Buổi ra mắt 2 ấn phẩm có sự tham gia của của các khách mời là dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, dịch giả Nguyễn Quí Hiển, và đại diện Công ty Đông A, anh Đỗ Quốc Đạt Nhân, phụ trách biên tập.
Theo dự kiến ban đầu của Theodor Mommsen, "Lịch sử La Mã" sẽ gồm 5 tập, từ khởi thủy của Roma cho đến thời hoàng đế Diocletianus (năm 305), khi Đế quốc La Mã bị chia cắt thành 2 nửa đông và tây.
Ba tập đầu (nội dung chia thành 5 “quyển”) được xuất bản vào các năm 1854, 1855 và 1856, với trục thời gian kéo dài đến trận Thapsus năm 46 trước công nguyên và các cải cách của Julius Caesar.
Đến năm 1885, Mommsen xuất bản quyển sách được xem là tập V của bộ "Lịch sử La Mã", mang tên "Các tỉnh của Đế quốc La Mã từ thời Caesar đến thời Diocletianus".
Đối với tập IV còn thiếu, tuy không viết, nhưng Mommsen vẫn soạn nhiều bài giảng liên quan đến thời kỳ Đế quốc La Mã nhằm giảng dạy tại trường đại học và được học trò ghi chép lại.
Đến năm 1992, 90 năm sau ngày Mommsen được trao giải Nobel, nhà sử học Đức Alexander Demandt cho xuất bản tập IV “phục dựng” của bộ Lịch sử La Mã dưới cái tên "Römische Kaisergeschichte" (Lịch sử Đế quốc La Mã).
Bản tiếng Việt "Lịch sử La Mã" gồm 5 tập, được Đông A xuất bản lần lượt, do dịch giả Nguyễn Quí Hiển chuyển ngữ.
"Tuyển tập kịch Jacinto Benavente" gồm 5 vở: "Thống đốc phu nhân", "Đóa hồng giữa thu", "Những ràng buộc lợi ích", "Hoàng nữ bé con", "Đứa con trái duyên".
Năm vở kịch trong tuyển tập này đều là các vở được sáng tác trong thời hoàng kim của ông, đặc biệt bao gồm 2 vở hay nhất là "Những ràng buộc lợi ích" (Los intereses creados) và "Đứa con trái duyên" (La malquerida).
Năm vở đều được dịch từ tiếng Anh, dựa theo tuyển tập Plays by Jacinto Benavente, bản dịch của John Garrett Underhill, Nhà xuất bản Charles Scribner's Sons, năm 1917. Ấn phẩm tiếng Việt được dịch giả Nguyễn Tuấn Linh chuyển ngữ.
Các diễn giả tham gia buổi giới thiệu sách. |
Ở đây, bạn đọc sẽ thấy 1 Benavente thấm đẫm tư tưởng tự do, thấu hiểu tâm lý con người, và đặc biệt tôn vinh phụ nữ. Các nhân vật nữ của ông thường chiếm vai trò rất quan trọng dù lấy bối cảnh ở giới thượng lưu hay giới lao động nghèo vùng thôn quê.
Hầu hết kịch của Benavente lấy bối cảnh ở giới thượng lưu, tầng lớp người đầy hào nhoáng bên ngoài nhưng mục ruỗng bên trong mà ông đã quá quen thuộc vì sống với họ từ tấm bé, cùng với địa danh quen thuộc là thành phố Madrid.
Nét đặc sắc ở kịch của Benavente không những nằm ở nội dung mà còn nằm ở lời thoại và cách bộc lộ tâm lý nhân vật. Chúng ta sẽ thoáng thấy phong cách của Oscar Wilde và Bernard Shaw ở các màn đối thoại mỉa mai trào lộng và dùng nhiều cách ngôn của ông.
Cuốn sách có 15 bức minh họa mới chia đều cho 5 vở kịch do họa sĩ Lê Trí vẽ với cảm hứng từ phong cách scratchboard.
Tủ sách Trăm năm Nobel của Đông A được khởi động từ năm ngoái, đến nay ra được 4 ấn bản: "Thi khúc & Thi phẩm" của Sully Prudhomme (tác giả đoạt giải Nobel văn học năm 1901); "Tội ác của Sylvestre Bonnard & Đảo chim cánh cụt" của Anatole France (tác giả đoạt giải Nobel văn học năm 1921); "Lịch sử La Mã" (Tập I) của Theodor Mommsen (tác giả đoạt giải Nobel văn học năm 1902); "Tuyển tập kịch Jacinto Benavente" (tác giả đoạt giải Nobel văn học năm 1922).
Ấn phẩm đầu tiên trong tủ sách Trăm năm Nobel là "Thi khúc & Thi phẩm" - tập thơ đầu tay của nhà thơ Pháp Sully Prudhomme (1839-1907). Năm 1901, ông trở thành người đầu tiên được trao giải Nobel Văn học “vì những giá trị văn chương xuất sắc, chủ nghĩa lý tưởng cao cả, nghệ thuật hoàn thiện và sự kết hợp tuyệt vời giữa tình cảm và tài năng”.
Tập thơ được chia làm 2 phần, bao gồm 103 bài nằm ở phần đầu "Stances" (Thi khúc) và 14 bài ở phần sau "Poèmes" (Thi phẩm). Sách được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp với bản dịch mới của Trân Châu, Đạt Nhân và Khắc Đỗ.
Ấn phẩm thứ hai trong tủ sách là "Tội ác của Sylvestre Bonnard & Đảo chim cánh cụt", được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 100 năm tác giả Anatole France đoạt giải Nobel Văn học (1921-2021).
Đây là 2 tác phẩm tiêu biểu cho 2 thời kỳ sáng tác của nhà văn Anatole France, do dịch giả Trân Châu chuyển ngữ. Tiểu thuyết này được đánh giá ở văn phong tao nhã, mang chút châm biếm nhẹ nhàng, ý vị - phong cách đã trở thành đặc trưng cho văn chương Anatole France.