Quyết liệt quản lý nợ thuế

Tổng cục Thuế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan thuế các cấp quan tâm, chú trọng triển khai. Tuy nhiên, do hậu dịch Covid-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các tháng, đã tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Tài chính
Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Tài chính

Trong bối cảnh như vậy, cơ quan thuế các cấp tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách về thuế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Công văn số 46/TCT-QLN ngày 9/1/2023 giao chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ và tiền thuế nợ năm 2023 cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.

Cùng với đó là tập chung chỉ đạo triển khai xử lý nợ, khoanh nợ, xóa nợ không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 94/2019/QH14; tăng cường công tác quản lý thu hồi nợ thuế vào ngân sách, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh... (công văn số 681/TCT-QLN ngày 13/3/2023 chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh thành phố về việc xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14; công văn số 1489/TCT-QLN ngày 24/4/2023 chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh thành phố triển khai các biện pháp thu hồi và xử lý nợ đọng thuế; công văn số 689/TCT-QLN về việc việc tăng cường triển khai các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi nợ thuế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu…).

Trong tháng 3/2023, Tổng cục đã tổ chức 2 Hội nghị toàn ngành để tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy trình mới là Quy trình quản lý nợ và Quy trình cưỡng chế nợ thuế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cho công chức làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tại khu vực phía bắc và phía nam.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục hoàn thiện, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong áp dụng quản lý công tác quản nợ và cưỡng chế nợ thuế như triển khai ứng dụng khai thác các báo cáo nợ theo ngày trong toàn ngành; thiết kế, sửa đổi và nâng cấp các mẫu báo cáo giám sát công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; xây dựng công cụ cảnh báo đối với từng địa phương nợ tăng, có các khoản nợ tăng bất thường để phát hiện, rà soát, xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ sai, nợ ảo.

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác quản lý nợ thuế, 6 tháng đầu năm, toàn ngành thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 21.408 tỷ đồng.

Một số Cục thuế làm tốt công tác thu hồi nợ thuế như Lâm Đồng, Điện Biên, Hải Phòng, Gia Lai, Quảng Bình...

Tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/6/2023 là 151.976 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thời điểm ngày 31/5/2023, tăng 2,8% so với thời điểm ngày 31/12/2022.

Trong đó, số nợ tiền thuế có khả năng thu ước tính là 81.041 tỷ đồng, giảm 30 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/5/2023, tăng 4,7% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu ước tính là 26.922 tỷ đồng, tăng 0,1% so với thời điểm ngày 31/5/2023, tăng 0,4% so với thời điểm ngày 31/12/2022.

Nguyên nhân số nợ thuế tăng so với thời điểm 31/12/2022 do tiền thuế nợ tăng so với thời điểm 31/12/2022 một phần do hậu quả của dịch Covid-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư.

Ngoài ra, một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP nên vẫn theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên.

Số tiền thuế nợ khó thu tại thời điểm 30/6/2023 tăng so với thời điểm 31/5/2023 do đánh giá thêm số tiền thuế nợ của người nộp thuế đã bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn liên tiếp từ 3 lần trở lên mà không thu hồi được nợ thuế từ nhóm nợ có khả năng thu sang nhóm nợ khó thu.

Tổng cục Thuế cũng tích cực triển khai thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2023, ngày 14/4/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/06/2023 về việc thực hiện gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6,7,8,9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Cơ quan thuế các cấp đã kịp thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất, tới toàn thể người nộp thuế hiểu và nắm được chính sách hỗ trợ của Nhà nước ngay từ khi xây dựng dự thảo Nghị định về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất năm 2023 và triển khai hỗ trợ người nộp thuế kịp thời ngay khi Nghị định được ban hành chính thức.

Một số chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được ban hành trong 6 tháng đầu năm 2023, ước tính tổng số tiền thuế đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 19.059 tỷ đồng.

Trong đó, thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay từ 1/1/2023 theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 ước tính số tiền thuế giảm trong 5 tháng năm 2023 là khoảng 15.925 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước tính số thuế đã giảm khoảng 3.134 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cơ quan thuế các cấp cũng đang quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô và các loại xe tương tự xe ô-tô được sản xuất lắp ráp trong nước; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023...

Trong những tháng cuối năm, ngành Thuế tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc Hội; Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về việc thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023; Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về việc thực hiện gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022; Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Đặc biệt đối với các chính sách mới được Quốc hội, Chính phủ mới ban hành như Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô và các loại xe tương tự xe ô-tô được sản xuất lắp giáp trong nước; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội… được doanh nghiệp, người dân quan tâm.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp phù hợp để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.