Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa ra mắt vở "Chúa tể rừng xanh", gửi gắm thông điệp ý nghĩa về lòng nhân ái và tình đoàn kết tạo nên sức mạnh. Với kết cấu gồm ba phần: "Ngày hội tranh tài", "Lên ngôi Chúa tể", "Ngôi nhà chung", vở xiếc kể về câu chuyện diễn ra trong khu rừng già có nhiều loài muông thú sống chung. Việc phân chia lãnh thổ, tranh giành thức ăn, thú lớn bắt nạt thú bé khiến sự công bằng không được bảo đảm.
Vì vậy, các loài thú đã đưa quyết định hằng năm tổ chức ngày hội tranh tài để chọn ra con thú mạnh nhất làm chúa tể rừng xanh, có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, công bằng cho muôn loài trong khu rừng... Câu chuyện này đã trở thành cái cớ để những tiết mục xiếc thú như xiếc chó, mèo, lợn, dê, ngựa, trâu, khỉ... được phô diễn, kết hợp nhuần nhuẫn với các tiết mục đặc sắc đu dây, đu bay, thăng bằng trên dây thép chùng, tung hứng, ảo thuật... được thực hiện bởi những nghệ sĩ xiếc tài năng khi hóa trang thành các động vật hoang dã.
Khán giả nhí ồ lên thích thú khi lợn cũng có thể băng mình qua vòng lửa, hay khi câu chuyện hai chú dê cùng tranh nhau qua cầu đã được xử lý thỏa đáng bằng cách một chú dừng lại, đứng im để chú kia lấy đà phi qua mình…
Là tác giả kiêm đạo diễn vở xiếc, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Nội dung chương trình xiếc được xây dựng trên cơ sở tìm hiểu các bài học trong sách giáo khoa và những câu chuyện cổ tích gần gũi với lứa tuổi các em. Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, tuân thủ theo công ước quốc tế về hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc, Liên đoàn đã chuyển hướng tập trung phát triển xiếc thú nuôi, gần gũi với con người.
Việc kết hợp các tiết mục xiếc thú nuôi và phần trình diễn của các nghệ sĩ xiếc trong các bộ lốt thú hoang dã là cách tiếp cận mới giúp bảo đảm yêu cầu thực tế, tăng tính hấp dẫn của chương trình cũng như khả năng tương tác của diễn viên với khán giả. Đây cũng là bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm nghệ thuật xiếc thú dự kiến biểu diễn phục vụ trẻ em theo lịch cố định thứ năm hằng tuần, phục vụ các buổi ngoại khóa của các trường...
Nhân dịp này, Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt loạt chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mùa hè yêu thương" mang đến các em nhỏ món quà tinh thần nhiều ý nghĩa. Chương trình bao gồm các vở diễn đặc sắc được chọn lọc và dàn dựng mới, là cơ hội kết nối sự chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau của mỗi thành viên trong gia đình thông qua nghệ thuật sân khấu.
Chương trình được Nhà hát Tuổi trẻ dành "khung giờ vàng" vào tối thứ bảy hằng tuần để biểu diễn cho các khán giả nhí trong không gian nghệ thuật lung linh, rực rỡ, cùng giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng. Chương trình có ba tác phẩm sân khấu: Nhạc kịch "Bầy chim thiên nga", vở kịch "Cuộc chiến virus" và vở kịch "Vaxilixa và Phù thủy độc ác".
"Bầy chim thiên nga" được chuyển thể lên sân khấu từ tác phẩm nổi tiếng cùng tên của đại văn hào Hans Christian Andersen. Câu chuyện kể về nàng công chúa Lido xinh đẹp và tội nghiệp bị mụ phù thủy độc ác hãm hại khiến họ phải chia lìa. Nhờ sự giúp đỡ của bà Tiên cùng những người bạn muông thú tốt bụng và tình yêu thương, hai anh em nàng công chúa đã hóa giải các phép màu độc ác để trở về với cuộc sống bình thường.
Với nhiều tình tiết hài hước, vui nhộn, tiểu phẩm "Cuộc chiến virus" kể về cuộc đấu tranh của muông thú với những con virus nguy hiểm, trả lại bình yên cho khu rừng, vở diễn mang đậm tính nhân văn, giáo dục giúp nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, vệ sinh bản thân, tình đoàn kết và lòng dũng cảm. Trong khi đó, vở "Vaxilixa và Phù thủy độc ác" được chuyển thể từ câu chuyện "Hai cây phong" của nhà văn Eugene Schwartz, kể về chuyến hành trình của một người mẹ đi tìm hai đứa con ham chơi bị lạc lối trong khu rừng rậm. Bằng tình mẫu tử, sự đoàn kết, giúp đỡ của mọi người, hai em nhỏ đã trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Hòa chung không khí, Nhà hát Kịch Hà Nội đã sẵn sàng phục vụ khán giả nhí với vở "Hai viên ngọc thần" lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Việt Nam. Sân khấu kịch xã hội hóa Lệ Ngọc cũng đang "đỏ đèn" với nhiều suất diễn của vở "Dế Mèn". Đợt này, các đơn vị sân khấu phía nam đã lên kế hoạch biểu diễn hàng loạt chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi, tiêu biểu như Sân khấu Idecaf với vở "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá"; Nhà hát kịch 5B với vở "Bộ lạc nanh trắng"...
Có thể thấy, sân khấu thiếu nhi đang quay trở lại với thực đơn nghệ thuật phong phú. Bên cạnh những chương trình, vở diễn vẫn còn sức nóng được dựng lại để phục vụ thiếu nhi, nhiều đơn vị đã dàn dựng và cho ra mắt những sản phẩm nghệ thuật hoàn toàn mới. Theo các chuyên gia, nhu cầu được thư giãn, giải trí của các em nhỏ trong hè này đang rất lớn, đặc biệt là sau thời gian dài phải ở nhà học trực tuyến vì dịch bệnh.
Bởi thế, đây là thời điểm vàng để kéo khán giả nhỏ tuổi đến với sân khấu thông qua những dự án nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn. Đó là cách để mùa hè của các em thêm ý nghĩa, cũng là giải pháp để nuôi dưỡng công chúng tương lai cho sân khấu, giúp sân khấu "sáng đèn" trở lại sau kỳ "ngủ đông" kéo dài.