Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản giấy hiện đang được triển khai trên toàn quốc. Đây là cuốn sổ theo dõi toàn bộ quá trình mang thai và chăm sóc trẻ dưới 6 tuổi, trong đó ghi lại nhật ký sức khỏe gồm: khám chữa bệnh, tiêm chủng, quá trình phát triển của trẻ nhỏ, các khuyến nghị về dinh dưỡng…
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đồng thời đáp ứng xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em phối hợp Báo Sức khỏe và Đời sống và các đối tác chính thức ra mắt Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ Trẻ em phiên bản điện tử (gọi tắt Sổ mẹ và bé) tại địa chỉ https://somevabe.suckhoedoisong.vn/.
Sổ mẹ và bé ra đời nhằm cung cấp kiến thức trong lĩnh vực chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ em cho người dùng.
Đây là những thông tin hữu ích, chính thống, kịp thời, đúng nhu cầu cho bà mẹ và trẻ em về những chỉ dẫn, tiện ích trong quá trình theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; đồng thời có những tư vấn chuyên sâu về bệnh học, dược học cũng như dinh dưỡng…
Những đối tượng có thể sử dụng sổ theo dõi sức khỏe này là bà mẹ mang thai và đang nuôi con nhỏ từ 0 đến 6 tuổi; người quan tâm đến chăm sóc phụ nữ mang thai và chăm sóc trẻ dưới 6 tuổi; cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, phòng khám, nhân viên y tế.
Với phiên bản điện tử, người dùng ở bất cứ đâu cũng dễ dàng tiếp cận với thông tin chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, không phân biệt khoảng cách vùng miền.
Somevabe.suckhoedoisong.vn có nhiều chuyên mục được xây dựng theo hành trình của một phụ nữ mang thai và nuôi con bao gồm: mang thai; sinh nở; sau sinh; dinh dưỡng; khi con ốm; tiêm chủng và mua sắm.
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế), chia sẻ, đây là kênh thông tin chính thống hữu ích, thúc đẩy nhanh chóng việc tiếp cận phiên bản Sổ mẹ và bé đến cho đối tượng đích là các phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và cộng đồng giúp họ biết cách theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân tại nhà và chủ động tìm kiếm các dịch vụ y tế khi cần thiết.
Đối với các cơ sở y tế, sử dụng rộng rãi sản phẩm này sẽ giảm được khối lượng công việc của cán bộ y tế trong khám chữa bệnh, báo cáo thống kê liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em.
Hiện phần mềm theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã có sẵn trên các kho ứng dụng với tên gọi “somevabe”. Người dùng có thể truy cập và tải về điện thoại hoặc máy tính để theo dõi sức khỏe thai kỳ cũng như có kiến thức nuôi con khỏe mạnh.
PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế, cho biết, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà Việt Nam đã đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia tương đương mức thu nhập bình quân đầu người; Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Các chỉ tiêu Chính phủ giao về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong nhiều năm qua đều hoàn thành. Ước tính thực hiện năm 2022: tử vong mẹ giảm còn 44/100 nghìn trẻ đẻ sống, tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm còn 13,5‰, suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm còn 11%, thể thấp còi giảm còn 19%...
Tuy nhiên, còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng địa lý, giữa các vùng kinh tế-xã hội và giữa các nhóm dân tộc khác nhau.
Nguyên nhân chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân, cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn hạn chế, gặp không ít khó khăn; phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em; tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, đẻ tại nhà vẫn còn ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.