Rộn ràng chăm lo Tết Trung thu cho thiếu nhi

Ngày rằm tháng tám âm lịch hằng năm là dịp để thiếu nhi vui đón Tết Trung thu của riêng mình. Nhằm mang lại cho các em niềm vui, thị trường các loại đèn, bánh năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng được các đơn vị sản xuất đa dạng mẫu mã, bắt mắt. Nhiều trẻ em đã được đón một mùa Trung thu ấm áp, chan hòa trong tình yêu thương.
0:00 / 0:00
0:00
Các thiếu nhi tại Trung tâm nuôi dưỡng - bảo trợ trẻ em Gò Vấp vui đón Tết Trung thu 2023.
Các thiếu nhi tại Trung tâm nuôi dưỡng - bảo trợ trẻ em Gò Vấp vui đón Tết Trung thu 2023.

Mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng

Ghi nhận tại các cửa hàng bánh trung thu trên địa bàn thành phố cho thấy sự đa dạng về hương vị, mẫu mã, mức giá để đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Ngoài các loại nhân truyền thống, nhiều thương hiệu đã ra mắt hương vị mới lạ như: cua bát bửu, hải sâm, đông trùng hạ thảo...

Việc sản xuất các dòng bánh cho người ăn kiêng, ăn chay hay thiết kế bao bì theo xu hướng hiện đại cũng là cách các doanh nghiệp kích cầu, mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu. Trên thị trường, hầu hết giá các loại bánh của thương hiệu Kinh Đô có nhiều mức giá từ trung bình đến cao cấp. Đơn cử, giá khuyến nghị bánh Heo Vàng (thuộc dòng sản phẩm bánh thiếu nhi) có mức giá từ 45 nghìn đồng/cái.

Đối với dòng bánh cao cấp Trăng Vàng Black & Gold có giá dao động từ 640 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/hộp tùy số lượng bánh. Trong khi sản phẩm của thương hiệu Bibica chủ trương không sản xuất thêm vị mới, thiết kế bao bì mới hay thúc đẩy chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, thương hiệu này kích cầu bằng việc tặng kèm lồng đèn khi mua hàng.

Sức mua của thị trường năm nay cũng cho thấy, phần lớn khách hàng vẫn chuộng các loại bánh nướng truyền thống. Lượng khách năm nay ít biến động hơn so với năm ngoái và doanh số các đơn hàng sỉ từ các cơ quan, doanh nghiệp cũng ghi nhận những sự sụt giảm so với các năm trước đây. Tại các cửa hàng trên đường: Cách Mạng Tháng Tám (Quận 10), Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương (Quận 5)…, cho thấy sức mua của người dân đối với mặt hàng này khá thưa thớt.

Để các loại bánh Trung thu lưu thông trên thị trường bảo đảm chất lượng, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động vận chuyển, buôn bán. Trong hơn một tháng qua, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 9 vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tạm giữ hơn 10 nghìn bánh trung thu các loại.

Đối với thị trường đèn lồng, năm nay có nhiều mẫu mã mới, hiện tại đang theo xu hướng sử dụng các mẫu đèn truyền thống nhưng được trang trí bắt mắt, gây thích thú cho trẻ em. Tại nhiều cửa hàng, một số mặt hàng đồ chơi như đèn nhấp nháy có giá từ 30 đến 50 nghìn đồng/cái; lồng đèn phát nhạc chạy bằng pin có giá từ 70 đến 100 nghìn đồng/cái, mặt nạ nhân vật hoạt hình có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/cái.

Trong khi đó, các mẫu đèn lồng bằng tre, mây chủ yếu được bán với giá dao động từ 30 đến 60 nghìn đồng/chiếc. Một chủ cơ sở kinh doanh tại phố đèn lồng Lương Nhữ Học (Quận 5) chia sẻ, hầu hết trẻ em vẫn chuộng lồng đèn bằng tre, giấy kính với những mẫu thiết kế truyền thống như: lồng đèn ông sao, lồng đèn hình mười hai con giáp… Trước đây, đèn lồng và đồ chơi hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường với giá rẻ, tiểu thương nhập về dễ bán, tuy nhiên năm nay các loại đồ chơi truyền thống đang dần được yêu thích trở lại do mức giá cũng mềm và được trang trí khá bắt mắt.

Ấm áp những “Vầng trăng yêu thương”

Những ngày qua, trong không khí chăm lo cho các đối tượng thiếu nhi thành phố, các cơ quan, đơn vị đều tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu. Tối 22/9 vừa qua, Công đoàn-Đoàn Thanh niên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Chương trình “Đêm hội trăng rằm” cho các em thiếu nhi là con em cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị. Tại đêm hội, các em được tham gia nhiều trò chơi, giải câu đố và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Dịp này, Công đoàn viên chức thành phố cũng trao các suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh, một số phần quà cho con của các công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn như một sự động viên, khích lệ các em thi đua học tập tốt trong năm học mới. Tương tự, Đoàn Thanh niên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho thiếu nhi như: sân chơi bày mâm cỗ, làm và trang trí lồng đèn, rước đèn, phá cỗ; tuyên truyền ý nghĩa Tết Trung thu truyền thống của dân tộc. Các hoạt động giáo dục đội viên, thiếu nhi tinh thần tương thân, tương ái thông qua các chương trình hội thu, đóng góp, trải nghiệm làm bánh trung thu, lồng đèn tặng bạn.

Trong không khí rộn ràng những ngày cận kề Tết Thiếu nhi, những ngày qua, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình “Vầng trăng yêu thương”.

Hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tại 50 khu lưu trú thanh niên công nhân và bảy trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em trên địa bàn thành phố… đã được hưởng trọn vẹn niềm vui trung thu cùng các chú Cuội, chị Hằng cùng những phần quà là những chiếc bánh trung thu xinh xắn. Ngoài ra, Thành Đoàn thành phố cũng chủ trì tổ chức nhiều chương trình như: “Trung Thu hạnh phúc” (23/9); “Vì nụ cười trẻ thơ” (22-26/9); “Trung Thu mơ ước” (15-29/9); “Vui hội trăng rằm” (23/9) trong những ngày này cho các em thiếu khi ở các khu vực, địa bàn khác ở thành phố. Một chương trình “Care to Rise - Yêu thương nâng bước” và “Đêm hội trăng rằm” sẽ được tổ chức vào đêm Trung thu với các hoạt động phá cỗ, trang trí lồng đèn kết hợp cùng nhiều trò chơi, âm nhạc… phục vụ cho 2.000 trẻ em thành phố cùng tham dự để góp phần động viên tinh thần các em vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.