Sân bay Biên Hòa giảm mức độ ô nhiễm về mức dưới 300ppt TEQ

NDO -

Chiều 15/6, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa với sự phối hợp của Liên danh Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường, nay là Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường - NACCET (Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Haemers (Vương quốc Bỉ).

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến) có gần 70 khách mời là đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường và xử lý nhiễm độc dioxin tại Việt Nam.

Sân bay Biên Hòa là một trong những điểm nóng ô nhiễm dioxin có nồng độ cao nhất tại Việt Nam. Căn cứ Biên bản ghi nhớ giữa hai bên, hoạt động hợp tác thử nghiệm xử lý dự kiến diễn ra từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020. Diện tích khu vực thử nghiệm khoảng 2000m2.

Mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động thử nghiệm là chứng minh hiệu quả của thiết kế và công nghệ xử lý Smart BurnersTM để xử lý đất nhiễm dioxin về ngưỡng dioxin và furan mục tiêu ở các vị trí xác định, cụ thể là giảm mức độ ô nhiễm về mức dưới 300ppt TEQ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian triển khai thực tế diễn ra từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2022. Giai đoạn xử lý chính thức bắt đầu từ ngày 2/2/2022, kết thúc vào ngày 14/3/2022. Sau 40 ngày xử lý, nhiệt độ mục tiêu 335­ độ C đã đạt được và duy trì trong mố gia nhiệt trong 5 ngày.

Chúc mừng những kết quả đã đạt được của Liên danh Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và Tập đoàn Haemers (Vương quốc Bỉ), theo Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, những kết quả nói trên cùng với các hoạt động thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin khác đã tạo tiền đề để Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan tìm kiếm, lựa chọn công nghệ có tính khả thi nhất để triển khai áp dụng xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa; xây dựng nền tảng, hạ tầng công nghệ, kỹ thuật để xử lý ô nhiễm dioxin trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở các nội dung thảo luận, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, khách mời tham dự, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và Tập đoàn Haemers sẽ phối hợp để hoàn thiện nội dung báo cáo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các cơ quan chức năng liên quan xem xét áp dụng công nghệ giải hấp nhiệt đã được thử nghiệm làm công nghệ chính để xử lý đất nhiễm dioxin tại Việt Nam.