Trao đổi ý kiến với báo giới ngày 8/6 vừa qua, Trưởng nhóm điều tra của LHQ Christian Ritscher cho biết, IS luôn lưu trữ thông tin về hoạt động của mình và duy trì như một hệ thống hành chính. Do đó, UNITAD đã triển khai dự án quy mô lớn nhằm số hóa các tài liệu của IS, bảo đảm rằng những bằng chứng này có thể được chấp nhận trước bất kỳ tòa án có thẩm quyền nào, dù ở Iraq hay bất cứ đâu. Cũng theo ông Ritscher, đến nay, khoảng 8 triệu trang tài liệu về IS thuộc sở hữu của chính quyền Iraq đã được số hóa và là những tài liệu hữu ích trong hệ thống tư pháp Iraq. Bước tiếp theo của UNITAD là “thiết lập một kho lưu trữ thống nhất của tất cả các tài liệu làm bằng chứng dưới dạng số hóa”.
Chuyên gia của LHQ cũng cho biết thêm, thành công của nỗ lực cung cấp bằng chứng về hoạt động khủng bố của IS dưới dạng số hóa sẽ được thể hiện qua các phiên xét xử của tòa án có thẩm quyền, dựa trên cơ sở các bằng chứng cụ thể và thuyết phục về tội ác tàn bạo của tổ chức cực đoan này. Ông nhấn mạnh, bằng chứng “đáng tin cậy và có thể chấp nhận được” là một trong những yếu tố quan trọng nhất để buộc các phần tử cực đoan IS bị trừng trị thích đáng.
Theo thỏa thuận giữa LHQ với chính quyền Iraq, kho lưu trữ sắp ra mắt và sẽ được đặt tại Hội đồng Tư pháp Tối cao của Iraq. Kho lưu trữ này “có thể là cột mốc quan trọng hướng tới thành lập một hệ thống tư pháp điện tử toàn diện ở Iraq, đặc biệt hệ thống này có thể được xem như một dự án tiên phong về chuyển đổi số trong ngành tư pháp, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu”.
Sau khi trỗi dậy vào năm 2014, các phần tử IS đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động và giành quyền kiểm soát khoảng một phần ba lãnh thổ Iraq trong thời gian ngắn. Tháng 12/2017, Iraq tuyên bố đánh bại IS nhưng phải đến tháng 3/2019, khi mất đi thành trì ở nước láng giềng Syria, tổ chức này mới được cho là đã suy vong. Tình hình an ninh tại Iraq sau đó tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo IS thực chất không hề bị đánh bại mà rút vào hoạt động ngầm, khi những tàn dư của lực lượng khủng bố này vẫn lẩn trốn trong các đô thị, sa mạc và vùng hẻo lánh, tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và lực lượng an ninh.
Trước đó, ngày 16/4, Bộ Nội vụ Iraq thông báo cơ quan tình báo nước này đã bắt giữ các chiến binh có liên hệ IS tự xưng ở tỉnh miền bắc Nineveh, trong đó có một “thủ lĩnh nguy hiểm”. Các tay súng này đã tham gia vào nhiều hoạt động khủng bố chống lại lực lượng an ninh. Theo CNN, một trong những đối tượng được xác định là thành viên cấp cao của IS, từng hoạt động ở các tỉnh Diyala, Kirkuk và Nineveh. Trong những tháng gần đây, lực lượng an ninh Iraq đã tiến hành các chiến dịch truy quét các phần tử thánh chiến cực đoan nhằm ngăn chặn các hoạt động chống phá ngày càng gia tăng của chúng.
Để đối phó những mầm mống đang có nguy cơ trỗi dậy của IS không chỉ ở Iraq, Mỹ đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào nhóm cực đoan này ở Syria, với việc tiến hành nhiều chiến dịch trên bộ và sử dụng trực thăng để tiêu diệt hoặc bắt giữ các phần tử cấp cao của IS. Theo các quan chức Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của Mỹ, quân đội Mỹ đã tiến hành ít nhất hàng chục chiến dịch và các cuộc đột kích IS tại Syria, cùng sự trợ giúp trên thực địa của Lực lượng Dân chủ Syria - đồng minh của Mỹ tại Syria, dẫn đến việc bắt giữ, tiêu diệt không ít thành viên và thủ lĩnh IS. Các cuộc tấn công khác, thường diễn ra vào ban đêm bằng trực thăng chở lực lượng tác chiến đặc biệt, cũng giúp bắt giữ hoặc tiêu diệt nhiều phiến quân IS.
Với kho dữ liệu được số hóa của LHQ cũng như những hoạt động truy kích của quân đội Mỹ, tàn dư của IS dù còn tồn tại song được nhận định sẽ suy yếu và chưa thể trỗi dậy trong thời gian tới.