Ra mắt bộ 3 cuốn sách nghiên cứu về quan hệ quốc tế

NDO -

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò của ngoại giao và đối ngoại đa phương ngày càng trở nên quan trọng, đòi hỏi những nghiên cứu chuyên sâu cả về lý luận và thực tiễn ngoại giao, nhằm cung cấp nguồn tài liệu phục vụ cho hoạt động đối ngoại của đất nước.

Bộ 3 cuốn sách nghiên cứu quan hệ quốc tế được biên soạn bởi nhóm các tác giả từ Học viện Ngoại giao, với kinh nghiệm dày dặn trong ngành ngoại giao cùng nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy quan hệ quốc tế.
Bộ 3 cuốn sách nghiên cứu quan hệ quốc tế được biên soạn bởi nhóm các tác giả từ Học viện Ngoại giao, với kinh nghiệm dày dặn trong ngành ngoại giao cùng nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy quan hệ quốc tế.

Trước tình hình đó, với những kinh nghiệm dày dặn từ nhiều năm công tác trong ngành ngoại giao, cùng nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại và kỹ năng ngoại giao, nhóm tác giả đến từ Học viện Ngoại giao đã bắt tay và biên soạn một số đầu sách nghiên cứu quan hệ quốc tế cơ bản.

Trong khuôn khổ dự án hợp tác phối hợp tuyển chọn và xuất bản giữa Học viện Ngoại giao và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) Việt Nam, 3 cuốn sách nghiên cứu về quan hệ quốc tế có nhan đề “Ngoại giao - Lý luận và thực tiễn”, “Bản sắc quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam: Một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn”, và “Lý thuyết chính trị quốc tế” đã được ra mắt tối 10/12 tại Học viện Ngoại giao.

Trong đó, sách “Ngoại giao - Lý luận và thực tiễn” được thực hiện bởi nhóm tác giả dày dặn kinh nghiệm của Học viện Ngoại giao, bao gồm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và UNESCO (chủ biên); Đại sứ Đỗ Đức Thành, Chánh văn phòng Học viện Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Rumani; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao; Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Như Thanh, Trưởng Khoa tiếng Pháp.

Cuốn sách là sự chắt lọc từ những công trình nghiên cứu, các bài giảng và suy ngẫm từ kinh nghiệm thực tiễn của nhóm tác giả - những cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, từng kinh qua nhiều cương vị công tác ở nhiều địa bàn trong và ngoài nước, vừa là các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu, được tiếp thu kiến thức học thuật từ các quốc gia có nền nghiên cứu quan hệ quốc tế phát triển trên thế giới và trực tiếp truyền dạy cho nhiều thế hệ sinh viên tại Học viện Ngoại giao (trước đây là Trường Đại học Ngoại giao và Học viện Quan hệ quốc tế).

Qua đó, sách cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện về lý luận và thực tiễn ngoại giao ở Việt Nam và trên thế giới, xoay quanh các chủ đề ngoại giao và các vấn đề cơ bản, ngoại giao đa phương, đàm phán trong ngoại giao, phương pháp luận nghiên cứu quan hệ quốc tế, một số phương pháp nghiên cứu trong ngoại giao, chính sách đối ngoại và đổi mới tư duy đối ngoại, và truyền thông và văn hóa trong quan hệ quốc tế.

Ra mắt bộ 3 cuốn sách nghiên cứu về quan hệ quốc tế -0
Các tác giả và khách mời giao lưu, chia sẻ về quá trình biên soạn các cuốn sách tại lễ ra mắt sách. 

Trong khi đó, sách chuyên khảo “Bản sắc quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam: Một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn” được nhóm tác giả của Học viện Ngoại giao biên soạn, nhằm mục tiêu giải quyết thực trạng thiếu vắng nghiên cứu tổng quát, hệ thống và cập nhật về vấn đề bản sắc quốc gia Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cuốn sách là kết quả của Đề tài khoa học cấp Bộ Ngoại giao xếp loại xuất sắc, được nhóm tác giả, gồm Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Trưởng Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao (chủ biên); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thủy, Phó Trưởng Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao; Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Như Thanh, Trưởng ban Phát triển kỹ năng học thuật, thực hiện vào năm 2018.

Về mặt lý luận, cuốn sách hướng tới việc làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm bản sắc quốc gia, 1 lĩnh vực còn chưa có sự thống nhất giữa các lý thuyết quan hệ quốc tế cơ bản hiện nay, cùng với làm sáng tỏ mối liên hệ giữa bản sắc và lợi ích quốc gia, từ đó bổ sung cơ sở lý luận cho công cuộc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cung cấp phân tích thực tiễn, rút ra những căn cứ, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển của bản sắc quốc gia Việt Nam trong thời gian tới.

Sách “Lý thuyết chính trị quốc tế” (Theory of International Politics) là tác phẩm của tác giả Kenneth Waltz, được dịch giả Nguyễn Hoàng Như Thanh và nhóm dịch Học viện Ngoại giao biên dịch và biên soạn từ thành quả của 1 trong những hoạt động đầu tiên mà Dự án Nghiên cứu quốc tế (nghiencuuquocte.org) triển khai từ năm 2013.

Kenneth Waltz (1924-2013) là giáo sư chính trị học Đại học California, Berkeley và Columbia, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế (ISA) và được đánh giá là 1 trong 5 học giả quan hệ quốc tế có ảnh hưởng nhất trên thế giới sau Chiến tranh Lạnh. Di sản học thuật của ông khá đồ sộ, với các tác phẩm như “Con người, Nhà nước và Chiến tranh” (Man, the State, and War) xuất bản năm 1959, trong đó khai triển “ba cấp độ phân tích” chính trị quốc tế (con người, quốc gia và hệ thống) sau này đã trở thành chuẩn mực phân tích cho các nhà nghiên cứu quốc tế.

Đóng góp quan trọng nhất của Kenneth Waltz chính là việc khai sinh chủ nghĩa tân hiện thực với tác phẩm "Lý thuyết Chính trị quốc tế" (Theory of International Politics) xuất bản năm 1979, qua đó khôi phục địa vị chủ lưu cho trường phái hiện thực và “tái cấu trúc” tiến trình phát triển của ngành nghiên cứu chính trị quốc tế từ đó về sau.

Với những kiến thức mới mẻ, chuyên sâu và được biên dịch, biên soạn một cách kỹ lưỡng, những đầu sách trên sẽ là nguồn tham khảo phù hợp với nhiều đối tượng độc giả, đặc biệt là đối với những cán bộ, nghiên cứu sinh, sinh viên đang công tác, học tập trong lĩnh vực chính trị quốc tế và ngoại giao.