Ở Hà Nội, đều đặn trong tám năm qua, các em nhỏ của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketcher Hanoi) dành thời gian theo cha mẹ ra phố hoặc lên rừng, xuống biển để vẽ phong cảnh thiên nhiên, di sản kiến trúc… thay vì chỉ “làm bạn” với sách vở hay ti-vi, điện thoại thông minh suốt kỳ nghỉ hè.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, hội họa giúp rèn luyện khả năng quan sát, trí nhớ, khả năng tưởng tượng và giúp trẻ nhỏ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ về thế giới chung quanh. Phụ huynh của các em có cả họa sĩ chuyên nghiệp, có cả những người làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đều chung quan điểm là vẽ tranh mang lại rất nhiều lợi ích, nên tạo môi trường nghệ thuật cho các con cảm thụ và học hỏi từ sớm.
Từ năm 2015 đến nay, năm nào nhóm cũng tổ chức ít nhất một triển lãm ở Thủ đô vào dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 với tên gọi “Bé vẽ Hà Nội”. Năm nay, triển lãm “Bé vẽ Hà Nội” diễn ra tại Phố sách Hà Nội trưng bày 60 bức ký họa của 30 tác giả nhí độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi.
Trước đó, hơn 400 bức tranh của thiếu nhi toàn quốc được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội) là thành công của cuộc thi và triển lãm Tranh thiếu nhi toàn quốc năm 2023 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động. Hơn 38.000 bức tranh của 515 đơn vị trường học, nhà văn hóa thiếu nhi, các trung tâm mỹ thuật thuộc 44 tỉnh, thành phố trên toàn quốc gửi về tham dự với chất lượng khá đồng đều.
Một cuộc thi và triển lãm khác cũng đa sắc màu và cảm xúc là “Những sắc màu cuộc sống” do Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam phối hợp hệ thống Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel tổ chức, thu hút thiếu nhi từ hàng chục trường học khắp Hà Nội tham gia.
Thạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Thị Huyền (Giảng viên Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), một thành viên Ban Giám khảo cuộc thi nhận định: “Cách nhìn riêng của trẻ con nhìn chung là ngây thơ, trong trẻo, có thể vẽ những góc cảnh nhỏ hoặc chỉ một ý tưởng nào đó bất chợt nhưng luôn có thể gây bất ngờ cho người lớn.
Ở độ tuổi tiểu học, các em thường vẽ tả thực, vẽ những gì mình yêu thích, trong khi các học sinh lớn bắt đầu có những suy nghĩ, ý tưởng mang triết lý cuộc sống rõ ràng hơn, đề cập những vấn đề nóng trong cuộc sống như môi trường, công nghệ…”.
Ngày 29/6, diễn ra lễ trao giải và trưng bày các tác phẩm đoạt giải cuộc thi vẽ tranh “Ngôi nhà mơ ước” do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức, tiếp tục nối dài những không gian hội họa ý nghĩa cho thiếu nhi. Trong khuôn khổ chương trình, những bức vẽ xuất sắc nhất được đấu giá để gây quỹ ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong dự án “Thắp sáng những ước mơ” (do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khởi xướng từ năm 2014, hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau như trẻ em khó khăn vùng biên giới, hải đảo; trẻ em dân tộc thiểu số…).
Bên cạnh các cuộc thi, hoạt động tham quan và giáo dục nghệ thuật cũng được các bảo tàng, trường học thiết kế và triển khai cho trẻ em thuộc nhiều nhóm tuổi. Có thể kể đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (quận Cầu Giấy), hay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (quận Ba Đình) với nhiều chương trình phong phú và đều đặn, từ tìm hiểu hiện vật sưu tập trong Bảo tàng cho đến các buổi hướng dẫn thực hành in tranh, vẽ tranh trên nhiều chất liệu.
Nhiều di sản văn hóa Việt Nam như tranh dân gian Đông Hồ hay nghệ thuật sơn mài được giới thiệu một cách hấp dẫn, tự nhiên, giúp trẻ em thêm hiểu và thêm yêu văn hóa dân tộc. Chị Ngọc Lan (Cầu Giấy, Hà Nội), người mẹ đã đồng hành cùng hai con trong các khóa mỹ thuật hè tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Dù khi lớn lên con có theo đuổi đam mê hội họa hay không, tôi cũng tin rằng việc học vẽ không chỉ trang bị cho con kiến thức cơ bản về màu sắc, hình khối, mà còn hơn thế nữa là rèn luyện tính kiên nhẫn, sáng tạo, cùng sự yêu thích và trân trọng dành cho nghệ thuật”.