Hơn nữa, việc xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng trên cả nước cũng tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp ở các vùng nông thôn.
Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ðồng thời, xây dựng nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Chánh Văn phòng Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới trung ương Ngô Trường Sơn cho biết: "Theo thống kê, đến nay trên địa bàn cả nước có 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động và nằm trong kế hoạch hỗ trợ của các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt danh mục 20 mô hình thí điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn để triển khai đến năm 2025".
Hiện nay, các địa phương và nhân dân đang đẩy mạnh khai thác đa dạng tài nguyên du lịch gắn với giá trị đặc sắc của khu vực nông nghiệp, nông thôn; hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương khai thác các thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực... tạo nên các sản phẩm du lịch có tính đặc thù, chuyên biệt cao. Cùng với đó, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP cũng được các địa phương quan tâm.
Nhiều sản phẩm OCOP được lựa chọn trong cung ứng sản phẩm du lịch. Sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách, nâng cao chi tiêu của khách du lịch; nhiều địa phương, người dân tham gia hoạt động du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mạng xã hội cho việc khai thác, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Việt Nam với nhiều cảnh quan đẹp, các làng nghề truyền thống đang là động lực thu hút và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Việc sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái hiện nay không những góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm mà còn giúp bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa ở vùng nông thôn cũng như tăng giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc sản vùng miền.
Trên thực tế, thời gian qua các địa phương đã có những chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giúp người dân tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Trong đó, một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã thu hút lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá, trải nghiệm như: Mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim (Trà Vinh) tận dụng cảnh quan và không gian sông nước miệt vườn nguyên sơ để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.
Tại đây, khách du lịch được tham gia trải nghiệm một số sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp. Ngoài ra, có những điểm du lịch khác như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Khim Nọi, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), dịch vụ Homestay Bản Lác (Hòa Bình)… hay những tour du lịch chiêm ngưỡng mùa lúa chín ruộng bậc thang ở khu vực Tây Bắc; du lịch trang trại ở vườn cà-phê Ðắk Lắk; tham quan trang trại trồng thanh long ở Bình Thuận; khám phá miệt vườn sông nước ở các địa phương vùng Ðồng bằng sông Cửu Long…
Mặc dù, diện tích canh tác nông nghiệp hạn chế nhưng Bắc Ninh lại có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái cộng đồng tại nông thôn nói riêng. Bên cạnh du lịch văn hóa tâm linh, các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh, Bắc Ninh có hàng trăm lễ hội truyền thống và nhiều làng nghề thủ công truyền thống.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, hơn 30 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hơn 50 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới. Toàn tỉnh hiện có 167 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao. Do đó, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề đã và đang là nguồn tài nguyên, động lực mới cho phát triển kinh tế ở địa phương.
Thời gian gần đây, tại Bắc Ninh đã xuất hiện một số cơ sở, trang trại mạnh dạn đầu tư hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương, xã Bình Dương, huyện Gia Bình với diện tích khoảng 7 ha trồng các loại cây ăn quả như: nho hạ đen, ổi, mít, đu đủ... theo quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP.
Hợp tác xã lựa chọn hướng phát triển du lịch tại vườn để du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm; đồng thời chủ động liên kết với các trường học đưa học sinh tới tham quan, thực hành về sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hay như Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, xã Việt Ðoàn, huyện Tiên Du đã chuyển đổi sản xuất rau sạch sang trồng các loại nho và chủ động quảng bá, tổ chức cho khách hàng, học sinh đến tham quan, trải nghiệm mua sản phẩm. Do đó, sản phẩm nho của hợp tác xã luôn duy trì được giá bán ổn định, giảm chi phí vận chuyển...
Tuy nhiên, hiện nay du lịch nông thôn cũng gặp những khó khăn do thiếu công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn; mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và quảng bá du lịch; chất lượng dịch vụ hạn chế; nhiều địa phương chỉ cung cấp dịch vụ trải nghiệm và tham quan trong ngày với tính chất đơn giản.
Hơn nữa, mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông thôn chưa nhiều; năng lực khai thác, quản lý, điều hành các mô hình dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng của các chủ thể còn hạn chế; việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông thôn hạn chế nên chưa thu hút được nhiều du khách...
Ðể phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới các địa phương cần rà soát, đánh giá các giá trị tài nguyên, thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch nông thôn đặc trưng; có chính sách sử dụng quỹ đất, đầu tư hạ tầng, quản lý du lịch nông thôn trên cơ sở phù hợp quy hoạch vùng, địa phương, bảo đảm liên kết, kết nối các điểm đến theo hướng liên tỉnh, liên vùng; tại các khu vực nông thôn có tiềm năng phát triển du lịch, cần bố trí, tổ chức không gian các khu, điểm du lịch nông thôn phù hợp cảnh quan, đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất nông nghiệp; quy hoạch, xây dựng các điểm bán, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đạt chất lượng, thân thiện để phục vụ du khách; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển một số hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, làng nghề cho du khách trải nghiệm.