Ra mắt sách Tranh dân gian Kim Hoàng

NDO - Chiều 9/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66, phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức ra mắt sách “Tranh dân gian Kim Hoàng”.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa giới thiệu về kỹ thuật làm tranh Kim Hoàng do nghệ sĩ Nam Chi thực hiện.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa giới thiệu về kỹ thuật làm tranh Kim Hoàng do nghệ sĩ Nam Chi thực hiện.

Tranh dân gian Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có lịch sử hết sức đặc biệt. Cùng với tranh Hàng Trống (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng tạo ra ba dòng tranh nổi tiếng nhất của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Tranh Kim Hoàng có những chủ đề quen thuộc với đời sống người dân nông thôn và cũng có những thể loại như tranh Tết, tranh thờ… đáp ứng được những nhu cầu đa dạng, từ trang hoàng nhà cửa nhân dịp Tết đến Xuân về, cầu cho phúc lộc đầy nhà, cho đến xua đuổi tà ma, giữ nhà yên ấm. Song, tranh Kim Hoàng có nét độc đáo riêng về bố cục, màu sắc nên thường được gọi là dòng “tranh đỏ” (in trên giấy có nền đỏ).

Sau những năm tháng hoàng kim, đến năm 1947, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã chấm dứt sự tồn tại của mình. Bị chinh phục bởi những nét độc đáo của tranh Kim Hoàng, nhà sưu tập nghệ thuật, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã tự bỏ tiền túi triển khai Dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” từ năm 2016 đến nay. Dự án đã tập hợp được nhiều nghệ nhân và nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam, các họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh gia… để tìm lại các kỹ thuật từ nhuộm giấy, tìm lại những sắc độ màu, kỹ thuật in, vẽ… Dự án đã đưa tranh dân gian Kim Hoàng trở lại với đời sống đương đại với hàng chục mẫu cổ được khôi phục và các mẫu mới sáng tác trên cơ sở phong cách nghệ thuật tranh Kim Hoàng.

Cùng với quá trình khôi phục tranh, chị Thu Hòa đã dành nhiều công sức nghiên cứu về tranh dân gian Việt Nam. Với tư cách là người “làm nghề”, chị đặc biệt chú trọng đến các kỹ thuật làm tranh, từ nguyên liệu để tạo ra các màu sắc trong tranh, cách pha chế màu, các kỹ thuật trong in, vẽ tranh, các thủ pháp nghệ thuật… sử dụng trong tranh dân gian. Từ quá trình nghiên cứu ấy, chị đã cho ra đời một bộ sách về tranh dân gian Việt Nam, với các cuốn tiêu biểu như: Tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Hàng Trống, Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Tranh đồ thế Việt Nam… Trong đó, cuốn sách Tranh dân gian Kim Hoàng (NXB Thế giới 2022) mới xuất bản là cuốn sách thứ 2 về tranh dân gian Kim Hoàng do chị là tác giả.

Ngoài lịch sử, kỹ thuật, nghệ thuật… tranh dân gian Kim Hoàng được bổ sung, chỉnh lý so với cuốn sách về tranh dân gian Kim Hoàng đầu tiên (năm 2019), điểm nhấn của sách Tranh dân gian Kim Hoàng “phiên bản” 2022 là quá trình phát triển của tranh Kim Hoàng hiện nay. Hiện đã có nghệ nhân có thể sống được bằng nghề tranh Kim Hoàng. Tranh Kim Hoàng hiện nay được nhóm Dự án triển khai theo hướng “cá biệt hóa”, tức là mỗi bức tranh có những dấu ấn riêng, kết hợp giữa in và vẽ, thể hiện tài năng của nghệ sĩ - nghệ nhân. Do đó giá trị sản phẩm được gia tăng thay vì sản xuất theo lối in hàng nghìn tranh như trước kia.

Tại buổi giới thiệu sách Tranh dân gian Kim Hoàng, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đã chia sẻ về quá trình nghiên cứu, khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng và những nội dung cơ bản của cuốn sách. Với lượng thông tin rất lớn về các kỹ thuật làm tranh, cuốn sách là tư liệu quý đối với hoạt động nghiên cứu cũng như khôi phục tranh dân gian.