Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, tiếp tục giữ vững ổn định và an toàn hệ thống ngân hàng

NDO - Sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thách thức, phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, ý chí, đạo đức con người Việt Nam để vượt qua mọi thử thách; tiếp tục giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại sáng 16/10 tại Trụ sở Chính phủ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; gần 70 đại biểu là Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại trên cả nước.

Phát biểu ý kiến mở đầu buổi gặp mặt, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ rất vui được gặp mặt, chúc mừng và trao đổi, gửi gắm niềm tin và kỳ vọng đối với các đồng chí Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại.

Sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, tiếp tục giữ vững ổn định và an toàn hệ thống ngân hàng ảnh 1

(Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, tất cả chúng ta đều mong muốn, hệ thống ngân hàng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức rất lớn hiện nay và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Đặc biệt hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua có sự nỗ lực đóng góp quan trọng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó các ngân hàng thương mại đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi đến quý vị đại biểu, đồng chí Thống đốc, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Ngân hàng lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, tiếp tục giữ vững ổn định và an toàn hệ thống ngân hàng ảnh 2

(Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 4/8, Thủ tướng cùng Ban Lãnh đạo NHNN đã có buổi làm việc với lãnh đạo các ngân hàng thương mại để cùng trao đổi, đánh giá về thực trạng tình hình và chuyển tải 2 thông điệp chính: nỗ lực tiết giảm chi phí, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng và nền kinh tế; chủ động, tích cực tham gia các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là chương trình tín dụng nhà ở xã hội.

Tại buổi gặp mặt này, cùng với 2 thông điệp trên, Thủ tướng mong muốn chúng ta cùng bàn kỹ, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm về 3 nội dung trọng tâm: chúc mừng lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, cảm ơn về sự đóng góp kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch; đánh giá thực trạng tình hình hệ thống ngân hàng 9 tháng đầu năm 2022, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, vừa suy nghĩ trước mắt và cả lâu dài; xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, tiếp tục giữ vững ổn định và an toàn hệ thống ngân hàng ảnh 3
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt khả năng dự báo, khó khăn hơn nhiều so với cuối năm 2021 khi chúng ta xây dựng kế hoạch năm 2022: đó là, cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra và kéo dài, tác động tất cả các lĩnh vực, ảnh hưởng cả thế giới; hậu Covid-19 vẫn tác động nặng nề; lạm phát tăng cao, xu hướng tăng mạnh lãi suất; thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bị thu hẹp; giá cả nguyên vật liệu, năng lượng tăng cao; thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước đến suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái, mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt cực đoan, nhất là ở khu vực miền trung đang bị ảnh hưởng thiên tai, ngập lụt nặng nề…

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế chịu tác động rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua; trong khi nền kinh tế có độ mở lớn; khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế trước những tác động, áp lực rất lớn từ bên ngoài. Chỉ một tác động nhỏ, diễn biến nhỏ cũng tác động lớn tình hình trong nước.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện thế giới, trong nước gặp nhiều khó khăn.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra ngày càng nặng nề: vừa phải nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều; đồng thời tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, đột xuất, bất ngờ; ứng phó kịp thời với những biến động tình hình thế giới, trong nước.

Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh rất khó khăn đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh kết quả nổi bật: kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện thế giới, trong nước gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng chia sẻ, trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành Ngân hàng. Nhìn chung, ngành Ngân hàng đã thực hiện rất tốt, đồng thời 2 nhiệm vụ: vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng đánh giá cao ngành ngân hàng đã luôn ứng phó kịp thời những khó khăn, thách thức từ bên ngoài và bên trong trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, thách thức, hạn chế, yếu kém, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực vượt qua.

Sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, tiếp tục giữ vững ổn định và an toàn hệ thống ngân hàng ảnh 4
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn; cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột ở Ukraine tiềm ẩn nguy hiểm hơn; lãi suất cao, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài, nhiều quốc gia phải đối mặt với nguy cơ suy thoái; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, mất an ninh năng lượng, lương thực rất hiện hữu…; các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong cả năm 2022 và 2023.

Thủ tướng bày tỏ, trong bối cảnh đó, cùng với những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế càng tạo ra những khó khăn, thách thức lớn hơn đối với công tác chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực, nhất là về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng và đây cũng là lĩnh vực khó khăn nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Chúng ta cần tránh 2 khuynh hướng hoang mang, lo sợ hoặc lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; vì vậy, càng khó khăn, thách thức thì chúng ta càng phải nỗ lực khắc phục; sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thách thức, phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, ý chí, đạo đức con người Việt Nam để vượt qua mọi thử thách; tiếp tục giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá doanh nghiệp, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các NHTM nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam; cảm ơn các NHTM đã đồng hành cùng đất nước, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, không để ai bị bỏ lại phía sau; đề nghị NHNN nghiên cứu tiếp thu tối đa các kiến nghị của các NHTM, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan.

Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được 9 tháng đầu năm 2022 và thời gian qua khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia; hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động ngân hàng gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế mới ổn định và phát triển, cuộc sống của người dân, doanh nghiệp mới ổn định được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Hoạt động ngân hàng gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế mới ổn định và phát triển, cuộc sống của người dân, doanh nghiệp mới ổn định được. Ngược lại, nền kinh tế có ổn định, phát triển thì hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, an toàn hiệu quả. Mối quan hệ này gắn bó mật thiết, quan trọng với nhau.

Thủ tướng nhấn mạnh một sự kiện mới đây: Giải Nobel kinh tế năm nay được trao cho các nhà kinh tế học nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính; trong đó chỉ ra rằng khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ khủng hoảng ngân hàng; điểm cố hữu của hệ thống ngân hàng cũng có thể là nguồn gốc gây ra khủng hoảng kinh tế kéo dài và đòi hỏi cần có chính sách quản lý đặc biệt và phù hợp tình hình. Việc này có tính thời sự và càng khẳng định vai trò của ngân hàng.

Về những kết quả chủ yếu của ngành Ngân hàng, Thủ tướng nhấn mạnh: điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; mặt bằng lãi suất, tỷ giá đến giờ này cơ bản ổn định. NHNN chỉ tăng lãi suất điều hành thêm 1%; tăng 0,3%-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND từ ngày 23/9/2022; giá trị tiền Việt Nam mất giá gần 5% so với USD, thấp hơn so với khu vực: Bath Thái Lan mất giá 12,43%, Yên Nhật mất giá 23,43%, Won Hàn Quốc mất giá 18,51%, Nhân dân tệ Trung Quốc mất giá 11,62%.

Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh, cần bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021); trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025; tập trung hoàn thiện thể chế, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; bảo đảm đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ xấu tiềm ẩn là 5,41%, giảm 0,89% so cuối năm 2021.

Hệ thống các NHTM đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính: tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng; của 4 NHTM nhà nước đạt trên 7 triệu tỷ đồng. Các NHTM đã chủ động, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bằng nhiều biện pháp. Đến cuối tháng 7/2022, cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ 722 nghìn tỷ đồng với 1,1 triệu khách hàng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ 92,4 nghìn tỷ đồng với 565 nghìn khách hàng.

Hệ thống các NHTM đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính: tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng; của 4 NHTM nhà nước đạt trên 7 triệu tỷ đồng. Các NHTM đã chủ động, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bằng nhiều biện pháp. Đến cuối tháng 7/2022, cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ 722 nghìn tỷ đồng với 1,1 triệu khách hàng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ 92,4 nghìn tỷ đồng với 565 nghìn khách hàng.

Hệ thống NHTM đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến tháng 8/2002, giao dịch qua thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 33,21% về giá trị so với cùng kỳ; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 83,7% về số lượng và tăng 33,4% về giá trị. Đặc biệt, các NHTM đã luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế và đóng góp lớn vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Ngân hàng. Những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng là rất tích cực, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức đối với ngành Ngân hàng, đó là:

Việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức từ bên ngoài: tình hình thế giới diễn biễn nhanh, phức tạp; lạm phát, lãi suất tăng cao; nhiều đồng tiền mất giá mạnh. Trong khi đó quy mô kinh tế nước ta còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế; doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề sau 2 năm dịch Covid-19. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức tín dụng.

Hệ thống các NHTM có tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý, công nghệ nhiều NHTM còn lạc hậu. Còn hiện tượng sở hữu chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh, tính công khai, minh bạch chưa cao. Công tác thanh tra, giám sát của ngân hàng còn chưa chủ động, sâu sát, kịp thời, còn để xảy ra sai phạm.

Một số NHTM yếu kém phải quyết liệt xử lý, mặc dù rất khó khăn, cần nguồn lực. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn đang gặp nhiều thách thức, rủi ro cần được quan tâm, xử lý hiệu quả. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% triển khai chậm, hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân, cần khắc phục triệt để thời gian tới. Điều này đặt ra cho chúng ta phải có giải pháp khắc phục.

Lãnh đạo NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai thực hiện những nhiệm vụ tại buổi làm việc ngày 4/8/2022 với tinh thần: “Nỗ lực tiết giảm chi phí, ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với đất nước, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm và thời gian tới:

Dự báo tình hình sắp tới tiếp tục khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, từ đó chúng ta phải chuẩn bị thời cơ, tâm thế, nguồn lực để vượt qua mọi khó khăn. Trong đó, coi trọng đoàn kết là truyền thống quý báu, vô giá; đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn nữa. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu:

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả với các chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển. Triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh xử lý các NHTM yếu kém. Rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Tăng cường thanh tra, giám sát; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ; cảnh báo rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai thực hiện những nhiệm vụ tại buổi làm việc ngày 4/8/2022 với tinh thần: “Nỗ lực tiết giảm chi phí, ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với đất nước, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

Đối với NHNN, Thủ tướng yêu cầu:

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, giảm lãi suất hiệu quả đối với các đối tượng ưu tiên, phản ứng chính sách kịp thời hơn. Đối với NHTM, phải tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hệ thống. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch tập trung cho các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai Basel II. Phát triển mạng lưới; nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng; thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh. Tiếp tục đề cao trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa,vì cộng đồng.

Đối với các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với NHNN để giải quyết các vấn đề liên quan, nhất là những đề xuất, kiến nghị của các NHTM tại cuộc gặp này; theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới tác động Việt Nam, trong đó có chính sách tiền tệ, tài khóa, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp.

Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ: Đảng, Nhà nước luôn nhất quán bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân; luôn bảo vệ và khuyến khích những doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, làm ăn tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật, làm giàu chính đáng, minh bạch, hiệu quả cho bản thân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no; đồng thời xử lý nghiêm những người làm sai, vi phạm Hiến pháp và pháp luật, lợi dụng chính sách để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí để bảo vệ người làm đúng, bảo vệ sự cạnh tranh đúng pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.