Vừa qua, Tổ chức Minh bạch quốc tế đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022, Việt Nam đạt 42/100 điểm, xếp hạng 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 3 điểm và 10 bậc so với khảo sát năm 2021 và tăng 6 điểm, 27 bậc so với năm 2020. Cách tính điểm thì 0 điểm là mức tham nhũng cao nhất và 100 điểm là trong sạch nhất. Nhìn vào số điểm thì Việt Nam ở dưới mức trung bình, điều này chứng tỏ mức độ tham nhũng ở nước ta vẫn cao.
Tuy nhiên, Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối của TI tại Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tăng dần theo từng năm, đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được nhân dân ghi nhận và đồng lòng ủng hộ.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế, nếu chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp tăng 1 điểm, điều này thể hiện rằng Chính phủ, quốc gia đó đã ít tham nhũng hơn, tương đương với việc năng lực sản xuất của xã hội có thể tăng thêm 0,4% GDP.
Tổ chức Minh bạch quốc tế đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022, Việt Nam đạt 42/100 điểm, xếp hạng 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 3 điểm và 10 bậc so với khảo sát năm 2021 và tăng 6 điểm, 27 bậc so với năm 2020.
Để tăng trưởng thêm 1% GDP, chúng ta phải huy động, sử dụng mọi nguồn lực của đất nước và phải cố gắng rất nhiều mà không chắc đã đạt được kết quả mong đợi. Tuy nhiên, chỉ cần nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng để tăng 3 điểm trong xếp hạng của CPI là chúng ta đã có thể đạt được mục tiêu mong muốn là tăng trưởng và từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam trong 3 năm gần đây: Năm 2020 là 36/100 điểm, xếp hạng 104/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, GDP đạt khoảng 268,4 tỷ USD; năm 2021 là 39/100 điểm, xếp hạng 87/180 và GDP vào khoảng 366,1 tỷ USD, đến năm 2022 là 42/100 điểm, xếp hạng 77/180, GDP đạt 409 tỷ USD. Những con số đã minh chứng cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng có hiệu quả thiết thực và đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển của đất nước.
Mặc dù đánh giá và xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ không hoàn toàn chính xác mà chỉ mang tính chất tham khảo nhưng qua đó Việt Nam cũng có thể thấy được phần nào tình hình tham nhũng của đất nước mình qua đánh giá nhìn nhận của quốc tế, xác định được vị trí, tương quan giữa mức độ tham nhũng của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trước thực tế cảm nhận về tham nhũng đã có thay đổi theo hướng tích cực, điều này đi liền với việc người dân Việt Nam tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Tiếp tục những cam kết đấu tranh mạnh mẽ, không ngừng, không nghỉ đối với nạn tham nhũng, tiêu cực, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chú trọng sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định mới đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở…
Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chú trọng sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định mới đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Bên cạnh việc tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng và cán bộ cấp cao có liên quan, Đảng và Nhà nước còn đẩy mạnh chống tiêu cực. Một loạt cán bộ, đảng viên có những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, có lối sống xa hoa, lãng phí bị báo chí và dư luận phanh phui đều đã phải nhận các hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến cách chức.
Để có những bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam nhanh chóng tập trung giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng như cần có cơ chế bảo đảm được nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; từ đó, phá bỏ tình trạng độc quyền trong quyền lực, quyền hạn và trong kinh doanh.
Độc quyền dẫn đến cơ chế xin-cho; xin-cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hối lộ và tham nhũng. Lợi dụng độc quyền, một số người tự cho phép mình đồng nhất bản thân với định chế mà mình được giao nhiệm vụ đại diện, nhân danh lợi ích chung mà ra những quyết định có lợi cho một bộ phận, một nhóm lợi ích để từ đó thu lợi cho bản thân.
Yêu cầu nữa là cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về việc cung cấp và khai thác thông tin, bởi khi thông tin bị bưng bít sẽ tạo môi trường để tham nhũng càng có điều kiện nảy sinh, dẫn đến tình trạng ngầm bán thông tin cho người muốn biết thông tin. Chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan này chưa thật sự hiệu quả và cũng khó lòng hiệu quả được khi tình trạng thiếu thông tin xác thực là phổ biến. Không rõ ràng về thông tin cũng ảnh hưởng việc đề bạt cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến tệ mua quan bán chức.
Tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước cần được đề cao thường xuyên. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung thiết chế giám sát hoạt động thực thi quyền lực của cơ quan nhà nước, giúp tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cùng với đó, xây dựng những quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo, người dám đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời nghiêm trị những người trù dập, trả thù người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng.