Trong gần hai năm qua, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, lực lượng Công an nhân dân vẫn triển khai một cách bài bản, quyết liệt và nhiệt huyết để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với sản xuất, cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Hình thành nền tảng của Chính phủ điện tử
Những công việc nêu trên là chưa có tiền lệ, với khối lượng công việc rất lớn và có nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn lực lượng, hai dự án về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân gắn chíp đã về đích đúng tiến độ, đúng cam kết của Bộ Công an với Chính phủ, người dân và xã hội. Ngay sau hai "đại dự án" này, lực lượng Công an nhân dân lại bắt tay vào triển khai quyết liệt các mặt công tác của Đề án 06. Có thể hiểu một cách đơn giản là hai dự án nêu trên chính là phần nền móng để xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số thông minh và việc triển khai Đề án 06 chính là bước tiếp theo để cụ thể hóa những tiện ích từ dữ liệu dân cư và thẻ Căn cước công dân gắn chíp. Đề án 06 giúp người dân, doanh nghiệp số hóa tất cả thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân để có thể thay đổi phương thức thủ tục hành chính thủ công sang phương thức điện tử một cách thuận tiện nhất. Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an: "Tinh thần chính của Đề án 06 là tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Vì vậy, Bộ Công an sẽ trước sau như một, bám sát tinh thần này, làm một cách quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác triển khai đề án do đồng chí Bộ trưởng Công an làm Tổ trưởng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tham gia. Tổ công tác sẽ làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện".
Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết: Trong tháng 4/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án 06 theo đúng lộ trình.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 về phiên họp thường kỳ tháng 2/2022, trong đó có nội dung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 với bốn nhóm nhiệm vụ, là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án trong thời gian tới. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án đang được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là vai trò gương mẫu đi đầu của Bộ Công an với việc hoàn thành 8/11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06; đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó mở rộng phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện. Việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình, đến nay đã triển khai kết nối chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với tám cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác. Điển hình như đã đồng bộ được 17,8 triệu thông tin bảo hiểm xã hội để làm giàu dữ liệu dân cư và tích hợp sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh. Tính đến ngày 18/4, số lượng cơ sở đã sử dụng thẻ Căn cước công dân trong khám, chữa bệnh là 3.844/13.157 cơ sở (đạt tỷ lệ 29,2%); số lượng công dân sử dụng Căn cước công dân khám, chữa bệnh là 75.660 công dân...
Đồng loạt ra quân triển khai Đề án 06
Để việc triển khai Đề án 06 bảo đảm tiến độ, Bộ Công an chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã tham mưu cấp ủy, chính quyền thành lập các Tổ triển khai đề án tại cấp huyện và cấp xã. Với tinh thần này, công tác triển khai được xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, đến từng tổ dân phố, thôn, bản… Nhiệm vụ của các Tổ công tác chính là tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ về việc thực hiện cấp và sử dụng định danh xác thực điện tử; hướng dẫn cơ quan, tổ chức tại địa phương trong việc sử dụng tài khoản định danh, các tiện ích thông qua thẻ Căn cước công dân, ứng dụng VNEID…
Tại địa bàn thành phố Hà Nội, đơn vị được lựa chọn đi đầu trong việc thực hiện Đề án 06, đầu tháng 4 vừa qua, tại Nhà văn hóa Tổ dân phố số 1, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp Công an quận Cầu Giấy, Công an phường Dịch Vọng Hậu tổ chức lễ khai trương triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06. Ngay tại lễ khai trương, cán bộ, chiến sĩ công an đã trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử. Theo đó, hiện tại người dân chỉ cần truy cập địa chỉ dichvucong.bocongan.gov.vn sẽ có hướng dẫn đăng ký tài khoản một cách dễ dàng. Thông qua địa chỉ này, người dân có thể thực hiện được ngay hàng chục dịch vụ công thiết yếu như: đăng ký lưu trú, tạm trú, tạm vắng, đăng ký cấp thẻ Căn cước công dân… Thời gian tới, các dịch vụ công sẽ tiếp tục được mở rộng như đăng ký cấp khai sinh, thẻ bảo hiểm xã hội, xóa đăng ký thường trú… Theo Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06, Bộ Công an), với những tiện ích như hiện tại, người dân hoàn toàn có thể ngồi nhà để thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử thông qua máy tính, điện thoại thông minh mà không cần đến trụ sở cơ quan chức năng. Trong tháng 5, lực lượng công an sẽ tập trung nguồn lực triển khai cung cấp ba tiện ích phục vụ nhân dân gồm: cấp hộ chiếu phổ thông từ ngày 15/5; đăng ký xe mô-tô tại cấp xã từ ngày 21/5 và cấp mã định danh phục vụ đăng ký thi tốt nghiệp THPT từ ngày 4/5.