Hiện nay, thách thức đang đặt ra đối với người làm cha mẹ là cần phải biết làm gì, khi nào và như thế nào và khuyến khích trẻ theo cách thức đúng đắn nhất. Thách thức này thậm chí còn khó hơn đối với những người làm cha mẹ phải rời xa những gia đình có nhiều thế hệ để tìm việc làm; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đang đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị tách biệt khỏi trường học và bạn bè.
Với nỗ lực giải quyết thách thức này và đẩy mạnh chương trình nghị sự về làm cha mẹ ở Việt Nam, ngày 10/12, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chương trình hợp tác giữa các bên nhằm mở rộng Dự án “Làm cha mẹ trong sự phát triển toàn diện trẻ thơ” giúp tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em Việt Nam.
Tại lễ ra mắt, Trưởng đại điện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Rana Flowers cho biết: “Làm cha mẹ là công việc quan trọng nhất trên đời. Vì vậy, cần cung cấp thông tin đáng tin cậy, các kĩ năng và các công cụ hỗ trợ cha mẹ và người chăm sóc trẻ nhằm giúp họ thực sự tìm thấy niềm vui trong vai trò của mình, đồng thời đem lại cho trẻ sự khởi đầu tuyệt vời trên con đường gặt hái tiềm năng tối đa của mình trong cuộc sống”.
Các bằng chứng khoa học đã cho thấy, việc thực hành làm cha mẹ tích cực có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển thể chất, tư duy, tình cảm và tâm lý xã hội của trẻ em. Trẻ em nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng, sự kích thích phát triển, sự khuyến khích động viên, không gian dành cho sáng tạo, chăm sóc y tế và được bảo vệ… sẽ phát triển ở mọi lĩnh vực. Trẻ sẽ lớn lên với sự tự tin, học tốt hơn, có ít các vấn đề về hành vi cũng như sẽ gặp phải ít vấn đề về lạm dụng chất kích thích và các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn trong tương lai…
Theo đó, dự án sẽ mở rộng quy mô nhằm cung cấp đầy đủ các kỹ năng làm cha mẹ cho 37 nghìn phụ huynh trong cộng đồng, bảo đảm cải thiện môi trường chăm sóc tại gia đình cho 74 nghìn trẻ em. Các chương trình học trực tuyến về kỹ năng làm cha mẹ sẽ được cung cấp tới 220 nghìn cha mẹ, tiếp cận tối đa 440 nghìn trẻ em.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đơn vị đi đầu trong việc huy động khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào dự án tại Việt Nam cho biết: Dự án làm cha mẹ là một sáng kiến có giá trị giúp hỗ trợ các bậc cha mẹ đang đi làm và trẻ em. Các doanh nghiệp đều được hưởng lợi công bằng từ việc nâng cao uy tín thương hiệu, cải thiện mức độ hài lòng của người lao động và giữ chân được nhân sự. VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ UNICEF trong việc nhân rộng những nỗ lực thay đổi cuộc sống này.
“Khi chào đón trách nhiệm doanh nghiệp trong việc tôn trọng và cam kết hỗ trợ quyền trẻ em, các doanh nghiệp sẽ có được lợi nhuận lâu dài thông qua đầu tư bền vững tạo ra những thay đổi tích cực trong toàn bộ cộng đồng của mình” – ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia triển khai mạnh mẽ các cam kết quốc tế thực hiện quyền trẻ em và các nỗ lực quốc gia trong phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, đại dịch nhắc nhở chúng ta về vai trò quan trọng của cha mẹ trong thời gian diễn ra khủng hoảng. Việc hỗ trợ cho các gia đình và cung cấp kiến thức làm cha mẹ có chất lượng là điều vô cùng cần thiết để có thể đạt được sự phát triển tốt nhất cho mọi trẻ em.
Theo bà Hà, sự hợp tác này góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả hơn công tác bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam cũng như việc nhân rộng chương trình phát triển toàn diện trẻ thơ của Chính phủ.
Trong giai đoạn mở rộng từ năm 2021-2024, dự án sử dụng nguồn kinh phí tài trợ hơn 1 triệu euro từ The Human Safety Net. Dự án đã được triển khai thí điểm từ năm 2019 tại 27 xã của ba tỉnh Gia Lai, Điện Biên và Kon Tum và một số nhà máy trong và xung quanh TP Hồ Chí Minh. Với tầm nhìn đến năm 2024, các đối tác cam kết mở rộng dự án tới 15 tỉnh, thành phố và thêm 40 công ty cùng với khả năng tiếp cận di động rộng hơn thông qua các nền tảng học tập kỹ thuật số. |