Rào cản nào với các nhà khoa học ở các nước đang phát triển?

NDO - Chủ nhân Giải thưởng VinFuture Đặc biệt năm 2021 dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển - Giáo sư Quarraisha Abdool Karim chia sẻ, để phát triển khoa học tại các nước đang phát triển, việc thiết lập các mối quan hệ với các đối tác quan trọng hơn là tự lực nghiên cứu.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Padmanabhan Anandan: "Về khoa học, không có sự khác biệt giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển".
Tiến sĩ Padmanabhan Anandan: "Về khoa học, không có sự khác biệt giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển".

Chọn hợp tác hơn là tự lực nghiên cứu

Một năm sau khi được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim đã quay trở lại Việt Nam và lần này bà là thành viên của Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture.

Tại phiên thảo luận với nội dung: “Thách thức và cơ hội của các nhà khoa học ở các nước đang phát triển” sáng 17/12, chia sẻ về những khó khăn trong nghiên cứu khoa học với một người đến từ nước đang phát triển, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim cho rằng, thách thức chính là sự hạn chế số lượng các nhà khoa học đủ kỹ năng trong nước và họ cũng gặp nhiều giới hạn về công nghệ.

Dẫn chứng từ kinh nghiệm theo đuổi nghiên cứu khoa học của mình, Giáo sư cho biết, cứ 5 người nhiễm HIV trên toàn cầu thì 1 người Nam Phi. Từ đó, bà nghĩ tới nghiên cứu dịch tễ học và nhận ra phụ nữ có rủi ro nhiễm HIV cao hơn 4 lần nam giới.

Rào cản nào với các nhà khoa học ở các nước đang phát triển? ảnh 1

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim, ngồi goài cùng bên trái, cùng các nhà khoa học thảo luận về “Thách thức và cơ hội của các nhà khoa học ở các nước đang phát triển.

“Tôi nhận ra đó là vấn đề xã hội. Từ đó, tôi tìm kiếm những đồng nghiệp của mình xem ai có kỹ năng gì, đóng góp gì và trở thành một phần đội ngũ nghiên cứu với mình ra sao. Khi đó ta sẽ có đội ngũ khoa học toàn diện”, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim nói.

Để cải thiện tình hình nghiên cứu, phát triển khoa học tại các nước đang phát triển, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim cho rằng, việc thiết lập các mối quan hệ với các đối tác quan trọng hơn là việc tự lực nghiên cứu trong nước.

Về khoa học, không có sự khác biệt giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển.

Tiến sĩ Padmanabhan Anandan

Do đó, chúng ta phải lựa chọn đối tác có giá trị cùng tham gia vào nghiên cứu và cả hai phải có sự tôn trọng lẫn nhau dù ở hai nước có mức độ phát triển khác nhau.

Theo Tiến sĩ Padmanabhan Anandan, Cựu Giám đốc điều hành của Viện trí tuệ nhân tạo Wadhwani, về khoa học, không có sự khác biệt giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển. Không có sự phân biệt cơ hội khi thế giới có thể kết nối ở khắp nơi.

“Chúng ta phải xem cái gì ta có để trao cho đối tác. Điều gì mang lại khác biệt. Khi tìm đối tác như vậy thì chúng ta có thể tham gia vào hành trình hợp tác khoa học. Nghiên cứu là sự tương tác để đạt tới ý nghĩa đóng góp”, Tiến sĩ Padmanabhan Anandan chia sẻ.

Hãy tận dụng ưu thế và mạnh dạn vượt qua thách thức

Theo Giáo sư Đỗ Ngọc Minh, các sinh viên ở các nước đang phát triển có ưu thế chăm chỉ, cần cù, kiên nhẫn, quyết tâm. Đôi khi các em bước vào môi trường mới có thể tự ti về ngôn ngữ và tự ti thiếu các thế mạnh khác.

Nhưng thực chất, các em có ưu thế và điều đó sẽ giúp các em trở thành những miếng ghép còn thiếu cho các sinh viên từ các nước đã phát triển. “Các em đến từ các nước đang phát triển nên tự tin, không có gì là tệ bởi vì các em có rất nhiều thế mạnh”, Giáo sư Minh nói.

Rào cản nào với các nhà khoa học ở các nước đang phát triển? ảnh 2

Các nhà khoa học tham gia ngày đầu tiên của Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture.

Tiến sĩ Padmanabhan Anandan cho rằng, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện không còn rào cản cho các bạn trẻ tiếp cận với các nhà khoa học trên thế giới. Sự bình đẳng giữa các sinh viên trên thế giới đã có và ta cần chủ động nắm bắt cơ hội.

Còn theo Giáo sư Daniel Kammen, điều quan trọng nhất với các nhà khoa học ở các nước đang phát triển chính là hãy chấp nhận rủi ro, đừng ngần ngại, đừng nhìn thấy khó khăn mà từ chối để sẵn sàng bước vào những nhóm làm việc mới, đa dạng về địa lý và giới.

Đến từ nước đang phát triển, Giáo sư Ermias Kebreab cho hay, các bạn trẻ muốn theo đuổi nghiên cứu khoa học đã dành sự quan tâm ngay từ khi còn rất trẻ. Vì thế, quan trọng nhất là người trẻ phải có mục tiêu rõ ràng để tìm được đúng người giúp mình giải quyết những vấn đề băn khoăn.

“Tôi có tư vấn cho nhiều bạn trẻ hiện nay là việc đầu tiên bạn phải biết mình muốn hợp tác với ai, từ đó tập trung để liên lạc, email cho họ và bày tỏ cụ thể rõ ràng hướng đi của mình với đối tác. Bạn đừng gửi một bức thư cho tất cả mọi người”, Giáo sư Ermias Kebreab.

Giáo sư Monica Alonso Cotta động viên các bạn trẻ: “Trong điều kiện khó khăn như tại các nước đang phát triển mà em có thể phát triển thành công thì tại những nơi có điều kiện hơn sẽ có thể thành công hơn”.

Cạnh tranh thu hút nhân tài là toàn cầu, nhưng cũng tạo ra nguy cơ chảy máu chất xám ở các nước đang phát triển. Việc một người ra nước ngoài tích lỹ kiến thức, kỹ năng, đóng góp cho cộng đồng quốc tế cũng rất tốt và họ sẽ đóng góp cho đất nước thông qua việc mang những nghiên cứu này về ứng dụng trong nước.

Ngoài ra, các nhà khoa học này có thể giúp sinh viên tại nước họ theo đuổi nghiên cứu khoa học. Ở đâu có điều kiện thì nhà khoa học có thể đóng góp tại đó.

Giáo sư Đỗ Ngọc Minh

Giáo sư Đỗ Ngọc Minh cho rằng, để tạo ra sự liên kết, mỗi người phải mang điểm đặc biệt riêng vào. “Tôi có kinh nghiệm làm việc Mỹ và 2 năm tại VinUni, tôi nghĩ do sự kết nối của internet, ta có thể biết các nước đang làm gì. Quan trọng nhất là chúng ta phải xác định thế mạnh mỗi người khi tham gia hợp tác. Việc tiếp cận với các nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển hấp dẫn hơn nhiều các nước phát triển”, Giáo sư Đỗ Ngọc Minh nói.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại các nước đang phát triển

Vậy điều kiện nào để các nước đang phát triển tham gia vào đổi mới sáng tạo? Giáo sư Đỗ Ngọc Minh cho rằng, việc đơn giản chính là chia sẻ các sáng tạo bằng các giải pháp nguồn mở giúp các nhà khoa học tại các nước đang phát triển học hỏi tốt nhất và nhanh chóng.

“Những nước đi trước như Trung quốc, Ấn Độ đã học hỏi nhanh chóng, và thúc đẩy sự sáng tạo riêng của họ trong cộng đồng nguồn mở. Tôi nghĩ đó là một trong những việc quan trọng và tôi hy vọng Việt Nam cũng có thể tham gia”, Giáo sư Đỗ Ngọc Minh nói.

Trong đại dịch Covid-19, lần đầu tiên các rào cản được phá bỏ, đó chính là khả năng tiếp cận vaccine công bằng bình đẳng toàn cầu.

Giáo sư Quarraisha Abdool Karim

Nói về vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim dẫn chứng, trong đại dịch Covid-19, lần đầu tiên các rào cản được phá bỏ, đó chính là khả năng tiếp cận vaccine công bằng bình đẳng toàn cầu. Các doanh nghiệp tài trợ giải mã gene virus.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, khi các nước trên thế giới còn đang loay hoay tìm sản phẩm nào điều trị được căn bệnh thì Tổ chức Y tế thế giới đưa ra thông điệp đoàn kết, các nước cùng chung tay để tìm phác đồ điều trị. Nhờ đoàn kết, chúng ta có thể chia sẻ các phát kiến y học lâm sàng.

“Bình thường chúng ta mất khoảng 10-20 năm kiểm chứng nhưng với nền tảng là đoàn kết, chúng ta đã có phản ứng nhanh chóng hơn. Tức là đổi mới sáng tạo có thể tăng tốc việc giải quyết vấn đề của nhân loại. Ta cần chung tay thu hút sự tham gia các quốc gia và các tài năng, để tạo ra cơ chế đoàn kết như vậy để hành động”, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim bày tỏ.

Lễ trao giải VinFuture - một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh - sẽ được phát trực tiếp trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Global.