Văn kiện tái khẳng định chiến lược cùng bốn trụ cột, cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện cân bằng, kết hợp và đồng đều các trụ cột này. Bốn trụ cột trong Chiến lược chống khủng bố toàn cầu bao gồm biện pháp giải quyết các nhân tố dẫn tới khủng bố; phòng, chống khủng bố; xây dựng năng lực của các nước trong phòng, chống khủng bố và tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này; bảo đảm tôn trọng quyền con người và luật pháp, vốn là nền tảng cơ bản trong cuộc chiến chống khủng bố.
Văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm Chiến lược chống khủng bố toàn cầu luôn thích ứng, phù hợp các mối đe dọa mới và các xu hướng phát triển của khủng bố quốc tế. Bên cạnh đó, văn kiện công nhận trách nhiệm cơ bản của các nước thành viên trong việc thực hiện chiến lược, đồng thời khuyến khích xây dựng và phát triển các kế hoạch khu vực, tiểu khu vực và quốc gia ở mức tương ứng để hỗ trợ thực hiện chiến lược. Văn kiện cũng kêu gọi mọi quốc gia tham gia các công ước và nghị định quốc tế hiện nay về chống khủng bố, đồng thời hối thúc các nước nỗ lực hoàn tất một công ước toàn diện về chống khủng bố quốc tế.
Văn kiện nêu bật tầm quan trọng của cách tiếp cận bền vững, toàn diện trong giải quyết các điều kiện có thể khiến khủng bố lan rộng, bởi chỉ riêng lực lượng quân sự, các biện pháp thực thi luật pháp và các hoạt động tình báo là không đủ để đánh bại khủng bố. Ngoài ra, văn kiện tái khẳng định các nước thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ biện pháp nào được sử dụng để chống khủng bố đều phù hợp các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là các luật về nhân quyền, di cư và nhân đạo.
Văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm Chiến lược chống khủng bố toàn cầu luôn thích ứng, phù hợp các mối đe dọa mới và các xu hướng phát triển của khủng bố quốc tế.
Theo văn kiện, Tổng Thư ký Liên hợp quốc có trách nhiệm trình báo cáo kết quả thực hiện chiến lược lên Ðại hội đồng Liên hợp quốc muộn nhất vào tháng 2/2026. Tháng 6/2026, Ðại hội đồng sẽ kiểm tra báo cáo của Tổng Thư ký, thực tế triển khai chiến lược của các nước thành viên, cũng như xem xét cập nhật chiến lược cho phù hợp những thay đổi của tình hình mới.
Trong bối cảnh khủng bố vẫn hoạt động ráo riết trên phạm vi toàn cầu, việc Ðại hội đồng Liên hợp quốc thúc đẩy thông qua văn kiện được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Từ trụ sở ở thành phố New York của Mỹ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia giải quyết các điều kiện cơ bản, cải thiện điều kiện sống cho người dân, bởi đói nghèo là một trong những nguyên nhân chính để khủng bố phát triển. Mặc dù thế giới đạt một số thành tựu đáng kể những năm qua, nhưng khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực vẫn bén rễ và phát triển. Do vậy, các quốc gia cần đồng lòng chống lại mối đe dọa toàn cầu này.
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đưa ra những dẫn chứng cụ thể, đó là các chân rết của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở châu Phi đang nhanh chóng chiếm ưu thế ở những khu vực như Sahel và đang có xu hướng mở rộng về phía nam tới Vịnh Guinea. Trong khi đó, chủ nghĩa phát-xít mới (Neo-Nazi) và phong trào da trắng thượng đẳng đang trở thành mối đe dọa an ninh ở ngay trong lãnh thổ một số quốc gia.
Tổng Thư ký Antonio Guterres cho rằng, chủ nghĩa cực đoan có thể “sinh sôi, nảy nở” từ các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, làn sóng lan truyền hận thù trên mạng, nên thế giới cần tập trung phòng ngừa. Theo ông, phòng ngừa không chỉ có nghĩa ngăn chặn, phá vỡ âm mưu các cuộc tấn công mà còn là giải quyết ngay từ đầu các mầm mống có thể dẫn đến khủng bố.