Rộn ràng ngày hội việc làm tại Quảng Ngãi

Ngay những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, phiên mở hội việc làm thứ nhất đầu xuân Giáp Thìn 2024 do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức ngày 24/2 diễn ra khá sôi nổi. Trên khuôn mặt các bạn trẻ và người lao động, ai cũng háo hức, mong muốn tìm được công việc mới phù hợp trình độ và năng lực, có thu nhập ổn định.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn trẻ tìm hiểu kỹ ngành nghề phù hợp trước khi tham gia tuyển dụng.
Các bạn trẻ tìm hiểu kỹ ngành nghề phù hợp trước khi tham gia tuyển dụng.

Cầu nối cho tương lai

Anh Bùi Văn Lên, 38 tuổi, ở xã Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kiến trúc Ðà Nẵng chuyên ngành kỹ thuật xây dựng, những năm qua, dù làm việc cho nhiều công ty tư vấn ở Quảng Ngãi nhưng công việc không ổn định, thu nhập lại thấp nên năm 2023 anh đã bỏ việc. “Nghe thông tin tỉnh tổ chức hội việc làm, tôi đã đến tìm hiểu và nhận thấy có khá nhiều công việc phù hợp. Ðược tư vấn tận tình của đơn vị tuyển dụng lao động, tôi quyết định xin vào Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất. Hy vọng năm mới sẽ có công việc mới ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn”, anh Lên bày tỏ.

Ðược Công ty Trách nhiệm hữu hạn Millennium Furniture đóng tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi trao hợp đồng tuyển dụng trực tiếp tại hội việc làm đầu xuân Giáp Thìn 2024, anh Trần Minh Tường ở xã Tịnh Thiện, thành phố Quảng Ngãi hồ hởi: “Tìm được công việc mới phù hợp, tôi rất phấn chấn, bởi không những được công ty đào tạo nghề mà còn được đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm. Ðặc biệt, nếu phấn đấu làm việc, tôi sẽ có cơ hội thăng tiến cao, hằng năm được tăng lương”.

Ngày hội việc làm thu hút 24 doanh nghiệp tham gia, với nhu cầu cần tuyển dụng hơn 14.500 lao động, từ lao động phổ thông có tay nghề đến trình độ cao đẳng, đại học và đa dạng các nhóm ngành nghề ở các vị trí làm việc, mức lương từ 5-15 triệu đồng, tùy vị trí. Ðặc biệt, nhu cầu tuyển dụng năm nay của các doanh nghiệp đối với người lao động có trình độ bằng cấp, chứng chỉ chiếm hơn 49%.

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

Ðiều này khẳng định chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực; bên cạnh việc bảo đảm mức lương tốt, các nhà tuyển dụng cũng đưa ra các chính sách ưu đãi, những chế độ đãi ngộ để thu hút người lao động.

“Các bạn trẻ và người lao động đừng bỏ lỡ các phiên hội việc làm, hãy sử dụng cơ hội này một cách hiệu quả để tìm được công việc phù hợp. Cần trang bị thêm kỹ năng và kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động”, bà Nguyễn Thị Ánh Lan nhấn mạnh, ngày hội việc làm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, là cầu nối giúp thanh niên, người lao động ở Quảng Ngãi có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về thị trường lao động và tìm kiếm việc làm.

Rộn ràng ngày hội việc làm tại Quảng Ngãi ảnh 1

Niềm vui của các bạn trẻ khi được trao hợp đồng tuyển dụng ngay tại ngày hội việc làm.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Hoàng Tuấn, thị trường lao động ở Quảng Ngãi cơ bản ổn định và bảo đảm. Tình trạng hơn 4.000 lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022, đã giảm mạnh trong năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp chung của tỉnh luôn duy trì ở mức dưới 2%/năm, mức thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 1,53%, đạt mục tiêu đề ra.

“Thị trường lao động-việc làm ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều biến động. Nhu cầu tìm kiếm việc làm tương đối cao, song việc tuyển dụng cũng không hề dễ dàng, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; vẫn tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn nhìn nhận.

Ðể hướng tới xây dựng, phát triển thị trường lao động của tỉnh linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, đồng chí Trần Hoàng Tuấn đề nghị các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tập trung phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa; nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp; đầu tư phát triển trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động.

Ðồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả cho vay từ quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, đến các khu công nghiệp...

Ðối với doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề tuyển dụng hằng năm. Tích cực, chủ động sự ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, nỗ lực duy trì, tìm kiếm mở rộng thị trường, ký các đơn hàng mà doanh nghiệp có lợi thế; bảo đảm duy trì, tạo thêm việc làm.

Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, kinh phí công đoàn; thực hiện nghiêm túc các cam kết với người lao động theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và các thỏa thuận khác của doanh nghiệp...