Sẵn sàng nguồn hàng Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng, triển khai kế hoạch kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong đợt cao điểm nhất của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Không khí mua sắm cho dịp Tết đã hiện diện trong các siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Không khí mua sắm cho dịp Tết đã hiện diện trong các siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

Những ngày này, không khí mua sắm cho dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2025 đã dần hiện rõ trong các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, đồ khô, đồ uống giải khát… với bao bì in riêng cho đợt Tết Nguyên đán 2025 đã được bày nhiều trên các quầy kệ. Đại diện các siêu thị BRGMart, Winmart, Big C… cho biết, các đơn vị đã đàm phán với doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cách đây từ ba đến sáu tháng, để chuẩn bị nguồn cung đầy đủ, sẵn sàng hàng hóa trước, trong và sau Tết. Lượng hàng dự kiến tăng khoảng từ 25-30% so với Tết năm 2024. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Đối ngoại marketing Tổng công ty Thương mại Hà Nội thông tin, BRGMart phối hợp các nhà cung cấp dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp hai, ba lần các tháng trong năm. Bên cạnh đó, hệ thống nhập hàng, bảo đảm phương tiện vận chuyển vào cao điểm tháng 12/2024, tháng 1/2025, đồng thời, tăng cường bộ phận kiểm soát chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm. BRGMart cũng tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố Hà Nội.

Còn theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung, lượng hàng phục vụ dịp cuối năm của đơn vị tăng khoảng từ 30-40% so với bình thường và tăng gần 10% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Về giá bán, đơn vị chủ trương duy trì giá bình ổn, thậm chí tăng hình thức khuyến mại. “Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp và phần lớn ủng hộ việc duy trì giá bán bình ổn, riêng mặt hàng rau, đơn vị đã ký hợp đồng, hỗ trợ vốn cho bảy nhà cung cấp lớn, cho nên những mặt hàng chủ lực như cà rốt, cà chua, bắp cải, khổ qua, dưa leo... dự kiến có giá tốt hơn so với thị trường”, bà Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định.

Tết năm nay, GO! App (ứng dụng mua sắm online của siêu thị Big C) phục vụ đủ loại bánh kẹo, mứt Tết, đặc sản Tết như: Trái cây sấy, bánh pía, hạt dưa, hạt hướng dương, mứt gừng, mứt củ năng... Không chỉ thế, hàng loạt các đặc sản Tết gồm thạch, bánh kẹo, mứt Tết, đồ khô, gia vị, đồ chua, thịt nguội đang có mức giá ưu đãi, giảm sâu đến 50%. Ngoài ra, khi mua đơn hàng từ 300.000 đồng, khách hàng còn được miễn phí vận chuyển (trong bán kính 7 km hoặc 10 km tùy khu vực).

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn, sở đã triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa và bình ổn giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải pháp kích cầu tiêu dùng, mua sắm… Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết bảo đảm nguồn cung từ khá sớm. Đến nay, các doanh nghiệp đã khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-25% tùy mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2024 để sẵn sàng phục vụ nhân dân. Đáng chú ý, tỷ trọng hàng Việt Nam, nhất là nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) chiếm khoảng 90% trong giỏ hàng hóa Tết.

Hiện tại, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025 đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và đưa đến hệ thống phân phối. Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Cuối, từ đầu tháng 10, hợp tác xã đã chuẩn bị kế hoạch sản xuất phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, với đa dạng chủng loại rau và các mặt hàng nông sản. Trong đó, hợp tác xã đã mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, rau cao cấp đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) thông tin, đơn vị đã dự trữ thêm từ 10-20% lượng hàng để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân dịp lễ, Tết. Các xưởng sản xuất, chế biến của công ty đang tăng cường sản xuất, với kế hoạch cung ứng ra thị trường gần 1.200 tấn thực phẩm tươi sống và 4.000 tấn thực phẩm chế biến cho hơn 120.000 điểm bán hàng trên cả nước trong dịp Tết.

Ngành công thương Hà Nội tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ người dân; khuyến khích hệ thống phân phối phối hợp các địa phương triển khai chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về ngoại thành, các khu, cụm công nghiệp phục vụ người lao động. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình hội chợ triển lãm hàng Việt gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… “Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết”, Phó Giám đốc Nguyễn Thế Hiệp nhấn mạnh ■