Tại Hà Nội, nếu như tên gọi một số phường, xã sau sáp nhập đáp ứng được mong muốn của nhân dân, thì cũng có những địa phương người dân không đồng tình.
Điển hình như xã Thạch Xá và xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) sau sáp nhập sẽ mang tên Thạch Xá. Người dân Chàng Sơn tha thiết muốn giữ lại tên gọi của mình. Họ viết thư ngỏ lên mạng xã hội, thậm chí tổ chức lễ thánh với mong muốn giữ lại tên gọi, ít nhất là giữ được chữ “Chàng”.
Ở huyện Ứng Hòa, việc ba xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến sẽ trở thành xã Cao Sơn Tiến cũng khiến nhiều người chưa đồng tình. Gây tranh luận nhiều nhất là việc hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) sẽ có tên mới là Đôi Hậu.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu, sở dĩ có sự “lắp ghép” này là do người dân cả hai xã đều không muốn mất tên của mình. Vấn đề là người dân cả hai xã đều không hẳn không có lý. Nếu xã Quỳnh Đôi có lịch sử 600 năm, thì xã Quỳnh Hậu cũng ra đời, phát triển gần bốn thế kỷ.
Việc xóa đi cái tên nào cũng tạo ra sự nuối tiếc. Theo như đề xuất của huyện Quỳnh Lưu, huyện sẽ có các xã mang những cái tên “ngồ ngộ” khác như Hoa Mỹ (ghép từ Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ) hay Minh Lương (lấy tên từ hai xã Quỳnh Minh và Quỳnh Lương). Những tên gọi kiểu này tồn tại khá phổ biến tại các địa phương khác như tỉnh Yên Bái, Khánh Hòa…
Mỗi cái tên đều mang trong mình những câu chuyện từ lúc ra đời và gắn với những biến thiên của lịch sử.
Dù gắn bó với người dân hay có ý nghĩa sâu xa thế nào, cái tên vẫn là phần “vỏ”. Điều quan trọng là chính quyền sẽ hoạt động thế nào, đời sống nhân dân có được cải thiện hơn sau khi sắp xếp đơn vị hành chính hay không. Nếu chính quyền làm tốt phần việc đó, thì dù một cái tên chưa hay được chọn hôm nay, cũng sẽ sớm được chấp nhận. Còn ngược lại, người dân sẽ còn phàn nàn nhiều năm sau về việc “đổi tên” “mất tên”.
Với mỗi con người, những địa danh còn là ký ức, tình cảm mà người ta gắn bó. Nhưng mặt khác, sắp xếp đơn vị hành chính kèm theo đó là những thay đổi địa danh là một vấn đề tất yếu của lịch sử để đáp ứng yêu cầu quản lý. Ngay từ thời phong kiến, các triều đại cũng có nhiều lần thay đổi địa giới và tên gọi đơn vị hành chính các cấp.
Sở dĩ có việc người dân phản đối cách đặt tên mới là do vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc sắp xếp. Các cơ quan quản lý cần tuyên truyền giải thích cho người dân thấy rõ rằng, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy.
Không ít đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có dân số hay diện tích quá nhỏ nhưng cũng có đủ một bộ máy quản lý tương tự như một đơn vị hành chính khác gây lãng phí. Ngoài những vấn đề về lịch sử, văn hóa, việc đặt địa danh còn liên quan đến công tác quản lý.
Nhà quản lý cần giải thích để người dân hiểu, những cái tên mới cần phải thuận tiện cho công tác quản lý. Những cái tên lắp ghép quá dài đến bốn, năm âm tiết có thể hài lòng người dân, nhưng gây khó khăn cho công văn giấy tờ.
Mặt khác, bức xúc trong nhân dân còn bắt nguồn từ việc một số địa bàn chưa coi trọng đúng mức nguyện vọng của nhân dân. Một số địa phương tổ chức lấy ý kiến nhưng còn nặng tính hình thức. Với những trường hợp phức tạp, bên cạnh lấy ý kiến nhân dân, cũng cần mời các chuyên gia để tham vấn trước khi đưa ra quyết định.
Dù gắn bó với người dân hay có ý nghĩa sâu xa thế nào, cái tên vẫn là phần “vỏ”.
Điều quan trọng là chính quyền sẽ hoạt động thế nào, đời sống nhân dân có được cải thiện hơn sau khi sắp xếp đơn vị hành chính hay không. Nếu chính quyền làm tốt phần việc đó, thì dù một cái tên chưa hay được chọn hôm nay, cũng sẽ sớm được chấp nhận. Còn ngược lại, người dân sẽ còn phàn nàn nhiều năm sau về việc “đổi tên” “mất tên”.