Quyết tâm hoàn thành đồng bộ 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025

Theo Bộ Giao thông vận tải, thời gian qua, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm tiến độ và chất lượng. Dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông (giai đoạn I) đã được nối thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021 km. Ngành giao thông được giao kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhất nhưng kết quả giải ngân luôn cao hơn trung bình cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu thi công triển khai lu lèn, thảm bê-tông nhựa mặt đường thuộc dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam phía đông, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.
Nhà thầu thi công triển khai lu lèn, thảm bê-tông nhựa mặt đường thuộc dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam phía đông, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.

Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các địa phương, chủ đầu tư chia sẻ trách nhiệm, sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phấn đấu hoàn thành đồng bộ 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 theo mục tiêu đã đề ra.

"Chặng đua" 500 ngày đêm

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải lần thứ 13 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo tình hình triển khai các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

Theo đó, tổng chiều dài các dự án khoảng 1.172 km (gồm 1.104 km có kế hoạch hoàn thành năm 2025 và 68 km hoàn thành năm 2026, có thể rút ngắn tiến độ để hoàn thành năm 2025). Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp có đề xuất bổ sung dự án thành phần 2, tuyến đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu dài 16 km vào danh mục dự án hoàn thành năm 2025 theo kế hoạch thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.

Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) Lê Quyết Tiến đánh giá, đến nay, có 28 dự án/dự án thành phần dự kiến hoàn thành trong năm 2025, được chia thành 3 nhóm dự án: Nhóm 1 gồm 13 dự án/dự án thành phần hoàn thành năm 2025, cơ bản thuận lợi; nhóm 2 gồm 9 dự án/dự án thành phần cần tập trung gỡ khó về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025; nhóm 3 gồm 6 dự án/dự án thành phần và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức-Long Thành phải rất nỗ lực mới hoàn thành được trong năm 2025.

Đối với nhóm 1, khối lượng giải phóng mặt bằng, di dời đường điện cao thế không nhiều nhưng lại tập trung tại khu vực có khối lượng đào đắp lớn, cần tận dụng vật liệu (dự án Hoài Nhơn-Quy Nhơn) và tại các khu vực xử lý nền đất yếu với thời gian chờ lún từ 10-12 tháng, cho nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ở nhóm 2, mặt bằng và nguồn vật liệu cát đắp tại nhiều dự án còn gặp khó khăn, khối lượng khai thác chưa đáp ứng tiến độ thi công.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn nhìn nhận: "Tiến độ một số dự án giao thông vẫn chậm, quá trình triển khai đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), kiểm soát tải trọng xe, trạm dừng nghỉ,… khá lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu". Trên tinh thần đó, Bộ trưởng chỉ đạo chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải bảo đảm tiến độ, chất lượng và sự đồng bộ các dự án (thu phí không dừng, giao thông thông minh, kiểm soát tải trọng xe). Cục Đường cao tốc Việt Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông, sớm hoàn thành đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư 13 trạm dừng nghỉ còn lại.

"Nếu dự án đường cao tốc khánh thành, mà hệ thống liên quan không được đầu tư, khai thác đồng bộ, người đứng đầu các cục, vụ, Ban Quản lý dự án liên quan phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ", Bộ trưởng chỉ đạo.

Nếu dự án đường cao tốc khánh thành, mà hệ thống liên quan không được đầu tư, khai thác đồng bộ, người đứng đầu các cục, vụ, Ban Quản lý dự án liên quan phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Bổ sung kịp thời nguồn vật liệu

Đánh giá cao nỗ lực của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các địa phương trong xử lý vướng mắc về mặt bằng, nguồn vật liệu, cũng như nghiên cứu giải pháp tối ưu về thời gian thi công, song thực tế, thời điểm hiện tại, một số dự án vẫn chưa đáp ứng tiến độ như kỳ vọng.

"Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, địa phương cùng chia sẻ trách nhiệm, nâng cao tinh thần, nhận diện đầy đủ khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ cho dự án. Về phía Bộ Giao thông vận tải, sẽ xắn tay tháo gỡ ngay lập tức các vướng mắc trong thẩm quyền sớm nhất có thể". Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Với các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) có kế hoạch về đích vào dịp 30/4/2025, Bộ trưởng lưu ý cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ, toàn bộ việc đào đắp nền đường, thi công các công trình cầu, hầm,… phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024 để đồng loạt tổ chức thi công phần mặt đường và hệ thống an toàn giao thông. Các dự án còn lại, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông, bảo đảm hệ thống giao thông thông minh hoạt động đồng thời khi tuyến cao tốc vào khai thác.

Về vấn đề vật liệu thi công dự án, Bộ trưởng chỉ rõ: Thời điểm hiện tại, cần tính toán nguồn vật liệu song song với tháo gỡ mặt bằng. Không để xảy ra tình trạng mặt bằng chờ vật liệu, nhất là đối với dự án cao tốc bắc-nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau. Ngay cả khi tính đến việc phải sử dụng đá thay cát trong thi công nền thì vẫn phải nỗ lực làm thủ tục nâng công suất các mỏ cát, duy trì nguồn vật liệu thi công liên tục.

Thời điểm hiện tại, cần tính toán nguồn vật liệu song song với tháo gỡ mặt bằng. Không để xảy ra tình trạng mặt bằng chờ vật liệu, nhất là đối với dự án cao tốc bắc-nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau. Ngay cả khi tính đến việc phải sử dụng đá thay cát trong thi công nền thì vẫn phải nỗ lực làm thủ tục nâng công suất các mỏ cát, duy trì nguồn vật liệu thi công liên tục.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu chủ đầu tư tính toán kỹ thời gian gia tải, khi tổ chức thi công đồng loạt để hoàn thành, liệu nhà thầu có bảo đảm đủ thiết bị, nhân lực không? Công địa có đủ điều kiện để huy động đồng loạt máy móc ra làm không?

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án phối hợp với địa phương thực hiện ngay thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tăng cường các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các đoạn tuyến vướng diện tích đất rừng tại dự án đường cao tốc bắc-nam.

Địa phương nào đã cam kết bố trí nguồn vốn cùng Trung ương thực hiện dự án thì phải quyết tâm thực hiện. Nguồn thu dự kiến không bảo đảm thì phải tính toán cân đối vốn đầu tư từ nguồn khác, không thể chỉ trông chờ vào Trung ương.