Sẵn sàng các phương án bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh

NDO -

Sau hơn một tháng triển khai, Tổ công tác 970 đã kết nối và giúp tiêu thụ thành công khoảng 300-400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày trên 1.000 tấn. Dự kiến, lượng tiêu thụ hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP Hồ Chí Minh hoạt động trở lại.

 Dự kiến, lượng tiêu thụ hàng hóa tiếp tục tăng khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP Hồ Chí Minh hoạt động trở lại.
Dự kiến, lượng tiêu thụ hàng hóa tiếp tục tăng khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP Hồ Chí Minh hoạt động trở lại.

Đó là những thông tin được Tổ công tác 970 báo cáo tại cuộc họp Sơ kết về công tác kết nối và tiêu thu sản phẩm các tỉnh phía nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 9/9.

Lên sẵn kịch bản cho chu kỳ sản xuất mới sau giãn cách

Theo báo cáo, sau hơn 1 tháng hoạt động, Tổ công tác phía nam Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã bảo đảm được nguồn cung ứng nông sản, và lên sẵn kịch bản cho chu kỳ sản xuất mới sau giãn cách.

Tính đến ngày 8/9, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối được 1.420 đầu mối cung cấp nông sản. Cụ thể: rau củ quả (389 đầu mối), trái cây (370), thủy hải sản (514), lương thực (83), còn lại các các mặt hàng khác.

So với ngày đầu thực hiện kết nối tiêu thụ nông sản (19/7), số lượng đầu mối tăng gần 100 lần. Số lượng này tăng nhanh trong nửa tháng đầu. Đến cuối tháng 7/2021, Tổ công tác 970 đã kết nối được 552 đầu mối, và giữa tháng 8/2021 là hơn 1.100 nhà cung cấp.

Song song với việc xây dựng mạng lưới nhà cung cấp, Tổ công tác 970 còn kết nối cung - cầu qua trang web: https://htx.cooplink.com.vn. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web.

Dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP Hồ Chí Minh hoạt động trở lại.

Công tác chỉ đạo điều hành ổn định sản xuất cũng được Tổ công tác 970 đặc biệt lưu tâm. Tại vựa lúa chính của cả nước - đồng bằng sông Cửu Long, Tổ đã hỗ trợ 13 tỉnh trong khu vực đạt sản lượng 16,86 triệu tấn lúa, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự kiến, sản lượng những tháng còn lại là 8,78 triệu tấn. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo, bảo đảm yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

Sẵn sàng các phương án bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh -0
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An báo cáo tại cuộc họp. 

Riêng trong tháng 8, thu hoạch lúa hè thu vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 400.000 ha, năng suất 5,76 tấn/ha, với sản lượng 2,3 triệu tấn. Đến hết tháng 8, lúa thu đông đã gieo sạ 500.000 ha, đạt 70% so với kế hoạch, ước cả vụ sẽ xuống giống 700.000 ha.

Về rau, sản lượng vùng ước đạt 3,83 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch những tháng còn lại là 54.000 ha với khoảng 986.000 tấn. Ngoài việc cung ứng cho vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long còn gần 1,5 triệu tấn rau củ các loại cần được tiêu thụ.

Về trái cây, sản lượng thu hoạch trái cây đạt 4 triệu tấn. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là khoảng 1,75 triệu tấn . Trái cây là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong mùa dịch khi có gần 400.000 tấn cần được tiêu thụ trong tháng 9 và hơn 1,3 triệu tấn cần tiêu thụ đến tháng 12/2021 nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.

Về lợn, tổng đàn ước đạt 8 triệu con, sản lượng 869.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là 430.000 tấn.

Về gia cầm, tổng đàn ước đạt 154,7 triệu con, sản lượng 343 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến tổng đàn những tháng còn lại là 154 triệu con, sản lượng 171 nghìn tấn.

Về trứng, sản lượng ước đạt 3,9 tỷ quả, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến, sản lượng những tháng còn lại là 2 tỷ quả.

Về thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,006 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tôm nước lợ ước đạt 579.000 tấn; cá tra ước đạt 857 nghìn tấn. Dự kiến, sản lượng những tháng còn lại là 1,526 triệu tấn.

Sản lượng nông sản thu hoạch 8 tháng đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân 19 tỉnh, thành phố Nam Bộ. Thời gian tới, công tác chỉ đạo điều hành sản xuất vẫn được duy trì, bảo đảm sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Chương trình hỗ trợ an sinh của Tổ công tác 970 đã huy động được 32.000 phần quà cho người dân tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, với tổng khối lượng lương thực, thực phẩm gần 500 tấn, trị giá trên 7 tỷ đồng.

Những khó khăn cần sớm tháo gỡ

Bên cạnh những việc đã làm được, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo một số khó khăn trong thời gian tới, như nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn của vụ đông xuân, giá bán của một số vật nuôi, trong đó có gà công nghiệp chưa được cải thiện, hay tái sản xuất các nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản để đáp ứng "3 tại chỗ"...

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận ba nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là: Phương thức phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ; Tăng cường đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh; Xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách xã hội cho 19 tỉnh, thành phố Nam Bộ.

Tổ công tác 970 cũng đề nghị tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, UBND các tỉnh, thành phố trong công tác tiêm vaccine với đối tượng sản xuất trực tiếp; và các quy trình tổ chức sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản, vật nuôi, thủy sản.

Sẵn sàng các phương án bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh -0
 Các đại biểu chia sẻ những khó khăn trong việc cung ứng các sản phẩm, thực phẩm.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam để nghị các đại biểu dự họp có ý kiến đánh giá cụ thể về quá trình thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ của tổ công tác. Cụ thể là sự phối hợp của Tổ công tác 970 đối với các sở ngành, các bộ trong các hoạt động điều phối duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi giá trị, và tạo điều kiện để tiêu thụ nông sản... xem còn vấn đề gì cần hoàn thiện để Tổ công tác rút kinh nghiệm.

Thứ trưởng Nam cũng cho biết, sau cuộc họp này sẽ có báo cáo Chính phủ về kết quả của Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành trong thời gian giãn cách.

Về việc gieo sạ vụ đông xuân, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, hiện nay chuẩn bị bước vào mùa gieo sạ của vụ đông xuân, vụ lúa chủ lực của chúng ta, Thứ  trưởng đề nghị các đại biểu xem xét có những vấn đề gì còn vướng mắc có ý kiến kiến nghị để có phương án chuẩn bị thật tốt cho vụ lúa đông xuân được thuận lợi.

Nhắc việc chăn nuôi thủy sản cũng đang còn tồn tại nhiều vấn đề vướng mắc, Thứ trưởng đề nghị các Hiệp hội trao đổi xem còn những vướng mắc là gì đề các bên cùng nhau tháo gỡ.

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương phía nam về tình hình sản xuất do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đang có dấu hiệu chậm lại, Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu thảo luận để đưa ra phương án đẩy mạnh sản xuất trong những tháng tới.

Tại cuộc ngành nông nghiệp các tỉnh đề xuất Tổ công tác kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước, trong đó ưu tiên cho khôi phục sản xuất nông nghiệp trong và sau đại dịch Covid 19 để có căn cứ và cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các địa phương.