Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), sức khỏe bà mẹ và trẻ em (SKBM&TE) ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng SKBM&TE ở nước ta vẫn còn có sự khác biệt khá lớn về tỷ lệ tử vong mẹ (TVM), tử vong trẻ em (TVTE) và tử vong sơ sinh (TVSS) giữa các vùng, miền trên cả nước.

Khám sức khỏe cho trẻ tại Trạm y tế phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Khám sức khỏe cho trẻ tại Trạm y tế phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), Ths Nguyễn Đức Vinh cho biết: Các chỉ số về SKBM&TE mà Việt Nam đã đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương tự như: tỷ số TVM đã giảm ba lần; TVTE dưới một tuổi đã giảm gần ba lần; TVTE dưới năm tuổi giảm hơn một phần hai…

Tuy nhiên, mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng SKBM&TE nhưng còn có sự khác biệt khá lớn về TVM, TVTE giữa các vùng địa lý, giữa các vùng kinh tế- xã hội và giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Đáng chú ý, tốc độ giảm TVM, TVTE trong những năm gần đây đã có xu hướng chậm lại, trong khi đó mặc dù TVM và TVSS đã giảm mạnh, nhưng ước tính mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng từ 580 đến 600 trường hợp TVM và hơn 10 nghìn trường hợp TVSS. Ngoài ra, việc khám, phát hiện, điều trị, theo dõi và tư vấn sau điều trị chưa được quan tâm đúng mức, nhất là sự kết nối giữa hệ thống dịch vụ CSSKSS/SKBM&TE và dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con còn hạn chế. Trong khi đó, hiểu biết, hành vi về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên còn nhiều hạn chế; kiến thức, thái độ và hành vi về CSSKSS/SKBM&TE trong cộng đồng và ngay cả cán bộ y tế chưa cao…

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân, cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn gặp không ít khó khăn. Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em; tình trạng phụ nữ có thai không được quản lý thai và đẻ tại nhà không có cán bộ y tế đỡ đẻ vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là ở các bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh; nguồn nhân lực về chuyên ngành sản khoa và nhi khoa rất thiếu, cho nên hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều bố trí khoa sản với khoa ngoại để tận dụng nguồn nhân lực. Trong khi đó, năng lực chuyên của nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh, tuyến y tế cơ sở cũng còn có những hạn chế trong việc phân loại, phát hiện nguy cơ, tiên lượng, theo dõi, cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh. Vẫn còn không ít cán bộ y tế có biểu hiện chủ quan, chưa kịp thời, chưa thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu, hồi sức sản phụ, trẻ em sơ sinh khi có tai biến xảy ra…

Nhằm thực hiện giai đoạn hai và hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020, cũng như hướng tới thực hiện các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) do LHQ đề ra, trong đó có các chỉ tiêu về SKBM&TE, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, ưu tiên những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhằm thu hẹp sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe và TVM giữa các vùng, miền.

Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Bộ Y tế sẽ tăng cường cơ sở vật chất cho tuyến xã, nhất là các trạm y tế có đỡ đẻ ở vùng nông thôn, vùng núi cao; nâng cấp, xây mới hoặc bố trí phòng đẻ riêng và cung cấp, bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị còn thiếu. Đầu tư, nâng cấp và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên ngành sản khoa, nhi khoa tuyến T.Ư và tuyến tỉnh; tăng cường đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc” hoặc các hình thức phù hợp tại các cơ sở lâm sàng; nâng cao năng lực cho mạng lưới CSSKSS về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại các tuyến…

Đi liền với đó là đổi mới cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, nhất là việc thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo gói dịch vụ (gồm chăm sóc trước khi có thai, chăm sóc khi mang thai, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong sinh và sau sinh...); tiếp tục tăng cường đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em thông qua các dự án hỗ trợ có mục tiêu về CSSKSS. Đồng thời, huy động thêm từ nguồn ngân sách địa phương, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ…