Cưởm ở xã khó khăn Sỹ Bình, huyện Bạch Thông luôn bừng sáng ánh điện mỗi khi đêm về, giúp người dân đi lại thuận lợi, trẻ con có điểm vui chơi. Công trình điện thắp sáng đường quê này là kết quả từ sự vận động, hỗ trợ của Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Kạn.

Được phân công giúp đỡ xã Sỹ Bình xây dựng nông thôn mới, năm 2023, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Kạn đã thực hiện hai công trình thắp sáng đường quê; tặng 10 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng 56 xe đạp cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Để cán bộ gần dân, trọng dân, vì dân ảnh 3

Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Kạn trao hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho hộ bà Bàn Thị Thim, thôn Nà Lẹng, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông. (Ảnh: TUẤN SƠN)

Năm 2024, đơn vị hỗ trợ xây nhà mới cho một hộ nghèo; tặng 52 suất quà cho học sinh nghèo; cán bộ, công chức trong đơn vị đóng góp xây dựng công trình phụ trợ cho nhà họp thôn.

Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Kạn Lường Đức Thắng, tập thể Ban Nội chính tích cực phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học vào sản xuất, tham gia các mô hình liên kết sản xuất… Ban hỗ trợ bằng vật chất và ngày công lao động để cùng xây dựng các công trình dân sinh, nhà ở cho hộ nghèo…

Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động trong tham gia thực hiện nhiệm vụ chung của địa phương, đơn vị; tăng cường gắn kết giữa đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị với nhân dân ở các địa phương.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Trung (Chợ Đồn) Bàn Văn Bình, xã được Sở Thông tin và Truyền thông giúp đỡ xây dựng nông thôn mới. Từng cán bộ của Sở đã đóng góp tiền để mua vật liệu và góp ngày công chung sức cùng nhân dân làm đường, kéo dây điện thắp sáng đường thôn… Việc cán bộ cấp tỉnh không ngại gian khổ xuống cùng lao động đã góp phần thúc đẩy tinh thần xây dựng nông thôn mới của cán bộ xã và nhân dân.

Theo đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn, các cơ quan, đơn vị xác định rõ việc giúp đỡ xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào kết quả chung của toàn tỉnh. Hình thức giúp đỡ xã của các cơ quan, đơn vị phong phú, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và điều kiện thực tế của địa phương. Việc giúp đỡ các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới đều được gắn với kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Một trong những yêu cầu của Tỉnh ủy Bắc Kạn đối với cán bộ được phân công theo dõi địa bàn là phải nắm chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và am hiểu nhiều lĩnh vực để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền ở địa bàn được phân công. Định kỳ hằng năm, các đảng ủy xã có nhận xét, đánh giá bằng văn bản về kết quả công tác của cán bộ theo dõi địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Như vậy, việc thực hiện quy định phân công phụ trách xã đã được giám sát đa chiều, chặt chẽ. Cách làm này của Bắc Kạn đã và đang dần hình thành nếp nghĩ, cách làm gần dân, vì dân trong đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo, quản lý cho tới công chức, viên chức, người lao động. Cùng với việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ trọng dân, hòa mình với quần chúng của địa phương này sẽ có nhiều tiến bộ trong thời gian tới.