Người có nhiều đóng góp cho công giáo
Là đảng viên, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, ông Nguyễn Văn Thời là người công giáo tiêu biểu, có nhiều đóng góp phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên và tâm huyết tập hợp, vận động đồng bào công giáo trên địa bàn sống tốt đời, đẹp đạo, yêu nước.
Đến nay, ông Thời đã xây dựng Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG với các nhà máy may mặc xuất khẩu mọc lên ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giải quyết việc làm thường xuyên cho 18 nghìn người với mức lương bình quân hơn 9 triệu đồng/người/ tháng. Công nhân TNG ly nông mà không ly hương, góp phần giảm áp lực về nhà ở, giao thông đối với xã hội.
Trong hơn hai năm dịch Covid-19, ông Thời ủng hộ hơn tỷ đồng và nhiều thiết bị y tế cho tỉnh.
Hầu hết các giáo xứ, giáo họ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều có đất xây dựng nhà thờ. |
Đảm nhiệm nhiều cương vị cùng lúc, ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ: “Bản thân phải chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; ở cương vị nào cũng nhiệt tình, trách nhiệm, nói đi đôi với làm và làm tốt các công việc của mình”.
Được giao nhiệm vụ, ông Thời là người trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng để thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên và đến nay đã tổ chức Đại hội 2 lần, lần nào ông cũng được hiệp thương bầu làm Chủ tịch. Thời gian qua, ông tích cực tập hợp, vận động chức sắc, chức việc công giáo tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo.
Căn cứ các quy định của pháp luật, ông Thời đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng soạn bộ thủ tục về đất đai gồm tám bước, được Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên chấp thuận để hướng dẫn các giáo xứ, giáo họ thực hiện thủ tục cấp đất xây dựng, mở rộng cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo.
Ông cũng là người đóng góp, hỗ trợ tích cực cho các giáo họ, giáo xứ trong việc làm các thủ tục để được cấp đất, hồ sơ thiết kế và kinh phí xây dựng nhà thờ công giáo. Đến nay, hầu hết các giáo họ, giáo xứ trên địa bàn tỉnh đều được cấp đất, xây dựng nhà thờ, điểm sinh hoạt công giáo.
Bí thư Huyện ủy Đại Từ Phạm Duy Hùng và Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên Hoàng Ngọc Hưng đều có chung nhận định, ông Nguyễn Văn Thời là người có trách nhiệm, có tâm, hiểu biết, uy tín, nhiệt tình và có điều kiện để đóng góp cho công giáo trên địa bàn tỉnh. Những việc làm của ông Thời góp phần cổ vũ, động viên nhiều chức sắc, chức việc công giáo thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm với giáo hội, gánh vác công việc của xã hội. Ông cũng là thành viên nhiệt tình, tích cực, trách nhiệm tại nhiều tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể các cấp và ở khu dân cư.
Đồng bào công giáo sống tốt đời, đẹp đạo
Như những năm trước, dịp Giáng sinh năm 2023, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Đoàn cán bộ đại diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thăm hỏi, chúc mừng chức sắc công giáo trên địa bàn. Ở huyện Đại Từ, sau khi Đoàn của tỉnh chúc mừng Giáng sinh tại nhà thờ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện còn đến một số gia đình giáo dân thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng Giáng sinh an lành, hạnh phúc.
Huyện Đại Từ có số đồng bào công giáo lớn thứ hai ở tỉnh Thái Nguyên với hơn 8.500 giáo dân, hơn 120 chức sắc, chức việc sinh hoạt ở hơn 20 giáo xứ, giáo họ, điểm nhóm giáo họ.
Những ngày này, bà con giáo dân đang rộn ràng chuẩn bị Giáng sinh năm 2023. |
Bí thư Huyện ủy Đại Từ Phạm Duy Hùng cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo trên địa bàn, trong đó có công giáo bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Nổi bật là chăm lo cho gia đình giáo dân nghèo xóa nhà tạm, tạo sinh kế lâu dài; giải quyết những nguyện vọng chính đáng, đúng pháp luật về đất đai để các giáo họ, giáo xứ xây dựng cơ sở thờ tự, chấp thuận tổ chức sinh hoạt tôn giáo.
Theo đồng chí Phạm Duy Hùng, công giáo du nhập vào địa bàn huyện từ khá sớm, bà con giáo dân có truyền thống, có kiến thức làm kinh tế, chăm chỉ, chịu khó, sinh hoạt nền nếp, gọn gàng, sạch sẽ và có cuộc sống khá. Trong cộng đồng, giáo dân hòa đồng, đoàn kết với khu dân cư và các tôn giáo khác; có đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Vào các dịp lễ trọng của đồng bào công giáo, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể huyện Đại Từ tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc mừng chức sắc, chức việc và giáo dân; thường xuyên tiếp xúc với chức sắc, chức việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc để bà con thực hành tốt đời, đẹp đạo. Ngược lại, các giáo xứ, giáo họ cũng tổ chức đoàn đại biểu chúc mừng huyện Đại Từ nhiều sự kiện quan trọng.
Công giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thuộc sự quản lý của giáo phận Bắc Ninh, toàn tỉnh có 9 giáo xứ, 65 giáo họ, 21 chức sắc (gồm 9 linh mục chính xứ, 3 linh mục phó xứ, 9 linh mục phụ tá) 458 chức việc, 30.700 giáo dân, 49 nhà thờ.
Những năm vừa qua, các cấp, các ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhu cầu hợp pháp, chính đáng của bà con công giáo về đất đai xây dựng cơ sở thờ tự, điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, chấp thuận sinh hoạt tôn giáo tập trung.
3 năm gần đây đã chấp thuận 10 nhóm giáo dân, giáo họ sinh hoạt tập trung. Dự kiến thời gian tới, chính quyền sẽ công nhận thêm 7 giáo họ sinh hoạt tôn giáo tập trung. Đến nay, hầu hết các giáo xứ, giáo họ đều có đất xây dựng nhà thờ, điểm sinh hoạt công giáo.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Thái Hanh cho biết: Với phương châm sống tốt đời, đẹp đạo, người công giáo tốt cũng là người công dân tốt, đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh gắn bó với địa phương, quê hương, có nhiều đóng góp, dấu ấn trong các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là trong lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.