Lên kế hoạch chu đáo trước “giờ G”
Đến thời điểm này, chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là các đường bay vận tải khách quốc tế thường lệ được nối lại (ngày 1/1/2022). Các hãng hàng không Việt Nam đã chờ đợi “giờ G” này từ rất lâu và chuẩn bị chu đáo kế hoạch, sẵn sàng cho việc “mở cửa” bầu trời.
Với sự chấp thuận của Chính phủ một số quốc gia và các nhà chức trách, đại diện Hãng hàng không Vietjet cho biết, hãng dự kiến khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế ngay từ ngày 1/1/2022. Theo đó, Vietjet dự kiến sẽ khai thác các đường bay kết nối Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với Tokyo (sân bay Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan) từ đầu tháng 1/2022.
Trong giai đoạn 1, dự kiến trong khoảng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, các chặng bay sẽ được khai thác từ 1 chuyến khứ hồi/ tuần và tăng lên theo nhu cầu của người dân, du khách cũng như sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhằm bảo đảm khai thác an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Giai đoạn tiếp theo, Vietjet dự kiến sẽ mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế mà hãng đã khai thác trước đây đến các quốc gia khác trong khu vực cũng như xa hơn đến Ấn Độ, Nga,... Mới đây, Hãng hàng không Vietjet cũng công bố đường bay thẳng Việt Nam-Nga từ tháng 7/2022, kết nối Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang với Moskva. Vé máy bay quốc tế sẽ được hãng hàng không mở bán khi được cấp phép.
Để bảo đảm an toàn phòng chống dịch, các kế hoạch khai thác của hãng tuân thủ mọi yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ các nước, các cơ quan quản lý hàng không, y tế. Để chuyến bay thuận lợi, hãng khuyến cáo hành khách tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, xuất nhập cảnh của các quốc gia như hộ chiếu vaccine, xét nghiệm âm tính, cách ly, lưu trú,...
Việc nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế đã được Vietjet chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ về mọi mặt, khai thác bằng các tàu bay thế hệ mới A321, A330 hiện đại để mang tới cho khách hàng những chuyến bay an toàn, những hành trình bay tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách trong bối cảnh bình thường mới.
Lãnh đạo Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho hay, Hãng cũng đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022. Việc nối lại các đường bay sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn và phụ thuộc vào việc phê duyệt, triển khai của cơ quan chức năng. Giai đoạn 1, Vietnam Airlines lên kế hoạch khai thác các chuyến bay hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách.
Giai đoạn 2, Vietnam Airlines lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay hai chiều giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia. Tần suất khai thác theo phương án phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam. Trong giai đoạn 1, mỗi chặng bay dự kiến từ 1-4 chuyến/tuần và sẽ tăng dần dựa trên nhu cầu khai thác thực tế và yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Trong đó, số lượng chuyến bay tập trung trên các đường bay có nhu cầu lớn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Các chặng bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Mỹ dự kiến sẽ được Vietnam Airlines khai thác bằng các dòng tàu bay thân rộng của hãng là Boeing 787 hoặc Airbus A350.
Tiếp tục đàm phán, thống nhất cao giữa các nước
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không sẽ phục hồi vào khoảng năm 2023, tuy nhiên tốc độ phục hồi của các thị trường khác nhau, phụ thuộc vào quá trình tiêm vaccine và kế hoạch mở cửa đường bay quốc tế của các quốc gia. IATA cũng dự báo đến năm 2022, khu vực châu Á cũng sẽ phục hồi dần, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề nhận định, việc mở lại đường bay quốc tế là sự thoả thuận giữa hai nước. Muốn phân bổ lịch bay phải được cả 2 bên chấp nhận, không thể đơn phương bên nào quyết định.
Chủ trương mở lại đường bay quốc tế thường lệ của Chính phủ là điều kiện hết sức thuận lợi giúp các hãng hàng không giảm bớt các chi phí, chủ động xây dựng lịch bay, mở bán vé 2 chiều vận chuyển khách. Trước đây, khi thực hiện các chuyến bay “giải cứu”, thuê chuyến, chi phí phục vụ các chuyến bay này rất tốn kém, nhất là ở các đầu bay nước ngoài có giá dịch vụ cao. Khi bay thường lệ, chi phí các hãng hàng không sẽ giảm bớt, là cơ sở điều chỉnh hạ giá vé để hành khách đi lại thuận lợi.
Đại diện các hãng hàng không thừa nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc các hãng vẫn chưa được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ đường bay, số chuyến bay đến thị trường nào. Lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định, hãng vẫn đang tiếp tục làm việc với các nhà chức trách để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch bay. Đồng thời, định hướng xây dựng mạng bay quốc tế giai đoạn sau phục hồi Covid-19 bao gồm việc chủ động triển khai sớm trên cơ sở chính sách về mở cửa biên giới của Chính phủ; đưa tải nhanh, sớm với mục tiêu giành thị phần trên cơ sở bù đắp chi phí biến đổi; ưu tiên khai thác các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, các đường bay có dung lượng thị trường lớn trong quá khứ để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường; ổn định khai thác các đường bay dài tới châu Âu, Australia, Mỹ với lợi thế đội tàu bay thân rộng hiện đại.
Sau khi thị trường phục hồi và không phải quy định hạn chế số chuyến bay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu sẽ phục hồi lại sớm nhất tần suất khai thác như trước khi đại dịch xảy ra. Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng tiết lộ, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu trên thế giới đều dự báo khách du lịch và thăm thân sẽ là đối tượng khách hồi phục sớm nhất sau đại dịch. Trên cơ sở đó, ngành hàng không, du lịch sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các quốc gia đối tác cũng đang rất quan tâm đến việc mở lại đường bay quốc tế, tuy nhiên họ vẫn cân nhắc một số vấn đề, trong đó có vấn đề về nhu cầu kiểm dịch có bảo đảm thuận lợi không, việc các hãng bay của họ đến Việt Nam có được ưu tiên hỗ trợ không? Ngoài ra, các nước cũng cân nhắc bố trí số chuyến phân bổ của nước mình, phân bổ cho hãng nào khai thác? Cục Hàng không Việt Nam đang tích cực triển khai các công việc để sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao.