Quyết liệt và linh hoạt

Hàng nghìn tuyển thủ quốc gia vẫn tập luyện bình thường, hàng trăm giải đấu trong nước vẫn được tổ chức. Thể thao Việt Nam (TTVN), với cách làm quyết liệt và linh hoạt, mang tính đặc thù cao, đã vượt qua một năm gian khó, tạo bước đà quan trọng cho những mục tiêu tầm cao, đặc biệt là SEA Games 31 trên sân nhà sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Nguyễn Thị Oanh giành bốn HCV tại giải điền kinh VĐQG 2020.
Nguyễn Thị Oanh giành bốn HCV tại giải điền kinh VĐQG 2020.

1 Tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2020, Nguyễn Thị Oanh đã gây sốc khi đoạt tới bốn Huy chương vàng (HCV), trong đó phá cả kỷ lục tồn tại 16 năm ở nội dung khắc nghiệt bậc nhất là 10.000 m. Ðiều đáng nói, đây đều là những thành tích vượt mức HCV SEA Games và Oanh cũng chưa bung hết sức. Ngoài Oanh, nhiều tuyển thủ trụ cột và gương mặt trẻ như Quách Thị Lan, Ngần Ngọc Nghĩa cũng có thành tích đột phá, làm nên một giải đấu thành công nhất trong nhiều năm.

Ðây là kỳ tích, trong bối cảnh cả thời gian dài trước đó các vận động viên (VÐV) chưa có một cuộc thi đấu cọ xát nào, cả trong nước lẫn quốc tế và phải chấp nhận những ảnh hưởng khó tránh về chuyên môn, tâm lý. Oanh chia sẻ, chị cùng các đồng đội đã luôn phấn đấu qua từng tuần, mỗi buổi hoàn thành một chương trình tập huấn nặng và khó theo đúng "chuẩn" giành HCV SEA Games và tranh suất Olympic.

Còn Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Văn Sỹ hé lộ: Ðội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp các học trò có thể thích nghi với điều kiện khó khăn mới, như việc tổ chức các cuộc thi đấu nội bộ hằng tuần có đánh giá và trao thưởng. Một số buổi còn được quay trực tiếp tới gia đình cùng người hâm mộ nhằm tạo hưng phấn cho các chân chạy. Tùy theo thực tế, các VÐV còn có các chuyến dã ngoại ngắn ngày tại các vùng núi cao hay biển vắng để vừa rèn thể lực vừa thay đổi không khí.

Quyết liệt và linh hoạt -0
ĐTQG quyền Teakwondo Việt Nam giành hai HCV khi thi đấu trực tuyến tại Giải vô địch châu Á.
 

2 Bên cạnh điền kinh, hàng loạt môn khác cũng có sự chủ động ứng phó đại dịch hiệu quả, với dấu ấn chung nổi bật của việc áp dụng công nghệ hiện đại. Thí dụ, hai kỷ lục gia SEA Games Huy Hoàng và Hưng Nguyên từng phải trải qua tám tháng không có HLV. Một phương thức tập huấn từ xa qua mạng đã được thiết lập. Hằng ngày, bộ đôi này ra bể bơi theo giáo án từng tuần, liên tục được điều chỉnh cho phù hợp, mà chuyên gia nước ngoài gửi qua thư điện tử. Mỗi buổi tối, cũng theo cách ấy, thầy trò lại tiến hành rút kinh nghiệm kỹ lưỡng. Huy Hoàng khẳng định: dù tập theo cách này, anh vẫn đạt được mọi chỉ số cần thiết, trong một quy trình chặt chẽ hướng đến Olympic Tokyo.

Ở một tầm mức khó hơn, Ðội tuyển quốc gia (ÐTQG) bắn súng Việt Nam còn phối hợp với các đồng nghiệp Thái-lan, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a... tổ chức thử nghiệm một giải đấu quốc tế trực tuyến. Qua lần thử nghiệm ấy, bắn súng cũng triển khai các cuộc tranh tài trực tiếp ở ngay ÐTQG, cũng như nhiều địa phương với nhau. Tương tự, ÐTQG quyền Taekwondo cũng tiên phong thi tài thành công ở một cuộc đấu trực tuyến chính thức - Giải vô địch châu Á, khi giành tới hai HCV.

3 Những con số thống kê vô cùng ấn tượng của Việt Nam cũng là mơ ước với không ít nền thể thao trên thế giới trong năm 2020, khi vẫn có tới 300 giải đấu quốc gia diễn ra. Bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tất cả 45 môn của TTVN đều tổ chức được ít nhất hai giải quan trọng nhất là giải vô địch quốc gia và giải trẻ quốc gia. Ðiều đó vô cùng giá trị trong việc tạo động lực cho các HLV - VÐV, đánh giá và tuyển chọn lực lượng và cao hơn là duy trì đà phát triển bình thường của thể thao Việt Nam.

Nhiều giải đã điều chỉnh phương thức gắn với đặc thù và thực tế cụ thể. Như giải bóng đá V-League phân các đội theo hạng để thi đấu, vừa hạn chế di chuyển, tiết kiệm kinh phí và thời gian mà vẫn không làm mất đi tính cạnh tranh, hấp dẫn. Hay Giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA tiến hành thi đấu tập trung tại một địa điểm duy nhất trong 50 ngày, trên một sàn đấu tiêu chuẩn thế giới... Ngay cả những thời điểm bị dịch đe dọa trực tiếp, các môn cũng ứng phó phù hợp. Ðơn cử để cắt ngắn ngày đấu, giải cờ vua toàn quốc chỉ đấu nội dung cờ nhanh và cờ chớp, bỏ qua cờ tiêu chuẩn. Hay giải Taekwondo trẻ toàn quốc, các đoàn đều chấp nhận thi đấu ngày cuối đến quá 12 giờ đêm để kịp hoàn thành chương trình trước hai ngày.

Theo Phó Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Trần Ðức Phấn, tinh thần chung đã được quán triệt từ các địa phương, từng bộ môn cho đến mỗi HLV, VÐV là phải luôn sẵn sàng để tổ chức và đấu giải bất cứ khi nào, gắn với đặc thù từng môn. Chính bởi thế, chỉ ba tháng cuối năm, có tới 94 giải đấu quốc gia tranh tài, với chất lượng bảo đảm về mọi mặt.

ĐẶNG VIỆT CƯỜNG