Sách nói - động lực số hóa ngành xuất bản trong thời đại 4.0

NDO - Không nằm ngoài xu thế phát triển của các xuất bản phẩm điện tử trên thế giới, sách nói ngày càng được ưa chuộng ở nước ta, đáp ứng kịp thời những thay đổi trong hành vi của người dùng theo hướng tiện dụng và hiện đại hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển sách nói là một trong những vấn đề nổi bật được bàn luận tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 5. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Phát triển sách nói là một trong những vấn đề nổi bật được bàn luận tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 5. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Với chủ đề “Hội Xuất bản Việt Nam, đổi mới, hội nhập và phát triển”, Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028 đã diễn ra vào ngày 12/7 tại Hà Nội. Bên cạnh đánh giá kết quả hoạt động trong khóa IV và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Hội cũng đã bàn luận về việc nâng cao văn hóa đọc, nâng cao chất lượng Giải thưởng sách Quốc gia, vấn nạn sách giả, số hóa ngành xuất bản,…

Trong số những nội dung được đề cập tại Đại hội, vấn đề phát triển thể loại sách nói đã thu hút nhiều sự quan tâm từ các đơn vị xuất bản và các cơ quan thông tấn, báo chí. Sách nói, một sự kết hợp giữa xuất bản truyền thống và công nghệ mới sẽ trở thành động lực, thúc đẩy ngành này thích ứng với quá trình chuyển đổi số nhanh chóng hơn.

Thị trường giàu tiềm năng

Báo cáo kết quả hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV, đồng chí Hoàng Phong Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội cho biết: “Trong 5 năm qua, các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản đã cố gắng nắm bắt xu thế phát triển hiện đại trên thế giới, nghiên cứu kỹ nhu cầu của bạn đọc. Sách mới, sách hot được đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội. Xuất hiện nhiều phương thức xuất bản và phát hành mới, đặc biệt là xuất bản gắn liền với phát hành sách nói, sách ngắn”.

Ở các quốc gia có nền văn hoá đọc phát triển, sách nói đã và đang nhận được nhiều sự chú ý của công chúng. Dần dần, ngành này trở thành mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực phát hành, xuất bản.

Theo Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh (APA), doanh thu sách nói toàn cầu đã tăng mạnh trong 10 năm qua. Ước tính, thị trường sách nói của thế giới sẽ đạt quy mô trên 30 tỷ USD vào năm 2030. Phản hồi này cho thấy, chuyển dịch từ vận hành truyền thống sang kỹ thuật số là hướng đi đúng đắn của ngành xuất bản.

Tại Việt Nam, sách điện tử, sách nói cũng đã ghi những dấu mốc ấn tượng vào suốt thời gian qua. Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, tổng kết năm 2022, có 3.200 xuất bản phẩm điện tử được phát hành, thu về 15 triệu lượt người sử dụng. Con số này tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc, tăng 59% so với năm 2021.

Nắm bắt thị hiếu của công chúng, nhiều nhà xuất bản đã xây dựng các nền tảng, ứng dụng về sách trên Internet. Độc giả có thể tiếp cận sách, báo bằng những nội dung được tích hợp đa phương tiện. Nhờ đó, các ấn phẩm mới, tri thức mới được truyền tải một cách thú vị và nhanh chóng.

Dù có sự bứt phá mạnh mẽ so với các loại hình xuất bản khác nhưng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, sách nói hiện chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong thị phần ngành xuất bản. Đây vẫn là thị trường giàu tiềm năng, cần có kế hoạch xây dựng và khai thác bài bản hơn.

Song song với việc thay đổi trong cách thức truyền tải nội dung, thị trường sách cũng cần mạnh dạn đón nhận những đổi mới về phương thức kinh doanh. Hiện nay, nhiều đơn vị phát hành sách nói đang kinh doanh theo 2 hình thức: bán theo từng cuốn và bán theo từng gói cước, thuê bao.

Trên thực tế, nhiều người còn e ngại sử dụng mô hình bán theo gói cước vì có thói quen mua sách truyền thống (mua theo cuốn) từ lâu. Điều này dẫn đến những hạn chế trong việc cung cấp, thử nghiệm các dịch vụ của nhà sản xuất sách nói đối với người dùng.

Muốn sách nói phát triển bền vững, các đơn vị xuất bản cần mạnh dạn đón nhận cái mới. Hiểu chính xác về quy mô thị trường sẽ giúp những cơ quan, doanh nghiệp có lộ trình phù hợp, đặc biệt là khi định giá bản quyền và kỳ vọng doanh thu. Đồng thời, độc giả cũng nên cởi mở, trao cơ hội cho những dịch vụ mới để gia tăng trải nghiệm mới mẻ, góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa đọc.

Khai thác hiệu quả AI để nâng cao chất lượng

Công nghệ thông tin tiến bộ đã mở ra cánh cửa lớn cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành xuất bản. Bên cạnh đọc văn bản theo cách thông thường, độc giả có thể trải nghiệm nội dung bằng âm thanh, hình ảnh, video. Nhờ đó, họ được tương tác nhiều hơn với tác phẩm, hiểu hơn về nội dung và thông điệp của sách.

Đối với loại hình sách nói, công nghệ giữ vai trò quan trọng trong công tác triển khai nội dung, quản lý đội ngũ và vận hành nền tảng. Có thể kể đến một số ứng dụng sách nói được ưa chuộng tại nước ta như Waka, VoizFM, Fonos, Reavol…

Rõ ràng, ưu điểm lớn nhất của trí tuệ nhân tạo trong sản xuất sách nói là tốc độ. Nếu không bàn về chất lượng, chỉ tính về số lượng thì trong một ngày, AI có thể sản xuất hàng trăm đầu sách nói. Thế nhưng, chất lượng vẫn là yếu tố tiên quyết đối với phát hành sách.

Tính đến nay, nhiều nền tảng đã thử nghiệm AI vào khâu đọc sách và nhận về nhiều phản hồi. VoizFM cũng là đơn vị thí điểm giọng đọc AI ở một số nội dung ngắn như mục Tóm tắt 30 giây. Song cả người dùng lẫn công ty sản xuất đều chưa hài lòng với kết quả mà hoạt động này mang lại.

Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WeWe, đơn vị sở hữu nền tảng VoizFM chia sẻ: “Thanh âm đi thẳng vào tâm hồn. Giọng đọc phải tốt mới có thể truyền tải trọn vẹn cảm xúc và nội dung của cuốn sách. Đây là điều mà trí tuệ nhân tạo chưa làm được”.

Sách nói - động lực số hóa ngành xuất bản trong thời đại 4.0 ảnh 2

Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WeWe trình bày tham luận về chủ đề sách nói tại Đại hội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Hiện nay, đa số nội dung trên ứng dụng này vẫn do con người thực hiện. Truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết văn học là các thể loại chiếm phần lớn thị phần lượt nghe. Những thể loại này càng đòi hỏi giọng đọc phải thể hiện đa dạng và chân thực các cảm xúc. Bởi sách nói không có sự bổ trợ từ hình ảnh và độc giả cũng chẳng thể dừng lại trên trang giấy để đọc lại câu, từ như sách thông thường.

Để sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả, các đơn vị phát hành sách nói cần thử nghiệm, chọn lọc kỹ lưỡng trước khi đưa các tính năng khai thác từ AI vào hoạt động. AI có thể giúp các nhà xuất bản sách nói xây dựng một môi trường kết nối trực tiếp với độc giả, tăng tính tương tác và tạo dựng cộng đồng thích nghe sách trực tuyến.

Ngoài ra, những giải pháp công nghệ cũng sẽ góp phần giải quyết hai bài toán khó của các cơ sở phát hành sách nói: chất lượng thu âm và tốc độ thẩm định nội dung. Hoạt động này sẽ giúp giảm bớt thời gian, tránh lãng phí về nguồn lực và kinh phí cho các đơn vị xuất bản.

“Trong năm nay, VoizFM sẽ ứng dụng AI vào khâu biên tập để rà soát các nội dung được chuyển hóa từ văn bản sang âm thanh, nhằm đảm bảo độ chính xác so với bản gốc. Chúng tôi cũng sẽ dùng AI trong việc phân tích dữ liệu để nắm bắt nhu cầu của người dùng. Từ đó, gợi ý những tác phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng và dự báo các sách có thể được chú ý trong tương lai để sớm thu mua bản quyền”, ông Lê Hoàng Thạch cho biết thêm.

Kích thích sức mua sách giấy bằng sách nói

Không chỉ trực tiếp tăng doanh thu cho ngành xuất bản, sách nói còn gián tiếp mang lại nguồn lợi cho ngành này bằng việc kích thích sức mua sách giấy và lan tỏa văn hóa đọc đến rộng rãi người dùng.

Khảo sát từ nền tảng sách nói Voiz FM cho thấy, gần 60% khách hàng của ứng dụng này đã mua thêm một bản sách giấy đối với những tác phẩm mà họ yêu thích.

Vì thế, có thể xem sách nói như một mảng bổ khuyết, nâng cao chất lượng trải nghiệm, hỗ trợ phát triển sách giấy thông qua việc giới thiệu các sản phẩm sách trên không gian trực tuyến.