Hội nghị đã thống nhất việc đưa ra các nhóm giải pháp nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi, tỷ lệ tử vong ở mẹ mà các mục tiêu thiên niên kỷ đã đề ra.
Theo số liệu thống kê được công bố tại hội nghị cho thấy: hiện nay số trẻ em dưới năm tuổi bị chết đã giảm từ 9,6 triệu trẻ em (năm 2000) xuống còn 7,6 triệu trẻ em (năm 2010), với mức giảm trung bình là 2,5%/ năm. Tuy nhiên, với mức giảm trung bình như hiện nay, phải đến năm 2035 thế giới mới đạt được mục tiêu thiên niên kỷ thứ tư về giảm tử vong trẻ em, tương đương với khoảng bốn triệu trẻ/năm và tỷ lệ tử vong trẻ dưới năm tuổi còn khoảng 15 đến 20/1000 trẻ đẻ sống. Có một điểm đáng chú ý, hiện nay vẫn còn 24 quốc gia chiếm tới 80% tổng số tử vong trẻ em dưới năm tuổi, trong đó có năm quốc gia có tỷ lệ này cao nhất đó là: Ấn Ðộ, Ni-giê-ri-a, Cộng hòa Công-gô, Pa-ki-xtan và Ê-ti-ô-pi-a (chiếm 50% tỷ lệ tử vong trẻ em dưới năm tuổi) trên toàn thế giới. Ðối với việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ bốn và năm đối với 74 quốc gia thì chỉ có 8/74 nước được đánh giá là đạt được sự tiến bộ trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ bốn về giảm tử vong ở trẻ em, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, tiến độ thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ thứ năm về giảm tỷ lệ tử vong mẹ cũng không khá hơn so với mục tiêu thiên niên kỷ bốn là bao nhiêu, hiện mới có 9/74 quốc gia đạt được tiến độ thực hiện mục tiêu này và Việt Nam là một trong ba quốc gia được đánh giá có mức giảm cao nhất, đạt hơn 75% trong giai đoạn 1990 đến 2010.
Các chuyên gia hàng đầu trên thế giới tham dự hội nghị đã trình bày các giải pháp chuyên môn, kỹ thuật liên quan việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em như: phòng, chống viêm phổi trẻ em; phòng chống tiêu chảy trẻ em; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em; tăng cường kiến thức cho bà mẹ, cho gia đình và cộng đồng. Cũng như việc tăng cường các nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ giảm tỷ lệ tử vong trẻ em với mức giảm trung bình hằng năm là 12,6% thì mới có thể đạt được mục tiêu thiên kỷ này vào năm 2015. Ngoài ra, các quốc gia này cần huy động mọi nguồn lực từ chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự cũng như khu vực tư nhân, đồng thời có kế hoạch và mục tiêu cụ thể để thực hiện được lộ trình, đặc biệt cần tạo ra những cách làm mới, sáng tạo để thúc đẩy tiến độ thực hiện, quan trọng là ngăn chặn tử vong trẻ em do mắc các bệnh có thể phòng ngừa được.
Ðể thực hiện việc giảm tử vong trẻ em trên phạm vi toàn cầu, cũng như phạm vi của mỗi quốc gia và để tiến tới đạt mục tiêu không còn quốc gia nào còn tỷ lệ tử vong trẻ em dưới năm tuổi ở mức trên 20/1000 trẻ đẻ sống vào năm 2035, chúng ta cần thực hiện tốt năm giải pháp mà hội nghị đã thống nhất đưa ra đó là: Tập trung các nỗ lực vào năm quốc gia chiếm 50% số trẻ em tử vong trên toàn cầu như đã nêu ở phần trên. Củng cố hệ thống y tế, định hướng lại các hoạt động y tế cho phù hợp và tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tăng cường các can thiệp đã được xác định là có hiệu quả đối với sự sống còn của trẻ em (bú sữa mẹ hoàn toàn, cải thiện dinh dưỡng, tiêm vắc-xin dự phòng, phòng chống tiêu chảy, viêm đường hô cấp cấp, sốt rét, vệ sinh, cung cấp nước sạch), nhất là quan tâm giảm số trẻ sơ sinh tử vong vì tử vong sơ sinh chiếm đến 40% tổng số trẻ em chết dưới 5 tuổi. Việc ngăn ngừa tử vong trẻ em do những bệnh có thể dự phòng được yêu cầu triển khai không chỉ các can thiệp y tế mà còn liên quan các vấn đề khác, như quan tâm giáo dục, nâng cao hiểu biết cho trẻ em gái và phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ, cải thiện điều kiện vệ sinh và cung cấp nước sạch.