Hai tháng qua, Eurozone đã chứng kiến mức lạm phát giảm mạnh từ 5,2% vào tháng 8 xuống 4,3% trong tháng 9. Hồi cuối tháng 10, Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) ước tính, lạm phát trong tháng này là 2,9%. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 khi lạm phát là 2,2% và giảm so với mức đỉnh điểm 10,6% của tháng 10 năm ngoái, sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra đẩy giá năng lượng tăng cao.
Theo Eurostat, giá năng lượng trong tháng 10 vừa qua tiếp tục giảm mạnh 11,1% sau khi giảm 4,6% trong tháng trước. Đà tăng giá thực phẩm và đồ uống cũng chậm lại, tăng 7,5% trong tháng 10 so với mức tăng 8,8% trong tháng 9. Theo các dự báo mới nhất của ECB, lạm phát tại Eurozone sẽ về mức mục tiêu 2% vào năm 2025.
Sau khi thực hiện 10 đợt tăng lãi suất kể từ tháng 7/2022 để hạ nhiệt lạm phát, tại cuộc họp hồi tháng 10, ECB đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức 4%. Tình hình lạm phát ở Eurozone có diễn biến tích cực khi cả lạm phát toàn phần (headline inflation) và lạm phát lõi (core inflation) giảm đáng kể trong thời gian gần đây.
Tình hình lạm phát ở Eurozone có diễn biến tích cực khi cả lạm phát toàn phần (headline inflation) và lạm phát lõi (core inflation) giảm đáng kể trong thời gian gần đây.
Theo Phó Chủ tịch ECB, ông Luis de Guindos, ECB sẽ tiếp tục dựa trên các dữ liệu về kinh tế và quan điểm tại các cuộc họp để đưa ra các quyết định về lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Luis de Guindos cũng cho rằng, vẫn còn quá sớm để tiến hành bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc giảm lãi suất. Cách tiếp cận của ECB hiện nay là duy trì mức lãi suất nêu trên trong thời gian đủ dài để có thể đưa lạm phát về mức mục tiêu.
ECB đã tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất chưa từng có tiền lệ để kiểm soát lạm phát. Các quan chức ngân hàng này đưa ra những chỉ dấu cho thấy, chi phí vay có thể tiếp tục tăng nhằm bảo đảm mức tăng giá quay lại mục tiêu 2%, dù rằng kinh tế khu vực Eurozone đang suy yếu đặt ra câu hỏi rằng liệu khi nào sẽ cần giảm chi phí này.
Với các bước đi trong lộ trình giảm lạm phát vừa qua, ECB tin tưởng hoàn toàn có khả năng đưa lạm phát về dưới mục tiêu 2% vào năm 2025. Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde chia sẻ, bà không thấy lo lắng những nỗ lực của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị. Bà khẳng định nhiệm vụ của ECB là bảo đảm ổn định giá cả và đó là cách đóng góp tốt nhất cho hòa bình và ổn định xã hội, đặc biệt là đối với các thành viên dễ bị tổn thương nhất.
Những nỗ lực mạnh mẽ nhằm chống lạm phát của ECB đã giúp đưa tỷ lệ lạm phát của Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu, trong tháng 10 vừa qua giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Mặc dù con số này vẫn cao so với mức quy định do ECB đặt ra, song đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn chung.
Số liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố cho biết, lạm phát trong tháng 10/2023 của Đức đã giảm xuống 3,8%, mức thấp nhất trong hơn hai năm qua. Mặc dù con số này giảm rõ rệt so với mức tăng 4,5% trong tháng 9 và 8% đầu năm nay, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB đặt ra.
ECB quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện nay, chấm dứt chuỗi tăng lãi suất 10 lần liên tiếp. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng hiện còn sớm để bàn đến chuyện cắt giảm lãi suất. Nỗ lực hạ nhiệt lạm phát trong giai đoạn nước rút được cho là thiếu chắc chắn hơn, chậm hơn và khó khăn hơn bởi còn chịu tác động của tình hình địa-chính trị.
Dù vậy, trong khảo sát mới vẫn có điểm sáng cho các nhà hoạch định chính sách của ECB khi áp lực giá cả bắt đầu có dấu hiệu giảm, giá cả đầu vào và đầu ra đều giảm so với tháng 9. Chỉ số giá cả đầu ra tổng hợp tháng 10 là 52, giảm nhẹ so với mức 52,2 của tháng 9 và cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Giá năng lượng tiếp tục giảm, đà tăng giá thực phẩm và đà lạm phát tiếp tục hạ nhiệt là những động lực chủ chốt để ECB tiếp tục thực thi các chính sách nhằm đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2%.