Rút ngắn khoảng cách đào tạo - việc làm trong ngành du lịch

NDO -

Trải qua một thời gian dài tăng trưởng nhanh, thường xuyên diễn ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, sự chững lại của ngành du lịch do dịch bệnh Covid-19 được xem là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn lao động về chất lượng. Không chỉ đào tạo theo nhu cầu xã hội, chương trình đào tạo cần cần định hướng hội nhập, bảo đảm đáp ứng yêu cầu dịch chuyển lao động trong khu vực và quốc tế. 

Thí sinh dự thi nghề nấu ăn tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 (Ảnh minh họa: Chí Tâm).
Thí sinh dự thi nghề nấu ăn tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 (Ảnh minh họa: Chí Tâm).

Chất lượng không đồng đều 

Theo báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc gia về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” của trường Đại học Thương mại tổ chức tháng 6-2020, hiện nay, cả nước có khoảng 2,25 triệu lao động trong ngành du lịch. Trong đó, lao động trực tiếp khoảng hơn 750.000 người.

Sau một giai đoạn dài tăng trưởng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn diện với ngành du lịch, ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm người lao động. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo, cần phải mất từ hai tới ba năm nữa, ngành du lịch mới phục hồi bằng mức năm 2019. 

Bên cạnh cuộc khủng hoảng khách quan do dịch bệnh, ngành du lịch cũng luôn phải đối diện với những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực. Tại hội thảo “Đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch của Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã công bố các số liệu liên quan đến chất lượng lao động trong ngành. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2019, tỷ lệ lao động có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 0,37%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học khoảng 24%, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng khoảng 13%, tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp khoảng 14%, còn lại là trình độ khác. 

Thống kê đưa ra, chỉ có 45% lao động nghề đã qua đào tạo, chưa kể trong số đó, sẽ còn những số lượng lao động nhất định chưa đạt yêu cầu, đủ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng. 55% lao động còn lại thiếu kỹ năng/nghiệp vụ dẫn đến hiện trạng tất yếu là chất lượng lao động trong nhóm này không đáp ứng được yêu cầu của nghề. 

Ngoài kiến thức, kỹ năng về nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học đối với đối tượng lao động nghề còn rất hạn chế, ngoại trừ những nghề yêu cầu bắt buộc phải như hướng dẫn viên, lễ tân. 

Báo cáo này còn chỉ rõ: “Theo một nghiên cứu cho thấy, tuy có 60% lao động có kỹ năng tin học và có thể sử dụng các thiết bị máy tính, công nghệ, nhưng chỉ dừng ở mức đơn giản, cho thấy chất lượng còn rất mỏng ở khối lao động nghề”. 

Đào tạo theo tiêu chuẩn nghề nghiệp

Tại Việt Nam, du lịch là một một trong các lĩnh vực tham gia hội nhập sớm, cũng là một trong tám lĩnh vực tham gia thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau và thực hiện dịch chuyển lao động trong ASEAN. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, những năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Điều này đòi hỏi ngành du lịch phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức to lớn trong quá trình hội nhập. 

Ngay trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh này, ngành du lịch có thể tăng cường đào tạo để khi hồi phục hoàn toàn có thể cung cấp ra thị trường lực lượng lao động chuyên nghiệp, cạnh tranh được với lao động các nước, cũng như tự tin dịch chuyển trong khối ASEAN. Cơ sở để thực hiện việc nâng cao chất lượng chính là các bộ Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam VTOS và bảy Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo tiếp cận năng lực của các nghề trong lĩnh vực du lịch đã được ban hành trong thời gian qua. 

TS Ngô Trung Hà (Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus - Phân hiệu Hà Nội) cho rằng, ngành du lịch cần kết hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc chuyển hóa Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia vào thiết kế chương trình đào tạo, xây dựng bộ công cụ đánh giá và tổ chức đánh giá lao động nghề du lịch là rất cần thiết để bảo đảm đáp ứng đúng năng lực mà thực tế công việc trong du lịch đang đòi hỏi. Còn các cơ sở đào tạo cũng sẽ phải chuyển đổi chương trình và nội dung đào tạo theo tiếp cận năng lực. 

Bên cạnh đó, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, còn gợi mở việc ưu tiên tiếp tục phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động về du lịch khách sạn, và sử dụng các thông tin về thị trường lao động để xác định và phân tích xu hướng nghề nghiệp. Dữ liệu tốt về tuyển sinh, đầu ra khóa học và kết quả có thể được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy đổi mới và cải thiện hệ thống mạng lưới giáo dục đào tạo nghề du lịch khách sạn.

Mở rộng cơ hội tiếp cận việc làm cho giới trẻ cũng là giải pháp được ông Trịnh Cao Khải đưa ra. Lấy dẫn chứng như với nghề phục vụ buồng, ông cho rằng có thể xem xét phát động chương trình đại sứ nghề phục vụ buồng, chương trình mời các nhân vật tiêu biểu, các sinh viên có kỹ năng nghề cao cũng như những cựu sinh viên thành đạt tham gia các sự kiện, diễn đàn do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các địa phương tổ chức để giới thiệu về hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thành công. 

Hình thành nền tảng trực tuyến tương tác xã hội cho phép tiếp cận chương trình tốt hơn, chia sẻ về những tấm gương điển hình trong học nghề. Các đại sứ góp phần thay đổi nhận thức của số đông về học nghề phục vụ buồng, truyền tải những lợi ích từ việc học nghề như cơ hội việc làm, phạm vi lựa chọn công việc, khả năng nâng cao thu nhập… Từ đó, lan tỏa giá trị đích thực của giáo dục nghề nghiệp đến với mọi người.