Ngày 12/12, tại Hà Nội, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) tổ chức Sự kiện ra mắt sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn - nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam do Vietnam Post làm chủ về công nghệ và vận hành.
Sàn nongsan.buudien.vn được vận hành theo 4 tôn chỉ: Chất lượng tốt nhất thị trường; gia tăng giá trị văn hóa; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiếp thị, bán hàng; giao hàng nhanh nhất.
Vietnam Post cũng đã xây dựng quy trình lựa chọn và kiểm định chất lượng sản phẩm nông sản theo các quy định và tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm được thiết kế tinh tế, vừa an toàn vừa thân thiện với môi trường. Các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm luôn giữ được sự độ ổn định về chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phụ trách Hội đồng thành viên Vietnam Post Nguyễn Trường Giang cho biết: Việt Nam đang ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế không chỉ bởi là đất nước thân thiện, hòa bình với nhiều danh lam, thắng cảnh mà còn bởi ẩm thực và văn hóa Việt Nam.
Với sứ mệnh được Nhà nước giao nhiệm vụ tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, sau nhiều năm làm và hoàn thiện, hôm nay Vietnam Post vinh hạnh giới thiệu sàn thương mại điện tử “nông sản bưu điện”.
Mỗi sản phẩm đều có câu chuyện mô tả chi tiết đi kèm |
Sự khác biệt của nongsan.buudien.vn ở chỗ từng câu chuyện về đặc điểm vùng trồng, khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa, yếu tố lịch sử liên quan đến mỗi loại nông sản đều được mô tả chi tiết trên từng sản phẩm, giúp khách hàng thấy gần gũi, thân quen, tin tưởng hơn, đồng thời gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Với quy trình lựa chọn sản phẩm chặt chẽ, cùng thế mạnh về cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển chuyên dùng và kinh nghiệm triển khai về sàn thương mại điện tử, Vietnam Post bảo đảm nông sản đến tay người tiêu dùng luôn tươi ngon, an toàn.
"Nông sản bưu điện" hiện cũng là nơi duy nhất tổ chức bài bản việc hỗ trợ người nông dân trong việc quảng bá, tiếp thị và bán sản phẩm nông sản ra thế giới trên môi trường số và cả ở những cửa hàng offline của Bưu điện Việt Nam trên toàn quốc.
Phát huy lợi thế mạng lưới 13.000 điểm phục vụ, trong đó có hơn 8.000 Bưu điện- Văn hoá xã trải rộng tới tận thôn bản, Vietnam Post sẽ tiếp tục phát huy những giá trị, sứ mệnh trong việc kết nối nông sản và văn hóa; qua đó, giúp các hộ sản xuất tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo kết nối trực tiếp với thị trường, mở rộng cơ hội tiêu thụ nông sản, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền.
Nhân viên Vietnam Post hỗ trợ người nông dân quảng bá, tiếp thị nông sản. |
Đây cũng là bước chuyển mình của Bưu điện - Văn hóa xã để đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.
Cũng trong khuôn khổ buổi Lễ, Vietnam Post và TikTok đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Là nền tảng nội dung số hàng đầu với một cộng đồng đông đảo các nhà sáng tạo trẻ nhiệt huyết, TikTok đã trở thành “trung tâm kết nối” hàng triệu nhà sáng tạo nội dung trên cả nước, chung tay lan tỏa các câu chuyện thú vị về vùng đất, con người, sản vật của nhiều địa phương qua các video ngắn và livestream, góp phần quảng bá văn hoá, thúc đẩy hiệu quả du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Để nâng tầm sứ mệnh của Bưu điện - Văn hóa xã trong kỷ nguyên mới, Vietnam Post và TikTok Việt Nam cùng các đối tác quản lý mạng lưới nhà sáng tạo nội dung như Vitamin Network sẽ phối hợp lan tỏa giá trị văn hóa vật thể (nông sản, đặc sản địa phương) cũng như phi vật thể (câu chuyện của từng đặc sản, phong tục tập quán, các nét đẹp văn hóa gắn với mỗi loại đặc sản) từ các vùng miền đến người dùng trong nước và thế giới.
Ngoài ra, hai đơn vị cũng sẽ “bắt tay” nâng cao kỹ năng số cho nhân viên Bưu điện - Văn hóa xã trở thành những đại sứ quảng bá nông sản và các giá trị văn hóa địa phương trên nền tảng số.