Với 24 năm, 35 chương trình được ra đời, "Ngày xửa ngày xưa" không chỉ gửi đến khán giả nhỏ tuổi món quà giải trí ý nghĩa, mà còn là những bài học sống động và hữu ích, truyền cảm hứng, nuôi dưỡng ước mơ, lòng trắc ẩn, tinh thần dũng cảm và nghị lực sống,… "Ngày xửa ngày xưa" cũng là “tấm vé” đưa những khán giả lớn tuổi tìm lại tuổi thơ mình và gắn bó với con cái, nối kết thế hệ thông qua thưởng thức nghệ thuật.
Dựa trên vở kịch "Ngày xửa ngày xưa 33" (do Sân khấu Idecaf thực hiện lần đầu ra mắt là năm 2022, tại Nhà hát Bến Thành), nội dung tập truyện tranh này là hành trình phiêu lưu kỳ thú của nhân vật thuyền trưởng Sinbad, một người tài năng, tốt bụng, dũng cảm và yêu sự thật đã từng chinh phục trái tim nhiều khán giả nhỏ tuổi. Phần đường dây tranh màu trong tác phẩm này được đầu tư kỹ càng, sáng tạo, mang phong cách sống động mà thiếu nhi Việt Nam yêu thích, do Comicola Studio thực hiện.
Bìa cuốn truyện tranh “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad- Đại chiến nàng Tiên Cá”. |
Tại buổi giao lưu, Giám đốc Nhà hát kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn, tác giả - nghệ sĩ Quang Thảo, các nghệ sĩ, diễn viên sân khấu cùng nhóm họa sĩ Comicola Studio đã chia sẻ thêm những điều thú vị trong dự án đầy sáng tạo và đang được khán giả sân khấu kịch lẫn độc giả truyện tranh rất quan tâm.
Theo nghệ sĩ Quang Thảo, tác giả “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad- Đại chiến nàng Tiên Cá” ở cả hai phiên bản kịch sân khấu và truyện tranh, kịch bản vở “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad- Đại chiến nàng Tiên Cá” được anh hoàn thành trong vòng 10 ngày, dưới áp lực của nhà hát phải sớm có một vở diễn mới để phục vụ khán giả nói chung và các em thiếu nhi nói riêng sau đại dịch Covid-19.
Và Ngày xửa ngày xưa 33 “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad- Đại chiến nàng Tiên Cá” ra đời, tiếp tục mang đến những thành công mới cho sân khấu Idecaf khi được khán giả yêu mến, đón nhận nồng nhiệt.
Giám đốc Nhà hát kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ tại chương trình. |
Sự thành công của "Ngày xửa ngày xưa" trên sân khấu suốt 24 năm qua chính là động lực để Nhà hát Idecaf tiếp tục sáng tạo, mang những sản phẩm văn hóa bổ ích, có giá trị đến với các em nhỏ. Chính vì thế, phiên bản "Ngày xửa ngày xưa 33" đã được nhà hát xây dựng thành kịch bản truyện tranh không kém phần hấp dẫn, vui nhộn.
“Chúng tôi muốn mang đến cho bạn đọc, khán giả một trải nghiệm văn hóa mới mẻ. Chúng tôi đã cố gắng khám phá những vẻ đẹp mới dựa trên nền câu chuyện của vở diễn trên sân khấu; vừa giữ được sự tương đồng và vừa tạo ra khác biệt phù hợp với loại hình truyện tranh”, nghệ sĩ Quang Thảo cho biết.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, họa sĩ Phan Kim Thanh (họa sĩ chính) “bật mí” bản thân cũng là một “fan” của Ngày xửa ngày xưa khi còn là học sinh cấp 2. Là người vẽ chính cho tác phẩm truyện tranh này, Kim Thanh cố gắng giữ lại nét tương đồng giữa các nhân vật trên sân khấu với các nhân vật trong truyện tranh, đó cũng là cách tôn trọng nghệ sĩ và những người yêu mến các nhân vật trong Ngày xửa ngày xưa.
Truyện tranh "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad- Đại chiến nàng Tiên Cá” đang được nhiều độc giả nhỏ tuổi yêu thích. |
Phó Giám đốc Phanbook Hà Thảo, đồng thời cũng là người phụ trách thiết kế mỹ thuật cho truyện tranh “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad- Đại chiến nàng Tiên Cá”, cho biết chị đã thực hiện nhiều loại sách, nhưng đây là lần đầu tiên chị thiết kế mỹ thuật cho một tác phẩm truyện tranh được chuyển từ một vở kịch sân khấu. Theo chị Hà Thảo, công việc này không hề đơn giản, các bên tham gia thực hiện phải trao đổi với nhau để có cách làm tốt nhất, phải chọn làm sao để những hình vẽ và lời thống nhất, bổ trợ cho nhau, nhằm giúp cho tác phẩm trở nên sinh động, hấp dẫn.
Theo Giám đốc Nhà hát kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn, nhà hát sẽ tiếp tục đi theo mô hình này, cho ra đời thêm nhiều tác phẩm truyện tranh được chuyển từ những vở kịch Ngày xửa ngày xưa nhằm mang đến phong vị khác cho khán giả, bạn đọc- những người đã gắn bó với Ngày xửa ngày xưa trong suốt hơn 20 năm qua.